Ông Phạm Hương Sơn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Trường Tươi (bên trái), Tiến sĩ Trần Văn Miều - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, CCB Mai Xuân Tâm - Phó giám đốc Công ty B58 thăm rừng Mã Đà.

Hàng chục năm nay, người dân Bình Phước và nhiều CCB trên cả nước vui mừng, nể phục khi Công ty B.58 thuộc Tập đoàn Trường Tươi Bình Phước đã khoanh nuôi, bảo vệ nguyên vẹn 512 hécta rừng nguyên sinh Mã Đà tại Tiểu khu 379, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước; thì nay niềm vui lại dâng lên gấp bội, bởi cũng từ cánh rừng đó có tới 162 cây quý được vinh danh là “Quần thể Cây Di sản Việt Nam”.

Chiến binh giữ rừng

“Chiến binh giữ rừng” là danh hiệu mà Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dành tặng, động viên vợ chồng CCB Phạm Công Trường và Nguyễn Thị Hồng Tươi, vào chiều ngày 13-12-2018, tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, nhân gặp mặt các CCB tiêu biểu tham gia Chương trình “Nghĩa tình đồng đội” lần thứ 9 do Báo CCB Việt Nam chủ trì tổ chức.

Nói về tâm huyết với rừng của CCB Phạm Công Trường - Giám đốc Công ty B.58, Tiến sĩ Trần Văn Miều - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho biết, ông chứng kiến một lần cùng nhân viên đi tuần tra, khảo sát rừng Mã Đà, đứng dưới tán cây rừng cổ thụ, CCB Phạm Công Trường đã hào sảng ngân nga “Người hỡi! Hồn Tổ quốc ngự giữa rừng sâu thẳm/ Rừng điêu tàn là Tổ quốc suy vong…”.Câu thơ của ai đó đã ngấm vào máu thịt ông, bởi ông - một người lính từng trải trận mạc hiểu được giá trị của rừng đại ngàn, đặc biệt là rừng Mã Đà. Không chỉ là “rừng vàng”, mà suốt 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, rừng Mã Đà - Chiến khu Đ còn thực thi nhiệm vụ thiêng liêng “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, là nơi đặt Đại bản doanh của Bộ Tư lệnh Quân khu Miền Đông Nam Bộ.

Ý thức được giá trị lớn lao của rừng Mã Đà, nên hàng chục năm qua, Công ty B.58 dưới sự quản lý, điều hành của vợ chồng CCB Phạm Công Trường - CCB thương binh Nguyễn Thị Hồng Tươi cùng các con của mình đã tranh thủ sự ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo địa phương, Hội CCB và Hiệp hội Doanh nghiệp, Doanh nhân CCB; bền bỉ, kiên cường, khôn khéo tổ chức khoanh nuôi, bảo vệ nguyên vẹn 512 hécta rừng nguyên sinh tại Tiểu khu 379, Tân Hòa, Đồng Phú. Rừng nguyên sinh Mã Đà có hàng nghìn cây gỗ quý, thuộc nhóm ghi trong sách đỏ, như: Lim, gụ, gõ đỏ, trắc, cẩm lai… Trong đó, có tới 162 cây đặc biệt có giá trị, được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam kiểm chứng, xác lập, công nhận là Quần thể Cây Di sản Việt Nam.

Sự đa dạng môi trường sinh thái của rừng nguyên sinh; đặc biệt, Quần thể Cây Di sản được bảo tồn, gắn với di tích lịch sử Chiến khu Đ, nên rừng Mã Đà, Đồng Phú ngoài giá trị cốt lõi của nó, đang là điểm đến lý tưởng cho các chương trình hành quân “về nguồn” kết hợp giáo dục lịch sử truyền thống với du lịch tâm linh, sinh thái…

Bia ghi danh “Quần thể Cây Di sản Việt Nam” tại rừng Mã Đà (Tân Hóa, Đồng Phú).

Kết nối Xanh kiến tạo nên Quần thể Cây Di sản độc đáo.

Đó là khẳng định của Tiến sĩ, Nhà văn Trần Văn Miều. Qua những gì Tiến sĩ Miều bộc bạch, thì ngày 19-7-2014, dự Lễ công nhận hai Cây Di sản Việt Nam ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, là cơ duyên để ông đến với rừng Mã Đà và dày công lập hồ sơ, đề nghị công nhận Tập đoàn Cây Di sản ở đây. Cùng dự lễ hôm đó, CCB Nguyễn Thị Hồng Tươi đã quả quyết với ông rằng cứ như hai cây đa sộp ở Lý Sơn, thì rừng Đồng Phú mà vợ chồng chị đang quản lý có tới hàng trăm Cây Di sản…

“Cuộc gặp gỡ Xanh và điều quả quyết của nữ CCB thực sự truyền “Cảm hứng Xanh” cho tôi” - Tiến sĩ Miều bộc bạch. Để rồi, từ tháng 7-2014 đến tháng 1-2020, Tiến sĩ Trần Văn Miều nhiều lần vào công tác ở rừng Mã Đà; đã cùng vợ chồng CCB Công Trường - Hồng Tươi, con của anh chị là Phạm Hương Sơn và cộng sự hành quân xuyên rừng Mã Đà, tiến hành đánh giá tình hình sinh trưởng của những cây cổ thụ, chụp ảnh, khoan lấy mẫu để xác định tuổi, định vị vị trí… của từng cây trên bản đồ.

Gần 10 năm, với bốn chuyến khảo sát, kiểm chứng, Tiến sĩ Miều đã lập hồ sơ đề nghị Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường xét công nhận Quần thể Cây Di sản của rừng Mã Đà. Căn cứ đề nghị của ông, ngày 6-10-2023, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã ký Quyết định số 194/QĐ-HMTg công nhận 162 cây thuộc 15 loài tại Tiểu khu 379 Mã Đà là Quần thể những Cây Di sản Việt Nam.

Dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về Quần thể Cây Di sản ở Mã Đà, Tiến sĩ Trần Văn Miều cho biết: “Hiện nay cả nước đã có 13 quần thể Cây Di sản được công nhận, nhưng Quần thể những Cây Di sản tại Tiểu khu 379 Mã Đà có tính độc đáo, đặc sắc và duy nhất. Bởi lẽ, 12 quần thể khác chỉ có 1 đến 3 loài cây. Còn quần thể ở Mã Đà có tới 15 loài cây; Thứ hai, tuổi cây cổ thụ ở rừng Mã Đà rất cao: Trong 162 cây được xác định tuổi, có 18 cây dưới 500 tuổi, 144 cây trên 500 tuổi; Thứ ba, ở Mã Đà có quần thể cây Kơ nia huyền thoại, có tuổi đời rất cao: 130 cây đã tính tuổi, có 1 cây dưới 500 tuổi, 129 cây trên 500 tuổi; trong đó có 18 cây trên 900 tuổi, 7 cây trên 1.000 tuổi. Đặc biệt có cây Kơ nia “Tổ” trên 1.200 tuổi”.

Trong bối cảnh tình trạng phá rừng đang là vấn nạn ở nhiều nơi trên cả nước, thì việc Tập đoàn Trường Tươi Bình Phước giữ được nguyên vẹn 512 hécta rừng nguyên sinh Mã Đà và Quần thể 162 Cây Di sản Việt Nam, thực sự là điểm sáng tiêu biểu về khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Thành tích của Công Ty B.58 nói riêng và Tập đoàn Trường Tươi đã được nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Hội CCB Việt Nam biểu dương, khen ngợi.

Được vinh danh Quần thể Cây Di sản là vinh dự, thành công lớn; nhưng bảo vệ rừng cũng như bảo vệ Cây Di sản đang và sẽ đặt lên vai cán bộ, nhân viên Tập đoàn Trường Tươi trọng trách hết sức nặng nề. Chủ tịch Tập đoàn Trường Tươi - Phạm Hương Sơn cho biết: Hằng ngày, đội ngũ bảo vệ rừng của Tập đoàn thường xuyên quan tâm, kiểm tra các Cây Di sản, theo dõi sự phát triển của cây… Chúng tôi luôn tâm niệm: Bảo vệ rừng khỏi sự xâm lấn, phá hoại của kẻ xấu; kết hợp chăm sóc Quần thể những Cây Di sản trong rừng Mã Đà là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tập đoàn. Để làm tốt nhiệm vụ đó, Công ty B.58 đã thành lập 5 chốt bảo vệ rừng; các Chốt trưởng đều là CCB, con em CCB…Trong đó, 20 người trông coi bảo vệ rừng 24/24 giờ trong ngày. Ngoài ra, còn có một Đội cơ động gồm 15 người luôn sẵn sàng ứng phó khi có tình huống đột xuất. Đồng thời, chúng tôi tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng cho cán bộ, nhân viên Công ty và người dân địa phương…

Tiếp xúc với Phạm Hương Sơn, tôi thầm nghĩ, phải chăng bởi “duyên Trời”, khi đặt tên con là Hương Sơn - Hương núi rừng, anh chị Trường - Tươi đã tính trước có ngày Hương Rừng Mã Đà tỏa lan thơm ngát giữa đời!

Nhóm khảo sát tính tuổi cây cùng phóng viên Đài PTTH tỉnh Bình Phước bên cây Kơ nia “Tổ”.

Vì lợi ích trăm năm

Không chỉ làm tốt nhiệm vụ của những “Chiến binh giữ rừng”, đội ngũ lãnh đạo của Tập đoàn Trường Tươi Bình Phước còn được biết đến như những “Chiến binh” tiêu biểu trên mặt trận sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, và là một trong những tấm gương sáng trong hoạt động xã hội, thiện nguyện. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhằm thực hiện tâm nguyện của các đấng sinh thành, các con của vợ chồng CCB Công Trường - Hồng Tươi, là Hương Sơn, Hương Trang… đang là “Mạnh Thường quân” cho nhiều hoạt động văn hóa - thể thao ở địa phương và trên cả nước. Sau những bước đồng hành cùng Chương trình chắp cánh ước mơ, tài trợ nhiều tỷ đồng cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước, Tập đoàn Trường Tươi Bình Phước là nhà tài trợ độc quyền của Đội bóng chuyền nữ Bộ Tư lênh Thông tin - Đội bóng giàu thành tích nhất làng bóng chuyền nữ Việt Nam. Trường Tươi Bình Phước cũng là tên gọi của Đội bóng đá nam tỉnh Bình Phước tham gia Giải bóng đá hạng Nhất quốc gia, từ sau khi Tập đoàn Trường Tươi là Nhà tài trợ độc quyền 5 năm liên tục của Đội bóng. Và gần đây nhất, giải Maraton được tổ chức ở Bình Phước từ năm 2023-2027 cũng được mang tên Maraton Trường Tươi Bình Phước…

Với những thành tích xuất sắc, đóng góp xứng đáng trên nhiều lĩnh vực hoạt động, vợ chồng CCB Công Trường - Hồng Tươi đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đồng hành cùng các hoạt động sản xuất kinh doanh và các chương trình xã hội thiện nguyện của Tập đoàn Trường Tươi Bình Phước, chúng ta thấy vợ chồng CCB Công Trường - Hồng Tươi và các con của anh chị đang thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người!

Duy Tường