Khoảng 300 tấn hải sản, trong đó có nhiều loài đặc biệt nguy cấp, được phát hiện trên tàu cá Trung Quốc bị bắt trong vùng biển Ecuador năm 2017.

Ecuador đang đối mặt với cuộc tấn công mới từ phía biển. Sẽ không phải là một cuộc tấn công bằng bom đạn từ các tàu chiến mà là đánh thẳng vào nguồn lợi thủy sản khi gần 300 tàu cá treo cờ Trung Quốc lăm le ngay bên ngoài Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.

Mỗi khi hàng trăm tàu cá Trung Quốc tới đâu, chúng được gọi bằng cái tên "thành phố nổi" hay "hạm đội càn quét hải sản". Sự xuất hiện của “thành phố nổi” ngay ngoài khơi Ecuador khiến chính quyền nước này như ngồi trên đống lửa bởi nếu các tàu Trung Quốc xâm phạm EEZ của Ecuador, nước này cũng không đủ khả năng để truy đuổi hoặc bắt giữ. Theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, các tàu nước ngoài được phép “đi qua vô hại” trong EEZ của nước khác. Với hàng trăm tàu cá tiến vào, thật khó có thể theo dõi hết để chứng minh khi nào thì đó là “đi qua vô hại” và khi nào thì không. Năm 2017, hơn 20 người Trung Quốc đã bị bỏ tù sau khi Ecuador bắt 1 tàu cá treo cờ Trung Quốc trong khu bảo tồn biển của Galapagos. Khi mở hầm tàu, họ kinh hoàng phát hiện xác hàng trăm con cá mập đã bị cắt vây chất chồng trong đó.

Thế nhưng, nếu “hạm đội càn quét hải sản” của Trung Quốc chỉ hoạt động ở ngoài EEZ của Ecuador thì không phạm luật. Dù vậy, người Ecuador vẫn cảm thấy bất an vì nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt cho dù Đại sứ quán Trung Quốc tại Ecuador khẳng định Trung Quốc là một nước "đánh bắt có trách nhiệm" và sẽ không dung thứ cho các hành vi tàn phá môi trường biển. Bất chấp tuyên bố của Trung Quốc, Ecuador đã bày tỏ quan ngại thông qua các kênh ngoại giao và huy động hải quân ngăn chặn mọi sự xâm nhập của tàu Trung Quốc.

Phản ứng của Ecuador là chính đáng bởi mới hồi đầu tháng 7, Trung Quốc đã ban lệnh cấm câu mực kéo dài 3 tháng trên vùng biển Nam Mỹ với lý do "thúc đẩy phát triển bền vững nghề cá ở vùng biển mở". Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh áp lệnh cấm đánh bắt hải sản tại vùng biển quốc tế. Mọi tàu cá Trung Quốc sẽ bị cấm câu mực trong khu vực ngoài khơi Argentina từ tháng 7 đến hết tháng 9 năm nay và từ tháng 9 đến hết tháng 11-2020 ngoài khơi Chile. Vì sao Trung Quốc phải cấm? Câu trả lời đơn giản là sản lượng mực tại các vùng biển này gần như cạn kiệt vì tàu cá Trung Quốc. "Hạm đội" tàu cá của Trung Quốc mỗi năm đánh bắt từ 50 tới 70% tổng sản lượng đánh bắt hải sản trên các vùng biển quốc tế. Mực ống chiếm 1/3 tổng sản lượng đánh bắt của Trung Quốc và trong 9 năm liên tiếp, các tàu cá Trung Quốc câu mực nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Một số nước như Chile và Mexico đã áp đặt hạn ngạch và lệnh cấm câu mực trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Tuy nhiên, đặc tính của mực là không ở yên một chỗ. Chúng có thể sinh ra trong vùng biển của quốc gia này nhưng lại phát triển ở vùng biển quốc tế, nơi tàu thuộc mọi quốc tịch đều có thể đánh bắt.

Trong lúc khó khăn, chính quyền Ecuador có phần yên tâm hơn khi ngày 2-8 Ngoại trưởng Mỹ - Pompeo nhấn mạnh trên Twitter rằng Mỹ “sát cánh cùng Ecuador” chống lại các hành vi “phá luật” của Trung Quốc. Ông Pompeo viết: “Đã đến lúc Trung Quốc dừng các hoạt động đánh bắt không bền vững, phá luật và làm suy thoái môi trường trên các đại dương. Mỹ sẽ sát cánh cùng Ecuador và kêu gọi Bắc Kinh ngừng tiến hành các hoạt động đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU)". Trước đó, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ tuyên bố Washington sẽ sát cánh cùng Ecuador "chống lại bất kỳ sự xâm lược nào vào chủ quyền kinh tế và môi trường".

Có thể thấy, ngoài việc chính thức phản đối các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ sẽ sát cánh cùng các quốc gia khác trên toàn thế giới để chống lại việc đánh bắt tận diệt môi trường hay các lệnh cấm đánh bắt cá tự ý của Trung Quốc. Việc Bắc Kinh áp lệnh cấm đánh bắt để tái tạo nguồn hải sản trong vùng biển quốc tế là điều nên làm, nhưng đáng ra Trung Quốc nên làm điều này từ lâu bởi không quốc gia nào đánh bắt nhiều ở vùng biển quốc tế như Trung Quốc.

Thanh Huyền