Viếng đồng đội ở Nghĩa trang Vị Xuyên.
Lên kế hoạch cả chục năm rồi, vậy mà cuối tháng 7-2020 này, sau 42 năm nhập ngũ, Đội đồng ngũ 26-7-1978 xã Trưng Vương (T.P Việt Trì, Phú Thọ) mới có dịp trở lại thăm chiến trường xưa - mặt trận Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang), nơi mà tất cả chúng tôi đã một thời gắn bó...
Từ T.P Hà Giang, chạy xe dọc theo quốc lộ 2 lên xã biên giới Thanh Thủy, “vùng đất chết” trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc (1979-1989). Ai cũng háo hức như những người con đi xa bây giờ mới trở về nhà… Phong cảnh thật đẹp. Đường nhựa mới làm lại, rộng rãi và phẳng lỳ, không như thời trước, ngồi trên xe kéo pháo mà chồm lên, chồm xuống như muốn rơi xuống vực... Lúc đầu, 12 đứa cùng về d24 Tỉnh đội Hà Giang, nhưng sau đó, người thì về e457 pháo binh, Sư đoàn 313 gồm tôi - Lê Doãn Chiêu, Lưu Ngọc Bình, Đỗ Năng Hiền, Nguyễn Kim Đông; tốp thì về Công binh Tỉnh đội (Trương Thành Phong, Nguyễn Văn Dũng, Lưu Hồng Sơn, Vũ Chí Thành, Bùi Xuân Thọ, Trần Quang Lâm), người thì về bộ binh (Tạ Hồng Việt, Đỗ Tú Tài)… Rôm rả chuyện về những tháng ngày đầy ghẻ lở hắc lào; rồi “kin” (ăn) nắm bột mỳ luộc cùng chậu canh “đại dương”… Chuyện cũ về những tháng ngày ở hang Làng Lò, hang Dơi, điểm cao 1.100; đồi Đài, đồi Cô X, thời 18, đôi mươi thì cứ vanh vách…
Lên Hà Giang lần này, chúng tôi đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên - nơi yên nghỉ của hơn 1.800 liệt sĩ của 32 tỉnh, thành phố từ miền Trung trở ra và nay đang được mở rộng để có thể đón tiếp di cốt 2.000 liệt sĩ đang đợi quy tập. Đến thăm người cũ, chỉ gặp các bạn cùng đơn vị ngày xưa nay ở lại Tuyên Quang, Hà Giang xây dựng quê hương mới; còn các bác, các cô chú chủ nhà ở Phương Thiện, Phương Tiến, Phương Độ, Thanh Thủy trước cho bộ đội đóng quân, do quy luật tạo hóa nay đã vắng bóng quá nhiều… Ai cũng háo hức đi thăm lại các di tích, nơi mình và đồng đội từng một thời gắn bó. Đây “Cầu Sập”- cây cầu Thanh Thủy cũ, được bộ đội đánh sập để chặn quân địch tràn sang. Đây hang Suối Cụt, địa điểm ém quân trước mỗi trận đánh, nay um tùm cỏ dại; đây hang Dơi - nơi cấp cứu ban đầu cho các thương binh. Nhiều thương binh nặng đã không qua khỏi ngay tại nơi này. Trong các kẽ đá, chi chít chân hương… Phía trước hang là dòng suối Thanh Thủy, bên kia suối là cánh đồng, từng được gọi là “Thung lũng gọi hồn”… Lối vào các di tích nay được mở rộng, được bê tông hóa thay cho lối mòn ngày nào. Ai cũng tẩn ngẩn tần ngần…
Lên Đền tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh tại Mặt trận Vị Xuyên trên điểm cao 468 thuộc thôn Nậm Ngặt, hai anh bạn trong đoàn là Nguyễn Văn Dũng, Vũ Chí Thành vốn là chiến sĩ công binh Tỉnh đội Hà Giang nhận ra căn hầm bê tông tránh pháo mà đơn vị các anh xây dựng ngày nào vẫn đứng ẩn mình dưới chân Đền. Dũng kể, ngày ấy, ô tô chở cấu kiện đến chân núi, còn thì lính ta vác lên đỉnh để đào đất dựng hầm. Bao công sức, mồ hôi và máu đã đổ… Vậy mới biết, để xây dựng công trình Đền với diện tích 1.100m2, có nhà tưởng niệm, đường dẫn lên nhà bia “Quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh”, nhà sắp lễ... và các công trình phụ trợ uy nghi trên đỉnh 468 này thì công sức đổ ra biết nhường nào. Được biết, năm 2015, Ban liên lạc Hội Bạn chiến đấu Mặt trận Vị Xuyên đứng ra tổ chức xây dựng Đền, vận động quyên góp từ các CCB và nhà hảo tâm cả nước… Nhiều lắm, lớn lắm. CCB Nguyễn Công Chiến, trước thuộc Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 Sao Vàng, quê ở thôn Trung Quán, xã Yên Thường (Gia Lâm, Hà Nội) ủng hộ 1,5 tỷ đồng; Hội Thương mại XNK Hà Giang và Ban Liên lạc CCB sư đoàn 356 Hà Giang tri ân công trình nước sạch… Không khí trang nghiêm đến lạnh người. Từng đoàn, từng đoàn vào hành lễ… Ai cũng rơm rớm nước mắt, nhớ về đồng đội.
