Nói đến công tác cán bộ ai cũng biết những luận điểm nổi tiếng, như: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công tác cán bộ là then chốt của then chốt”... Vậy mà, trong phiên họp lãnh đạo chủ chốt ngày 14-5-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại nhắc nhở: “Chuẩn bị Đại hội cần chú ý cả hai việc. Một là các chương trình nghị sự, nhiệm vụ chính trị của địa phương, thứ hai mới là nhân sự. Không phải đại hội chỉ chăm chăm chuẩn bị nhân sự”.

“Thứ hai mới là nhân sự” là chỉ đạo rất đúng và rất trúng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Có câu chuyện Đại hội Đảng bộ một huyện mà chúng tôi đã từng được chứng kiến: Đại hội vừa khai mạc và nghe Đoàn Chủ tịch trình bày dự thảo báo cáo chính trị của cấp ủy khóa cũ xong thì giải lao.

Sau giờ giải lao, ông Bí thư huyện ủy (sắp hết nhiệm kỳ và chuẩn bị nghỉ hưu) bỗng nhiên xin ý kiến Đại hội: “Công tác nhân sự là quan trọng nhất, vì vậy xin phép Đại hội chúng ta làm công tác nhân sự của Đại hội rồi mới thảo luận báo cáo chính trị”.

Tình huống bất ngờ, nhiều người đơn giản định biểu quyết nhất trí thì một đảng viên lão thành xin phát biểu. Cụ nói: Phải thảo luận báo cáo chính trị đã, xem nhiệm kỳ tới mục tiêu của chúng ta thế nào, phương hướng và giải pháp lãnh đạo ra sao. Sau khi có nội dung nghị quyết, chúng ta mới bàn và chọn xem ai là người phù hợp nhất để tổ chức thực hiện mục tiêu mà Đại hội đề ra. Đành rằng, cả nội dung nghị quyết và nhân sự thì cấp ủy khóa cũ đã có sự chuẩn bị, nhưng Đại hội mới là nơi quyết định. Vì thế, chúng ta chưa xây dựng được nghị quyết mà đã bàn nhân sự là không nên.

Hôm đó, mặc dù Đại hội rất đồng tình với ý kiến của người đảng viên lão thành, nhưng rồi vẫn biểu quyết đồng ý làm công tác giới thiệu nhân sự cấp ủy khóa mới xong mới thảo luận xây dựng nghị quyết. Không khí Đại hội sau khi làm xong khâu giới thiệu nhân sự bỗng chùng hẳn xuống. Đại biểu phát biểu chủ yếu là những văn bản đã chuẩn bị trước. Tuy không ai nói ra, nhưng trong tâm tư nhiều người đều cho rằng, có nói cái gì mới cũng “chẳng ăn thua” vì quan trọng là người đứng đầu. Nghị quyết có hay, có trúng đến đâu nhưng  nếu không được người đứng đầu quan tâm thì chắc chắn sẽ “ngủ yên” trong văn kiện.

Tôi kể lại câu chuyện này để thấy rằng, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp là một chỉ đạo rất sâu sát và tinh tế. Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ lãnh đạo khi chuẩn bị Đại hội không để ý gì đến chất lượng văn kiện. Họ chỉ chăm chăm “nín, nịnh, né” để tìm kiếm cơ hội cho mình.

“Nín” ở đây là “nín thở qua sông”, công việc hằng ngày không còn thực chất, chỉ làm có tính đối phó cho xong, kể cả đó là những việc “quốc kế, dân sinh” rất quan trọng. “Nịnh” ở đây là nịnh cơ quan tổ chức - cán bộ, nịnh bí thư cấp ủy để lấy lòng, hòng hy vọng “ba năm phấn đấu không bằng một giờ cơ cấu”, “nịnh” để “chờ nghe tổ chức gọi tên mình”. “Né” ở đây là né tránh tất cả những gì có thể ảnh hưởng đến con đường tiến vào cấp ủy khóa mới của họ. Chẳng những “né” những người trung thực, trách nhiệm vì sợ bị những người này yêu cầu thể hiện chính kiến mà “né’ cả những người bị trù dập, bị oan ức vì sợ “vận rủi” hay sợ phải đối mặt với sự thật...

Đảng ta là Đảng cầm quyền, Đại hội Đảng các cấp là sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất, quyết định đến con đường phát triển của từng địa phương và cả nước. Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khi đi khảo sát thực tế để chuẩn bị Báo cáo chính trị trình Đại hội VII của Đảng đã nói: “Để đưa đường lối của Đảng vào cuộc sống, vấn đề quan trọng nhất là phải xác định được mô hình và chính sách cụ thể. Do đó, phải đi khảo sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến của nhân dân”. Một Đại hội mà không xác định được mô hình phát triển cho địa phương, phương thức và giải pháp để thực hiện mô hình đó thì không thể gọi là một Đại hội thành công. Mà muốn tìm ra mô hình tốt, không có cách nào khác ngoài việc tổng hợp những ý kiến đánh giá từ nhân dân.

Lắng nghe dân không chỉ giúp việc chuẩn bị Đại hội làm tốt “việc thứ nhất” mà còn có thể làm tốt cả “việc thứ hai”, đó là tìm ra những người lãnh đạo thực sự vì dân, vì nước. Vì lẽ đó, khảo sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến nhân dân trở thành con đường duy nhất có thể giúp cho công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp có thể làm tốt cả hai việc trọng đại của Đại hội.

Nguyễn Hồng