Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng 3-6. Ảnh: Trọng Hải

Sáng 3-6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Phấn đấu công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (gọi tắt là Chương trình) là hơn 256.000 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn.

Cụ thể, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng và dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay, thời gian thực hiện Chương trình là trong 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035, chia làm các giai đoạn cụ thể.

Theo đó, năm 2025 sẽ thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác.

“Giai đoạn 2026-2030 sẽ tập trung giải quyết các vấn đề về hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến 2030. Giai đoạn 2031-2035, tiếp tục phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế Việt Nam; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến 2035”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, chương trình đặt ra mục tiêu cụ thể, với nhiều mục tiêu đáng chú ý.

Theo đó, đến năm 2030 sẽ hoàn thành 100% việc xây dựng và ban hành các bộ quy tắc ứng xử, phù hợp với đặc điểm địa phương và nguyên tắc bình đẳng giới về môi trường văn hóa.

100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ ba loại hình thiết chế văn hóa, 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa, Thể thao đạt chuẩn. Ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo...

Đáng chú ý, mục tiêu tới năm 2035, chương trình cũng đề ra một số mục   tiêu cụ thể. Đó là, phấn đấu 90% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo   đức, lối sống, bình đẳng giới, hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào   hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã. Bên cạnh đó, phấn đấu các   ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước; có mức tăng trưởng   trung bình hằng năm đạt 7%....    

Một số chỉ tiêu còn cao so với thực tế, chưa phù hợp đặc thù vùng, miền

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho hay, Ủy ban tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình; nhất trí với 10 nội dung thành phần của Chương trình và cho rằng các nội dung này đã phản ánh được đầy đủ yêu cầu về lý luận và thực tiễn phát triển văn hóa trong giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cũng cho rằng, hệ thống chỉ tiêu lớn, nhiều nội dung được lượng hóa, tuy nhiên chưa được thuyết minh cụ thể về cơ sở khoa học, thực tiễn để xác định. Nhiều chỉ tiêu hỗn hợp, ghép nhiều nội dung khác nhau, dẫn đến khó thống kê, khó thực hiện, khó đánh giá kết quả. Một số chỉ tiêu còn cao so với thực tế; chưa phù hợp với yếu tố đặc thù của từng vùng, từng địa phương.

Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh đề nghị cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, nghiên cứu điều chỉnh, sắp xếp các nội dung, chỉ tiêu, nhiệm vụ một cách cụ thể, hệ thống, phù hợp hơn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện...

Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết theo đúng nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa năm 2021 về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để phát triển văn hóa trong thời gian tới.
Trong đó, 10 nội dung thành phần đáng chú ý như:
Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; trong đó tập trung xây dựng hệ giá trị đạo đức, chuẩn mực con người Việt Nam, phát triển gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả.
Xây dựng môi trường văn hóa từ cơ sở; tập trung đầu tư, khai thác, phát huy hiệu quả của các thiết chế văn hóa thể thao tại cơ sở, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân, đồng thời phát triển hệ thống hạ tầng, thiết chế văn hóa nghệ thuật chất lượng cao, hướng đến đẳng cấp quốc tế.
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó ưu tiên phát triển doanh nghiệp công nghiệp văn hóa và thị trường sản phẩm công nghiệp văn hóa có năng lực cạnh tranh cao....

QĐND