Ngày ấy, ngày 12-7-1984 và những ngày dài tiếp theo, Sư đoàn 356 làm chủ công, các đơn vị của Sư đoàn 313, 314, 316 phối thuộc thực hiện chiến dịch MB 84 chiếm lại các điểm cao 685, 772 thuộc thôn Nậm Ngặt. Trận chiến diễn ra ác liệt, pháo hai bên thi nhau rót xuống. Có nơi, ta và địch giành đi giật lại đến 40 lần trong 1 năm… Sau chiến tranh, bộ đội Công binh nhiều lần tháo gỡ, nhưng đạn pháo chưa nổ và mìn các loại vẫn còn dày đặc, tập trung ở hai bản Giang Nam và Nặm Ngặt với diện tích 500ha… Vừa thắp hương nguyện cầu, vừa như nghe đâu đây vẫn tiếng pháo rền. “Lò vôi thế kỷ” trên đỉnh 685 và 772 giờ đây đã xanh lại, ôm ấp hương hồn và xương cốt của hàng nghìn đồng đội chúng tôi…
Về với Thanh Thủy hôm nay, màu xanh của no ấm hiện diện trên khắp các cánh rừng, nương rẫy. Xã Thanh Thủy có 590 hộ với 2.578 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Tày, Dao sinh sống tại 7 bản là Giang Nam, Cốc Nghè, Thanh Sơn, Nà Toong, Nặm Ngặt, Nà Sát và Lùng Đoóc. Sau năm 1989, chiến tranh kết thúc, bà con Thanh Thủy di tản từ Bắc Mê trở về xây dựng lại nhà cửa, xây dựng lại cuộc sống. Bộ đội Công binh dò mìn xong đến đâu, bà con bám theo làm nương đến đó. Giúp đỡ xã Thanh Thủy vượt khó vươn lên, các đơn vị quân đội và nhiều sở, ngành ở Hà Giang đã làm hơn 4 km đường liên thôn Giang Nam - Nặm Ngặt. Trước hôm chúng tôi lên, đại diện Công ty Xây dựng Phục Hưng ở Hà Nội vừa lên khánh thành hai Nhà tình nghĩa trị giá 60 triệu đồng/nhà tặng hộ ông Tráng Văn Si (thôn Thanh Sơn), hộ bà Vàng Thị Mỷ (thôn Giang Nam) và tiếp tục hỗ trợ 4 hộ nghèo trên địa bàn xã Thanh Thủy làm nhà, mỗi hộ 60 triệu đồng… Không dựa vào sự giúp đỡ, người dân Thanh Thủy chủ động xây dựng quê hương bằng đôi tay của mình, đổi thay nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước xác định những cây, con “mũi nhọn” để tập trung phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập.
Những năm qua, người dân Thanh Thủy đã hiến trên 12.000m2 đất, đóng góp trên 5.000 ngày công lao động, bê tông hóa trên 12km đường liên thôn, nội thôn, mở rộng trên 5km đường dân sinh, xây dựng trụ sở các thôn và bếp ăn trường mầm non… Xã xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế như trồng 13ha na dai tại thôn Nà Sát và Giang Nam; chăn nuôi trâu bò tập trung tại thôn Thanh Sơn, nuôi cá bỗng, chăn nuôi gia súc, nấu rượu, trồng thảo quả… Nhiều gia đình có 4-5ha chè, hàng nghìn con gà, dê, lợn. Gia đình anh Đặng Văn Vải, người Dao ở thôn Cốc Nghè, từ 2 con lợn giống và tiền vay Ngân hàng CSXH đã gây được đàn lợn nái, mỗi năm xuất bán gần 130 con lợn… Bản Thanh Sơn được huyện đầu tư xây dựng thành Làng Văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng NTM. Toàn thôn có 13 hộ dân tham gia dịch vụ homstay phục vụ khách du lịch. Thanh Thủy đang từng bước vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Năm 2015, Thanh Sơn vinh dự nhận Bằng công nhận Làng VHDL tiêu biểu gắn với xây dựng NTM của UBND tỉnh… Trưởng thôn Nguyễn Văn Liền cho biết: “Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Thanh Thủy đạt 21 triệu đồng/người/năm, bình quân lương thực đạt 434 kg/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 9,2%. Các tuyến đường liên thôn được bê tông hóa, trụ sở, nhà văn hóa được xây mới khang trang...”. Vui nhất khi chúng tôi được biết, xã Thanh Thủy đã đăng ký chọn “Chè chốt” sản phẩm gắn chặt với những kỷ niệm của các CCB thời giữ chốt ở đây làm sản phẩm đặc trưng trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của mình.
Thật mừng khi được chứng kiến những đổi thay trên vùng “đất chết” ngày nào. Thanh Thủy đang vươn mình đứng dậy, phấn đấu thành xã vùng biên đầu tiên của huyện Vị Xuyên “cán đích” nông thôn mới. Thanh Thủy của chúng ta ngày hôm nay đó.
Ghi chép của Lê Doãn Chiêu