Cuộc chiến chống dịch Cvid-19 của nước ta đã đánh thắng trận đầu rất vẻ vang, khi hạn chế chỉ có 16 người mắc và tất cả đều đã khỏi bệnh. Phát huy những kinh nghiệm, bài học đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và cả hệ thống chính tri đã và đang tiếp tục cuộc chiến chống dịch quyết liệt hơn, với 5 phương châm: Ngăn chặn triệt để - phát hiện sớm nhất; cách ly ngay lập tức; khoanh vùng thật gọn; dập tắt triệt để, quyết không để “đốm lửa âm ỉ” nào… Từ phương châm ấy, người người ai cũng có niềm tin như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là “Việt Nam sẽ chặn đứng dịch Covid-19…”.

Ấy vậy mà đã không ít kẻ vì những động cơ hay hiểu biết hạn chế, lợi dụng mạng xã hội tung lên những nội dung giả, xấu, độc gieo rắc tâm tý hoang mang, giao động, gây cản trở cho tiến trình phòng, chống dịch. Mặc dù những đối tượng này đã bị dư luận lên án, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý kịp thời theo luật pháp, nhưng vẫn có đối tượng cố ý đi vào “vết xe đổ” nên đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa!

Đó là vì trong phòng, chống dịch, công tác truyền thông có một vị trí vô cùng quan trọng ngay từ khi mở đầu cuộc chiến theo định hướng “chống dịch như chống giặc”. Không chỉ là hiệu triệu toàn dân mà còn thể hiện tinh thần, nguyên tắc để tập trung mọi nguồn lực, từ trung ương đến các bộ, ngành, địa phương, các tầng lớp nhân dân chiến thắng dịch bệnh. Thực hiện định hướng ấy, truyền thông đã đặt mục tiêu bảo đảm sự minh bạch lên hàng đầu để người dân tự giác tham gia chống dịch. Truyền thông cũng đã làm rất tốt việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống dịch cho dân với tất cả các loại hình báo chí, thông tin, công nghệ; đồng thời, coi việc chống tin giả, xấu độc là một nhiệm vụ trong chiến dịch truyền thông.

Một khi đã định hướng “chống dịch như chống giặc” thì “chống tin giả phải như chống giặc”. Hoặc “muốn chống dịch Covid-19, cần chống tin giả trên mạng xã hội” là quan điểm của nhiều quan chức trong giới truyền thông. Để tiến hành nhiệm vụ này, chúng ta đã có những luật pháp và nghị định. Theo đó, Điều 8 và 9 Luật An ninh mạng đã quy định xử phạt những hành vi đưa tin giả, tin xấu. Mới đây, ngày 3--2020, Chính phủ lại ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chinh trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử đã có các quy định: những cá nhân, tổ chức đưa các thông tin giả, tin xấu có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Bộ luật Hình sự 2015, tại Điều 156 cũng quy định phạt tù từ 1 đến 7 năm đối với người đưa tin giả. Ngoài các quy định trên, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân, phân biệt được tin giả, tin thật, tạo ra dư luận xã hội tẩy chay tin giả, xấu độc… làm cho tin giả không còn đất sống!

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 của cả nước đang bước vào giai đoạn mới, gay go, quyết liệt để đi đến thắng lợi cuối cùng. Đi đôi với việc thường xuyên thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống, sẵn sàng ứng phó với trường hợp xấu nhất, mọi người cần đề cao cảnh giác, không nghe, không tin và phát hiện kịp thời cho các cơ quan chức năng xử trí những người đưa tin giả, xấu độc, đúng với tinh thần “chống tin giả như chống giặc”.

Nguyễn Thế Trường