“Con hơn cha là nhà có phúc”, câu tục ngữ đó của ông cha ta với mong muốn thế hệ sau phải thành công hơn thế hệ trước, giờ đang thành gánh nặng đặt lên vai không ít quan chức mang nặng tư duy “vinh thân phì gia”.

Vì muốn con hơn cha, họ bất chấp dư luận, tìm mọi cách lách luật, lách các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước, cốt làm sao để con thăng tiến “thần tốc” trên quan lộ.

Vì muốn con đỗ vào những trường đại học danh giá, họ “vô tình” để người thân can thiệp vào chuyện thi cử. Có ông “vô tình” đến mức con gái “bị” cấp dưới nâng điểm lên cao chót vót. Đến khi bị phát hiện, ông đã nghiêm khắc tự kiểm điểm, đồng thời không ngớt lời chửi mắng cấp dưới đã hại con ông.

Có ông không xử lý được chuyện điểm chác cho con, đành cho con đi học tại chức hoặc những trường đại học tư thục, đại học thiếu người học. Những trường đó, chỉ cần ghi danh là đỗ, thậm chí đỗ bằng đỏ. Chẳng hạn, có ông “con trời”, học hành không biết thế nào nhưng lại võ vẽ biết đánh cờ, thế là tốt nghiệp đại học đánh cờ loại khá. Ra trường, ông bố nhanh tay “xóa bằng đại học đánh cờ” bằng cách cho con đi học cao học. Nói tất tật thì hóa ra vơ đũa cả nắm. Bởi cũng có nhiều thạc sĩ xứng đáng là thạc sĩ. Nhưng, ở nước ta không gì dễ bằng học cao học. Vì cái danh thạc sĩ “chân không đến đất, cật chẳng đến trời”, lại là nơi các trường đại học tăng thu nhập cho giảng viên, nên học cao học là dễ nhất.

Các cậu ấm, cô chiêu tốt nghiệp đại học tại chức, đại học thiếu người học bỗng nhiên sau hai năm lại có danh thạc sĩ ở trường đại học tầm cỡ chứ chẳng chơi. Từ đây, nhân tiện, ông bố lại bố trí cho đi hoàn thiện lý luận cao cấp. Thế là tiêu chí, tiêu chuẩn nào cũng lọt. Ờ thì ai mà cãi được, về chuyên môn là thạc sĩ, về lý luận là cao cấp. “Con ông cháu cha” mà chăm chỉ học hành như thế là đáng quý lắm ấy chứ!

Từ trường đại học, “cậu ấm cô chiêu” sẽ được bố trí thi tuyển vào làm cán bộ Đoàn. Trước đây, Đoàn là “cánh tay phải” của Đảng, là “đội hậu bị tin cậy” của cách mạng nước nhà. Giờ, về lý thuyết vẫn thế. Nên nhiều vị bỗng nhiên tìm được con đường sáng để con mình “phát triển thần tốc”. Bởi vì, theo cơ cấu, hầu hết Bí thư Đoàn Thanh niên đều tham gia cấp ủy địa phương cùng cấp. Mà làm cán bộ Đoàn tuyệt không phải là nơi cho con nhà nghèo tham gia. Vì làm công tác Đoàn thì phải “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, cống hiến là chính, hưởng thụ là phụ. Cho nên, người có năng lực, tâm huyết nhưng nghèo khó mà làm được cán bộ Đoàn. Đấy là một sự thực. Vì vậy, tổ chức Đoàn thành nơi “khởi nghiệp” rất đẹp cho con nhà quan. Con quan làm cán bộ Đoàn, vừa có “lý lịch cống hiến” đẹp, vừa là nơi nhanh nhất có thể chen chân vào cấp ủy địa phương cùng cấp.

Vào được cấp ủy rồi thì bỗng thành “ông quan con” ngang hàng với bao vị trí quyền lực khác. Ở cấp huyện thì ngang cơ với trưởng phòng thuộc UBND, ở cấp tỉnh thì ngang cơ với giám đốc các sở, bí thư các huyện.

Và thế là công cuộc “thăng tiến thần tốc” bắt đầu. “Cậu ấm cô chiêu” vào một ngày đẹp trời sẽ được cấp có thẩm quyền cho luân chuyển, đi làm quan ở một cơ quan quyền lực hay một địa phương nào đó. Cái này không vướng quy định nào của Đảng cả!

Nhưng, nếu chỉ đi các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng gian khổ vất vả để chia ngọt sẻ bùi với nhân dân, để khẳng định tài năng lãnh đạo của mình thì chẳng ai nói làm gì. Vấn đề là đi địa phương nhưng làm thế nào để nhanh chóng chen chân vào thường vụ cấp ủy địa phương cùng cấp? Câu hỏi có vẻ khó! Ví dụ ở cấp tỉnh, thường chỉ có bí thư thành ủy thành phố trực thuộc tỉnh mới chắc chân cơ cấu vào thường vụ.

Khó nhưng không phải không có giải pháp? Chỉ cần đưa ông Bí thư cấp ủy đương nhiệm đi chỗ khác thì “ghế trống” sẽ xuất hiện.

Nhưng mùa đại hội đến nơi rồi, đưa con mình về đấy, đến khi đại hội người ta không tín nhiệm, con mình “trượt vỏ chuối” thì ê mặt quan lắm! Thế thì, đợi đại hội xong, mình mới cử con mình về. Đấy mới là nước cờ sáng.

Đấy, “con hơn cha nhà có phúc” có dễ không? Dễ lắm!

Nhưng, chớ coi thường dân. Chiếc lò chống tham nhũng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là người nhóm lửa vẫn đang cháy rừng rực. Phương châm đốt lò “kiên quyết, kiên trì, liên tục, không ngừng nghỉ; có lý, có tình, thận trọng, không nóng vội, tránh oan sai và đặc biệt là phát hiện sai phạm đến đâu, xử lý đến đó” vẫn đang phát huy tác dụng.

Đến lúc đó, ối anh “thần tốc” sẽ “cháy nhà ra mặt chuột”. Mấy năm qua, công cuộc “đốt lò” do Đảng lãnh đạo đã đưa rất nhiều “con chuột mặt người” ra trước ánh sáng công lý đó sao!

Thanh Hà