Thiếu tướng Cầm Xuân Ế - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Sơn La tặng Bằng khen cho các đơn vị xuất sắc.

Thực hiện Kế hoạch số 385/KH-CCB, ngày 28-8-2017 và văn bản hướng dẫn số 02/HD-CCB, ngày 03-1-2018 của T.Ư Hội CCB Việt Nam về thực hiện mô hình tuyên truyền viên bảo vệ môi trường (TTVBVMT) cấp xã thuộc Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM); căn cứ tình hình thực tế, Hội CCB tỉnh Sơn La chọn Chiềng Ngân và Hua La là hai xã thuộc T.P Sơn La (mới đạt dưới 10 tiêu chí, đang phấn đấu đạt chuẩn NTM) làm điểm để thực hiện Đề án.

Trước khi các TTVBVMT được thành lập và hoạt động, một bộ phận người dân, doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn hai xã chưa nhận thức được tác hại của ô nhiễm môi trường. Tình trạng chất thải chăn nuôi, xây dựng, chế biến nông sản, nhà hàng đổ rác không đúng nơi quy định còn khá phổ biến; nhà vệ sinh của các gia đình còn tạm bợ; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng hướng dẫn; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt thấp. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi tường ở cơ sở còn buông lỏng; đó là một trong những mặt yếu, dẫn tới 2 xã chưa đạt chuẩn NTM.

Được cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể của thành phố, hai xã làm điểm và các sở: Tài nguyên - Môi trường, NNPTNT đồng tình, tích cực phối hợp hoạt động, Hội CCB tỉnh và Hội CCB T.P Sơn La đã tham mưu cho chính quyền 2 xã Hua La và Chiềng Ngân thành lập mỗi xã 1 tổ TTVBVMT. Mỗi tổ gồm 6 thành viên, do Chủ tịch Hội CCB làm Tổ trưởng; các thành viên còn lại là Chi hội trưởng CCB, cán bộ Đoàn xã, MTTQ, Phụ nữ.

Để các tổ TTVBVMT hoạt động có hiệu quả, ngày 1-4-2018, tỉnh Hội tổ chức lớp tập huấn cho các TTV nắm được những nội dung cơ bản, thiết thực nhất. Trên cơ sở đó, các TTV đã chủ động lồng ghép nội dung tuyên tuyên truyền thành một phần quan trọng của các buổi họp của thôn bản, của các đoàn thể. Tổ TTV khai thác sử dụng có hiệu quả phương tiện truyền thanh của xã, bản đã được trang bị. Chủ động giám sát tại các bản sau các cuộc tuyên truyền và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo cụ thể và sâu sát hơn để nhân dân thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (không nghèo, không có người vi phạm kỷ luật và tệ nạn xã hội, không bất bình đẳng giới, không vi phạm chính sách dân số không có trẻ em suy dinh dưỡng và sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp).

Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới (5-6), Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, 2 tổ TTVBVMT đã có nhiều hoạt động thu hút được sự tham gia của cộng đồng trồng cây xanh, thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức dọn đường làng ngõ xóm, nơi công cộng, khơi thông dòng chảy cống rãnh, xử lý rác thải…

Thiếu tướng Cầm Xuân Ế - Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Tinh thần trách nhiệm, sự gương mẫu của CCB từ lâu đã tạo được niềm tin đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, ví như CCB giúp nhau làm kinh tế xóa đói giảm nghèo, CCB tham gia các hoạt động xã hội thiện nguyện, tặng Nhà tình nghĩa…; vì vậy khi CCB tuyên truyền bảo vệ môi trường, bà con rất tin tưởng, hưởng ứng.

Nghe theo hướng dẫn của TTV, các hộ gia đình đã phân loại, đào hố chôn, đốt rác. Không nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn; 91,4% hộ dân sử dụng nước sạch, trong đó có 50% đạt quy chuẩn quốc gia. Các cơ sở sản xuất - kinh doanh, chăn nuôi cam kết bảo vệ môi trường, không có cơ sở vi phạm. Không còn hiện tượng xả nước thải, chất thải rắn như trước đây. Thông qua các hoạt động của tổ TTV, 2 xã Hua La và Chiềng Ngân đã đề nghị và được đầu tư 60 bể chứa rác thải nguy hại phục vụ sản xuất nông nghiệp; 60 thùng thu gom rác tại các bản và trung tâm 2 xã; đào 90 hố chôn rác. Hằng ngày, rác được vận chuyển đi xử lý. Nghĩa trang từng bước được xây dựng theo quy hoạch…

Chủ tịch Hội CCB, Tổ trưởng TTV xã Hua La - Hà Văn Dũng cung cấp thêm: Trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án, Tổ TTV đã lồng ghép vào nội dung các buổi sinh hoạt định kỳ của hội nghị xã viên và chi hội CCB các bản; đến cuối tháng 3-2020 đã có trên 5.500 người trong xã nghe tuyên truyền về thu gom rác thải, thu gom vỏ bao bì thuốc trừ cỏ; ngoài ra, Hội CCB xã còn chọn 2 chi hội làm thí điểm bảo vệ môi trường của xã (Chi hội bản Pọng và Chi hội bản Sàng), sau đó nhân rộng thêm 3 bản (bản Kham, bản Mòng và bản Lụa). Qua tuyên truyền, bà con đã tự giác khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không tiện tay vứt bao bì ngoài ruộng, trên nương như trước; rác thải từ sinh hoạt hằng ngày đã được gom về vị trí tập trung để xử lý…

Từ những kết quả bước đầu, để kịp thời rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quý II và quý III-2018, tỉnh Hội tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm 2 lần và tháng 11-2018 tổ chức hội thảo về nâng cao giải pháp tuyên truyền… Đầu năm 2019, tỉnh Hội tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện Đề án thí điểm và triển khai nhiệm vụ năm 2019; cuối năm 2019 tổ chức cho hai tổ tham quan học tập lẫn nhau và tổ chức hội thi giữa hai tổ.

Kết quả của thí điểm tổ chức TTVBVMT đã góp phần để năm 2018 xã Hua La và năm 2019 xã Chiềng Ngân đạt chuẩn NTM, T.P Sơn La hoàn thành xây dựng NTM.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực T.Ư Hội, ngày 12-6-2020, tại T.P Sơn La, Hội CCB tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện mô hình TTVBVMT cấp xã thuộc Đề án thí điểm mô hình TTVBVMT trong xây dựng NTM ở Sơn La.

Tại Hội nghị, Đại tá Đỗ Như Tuấn - Chuyên viên Ban Kinh tế T.Ư Hội, Thường trực Hội CCB tỉnh và đại biểu các Sở: NNPTNT, Tài nguyên - Môi trường Sơn La… đều khẳng định, ngoài những kết quả nêu trên, qua thực hiện thí điểm, hoạt động của TTV đã góp phần giúp cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành những nội dung cụ thể, thiết thực; xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác môi trường; đặc biệt lãnh đạo kết hợp sản xuất - kinh doanh với bảo vệ môi trường bảo đảm cho địa phương phát triển bền vững. Trên cơ sở hoạt động hiệu quả của TTV tiến tới phát triển các tổ tự quản về môi trường...

Mặt khác, hoạt động của TTV đã tăng cường công tác phối hợp giữa các đoàn thể chính trị xã hội, đặc biệt giúp người dân nhận thức đầy đủ hơn việc bảo vệ môi trường là tự bảo vệ mình; từ đó chung tay xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp tại địa phương.

Là bước thí điểm, còn một số hạn chế, nhưng mô hình tổ TTVBVMT là một giải pháp hữu hiệu, phù hợp với đặc điểm các địa phương miền núi phía Bắc, đa dân tộc, dân trí còn hạn chế, nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp; sản xuất - kinh doanh , kết cấu hạ tầng có mặt chưa bền vững… Đó cũng là căn cứ để Hội CCB tỉnh Sơn La và các đại biểu dự Hội nghị tổng kết đề nghị nhân rộng mô hình tổ TTVBVMT.

Duy Nguyễn