Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 2-6-2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QPAN) đã tiến hành nghiên cứu và tổ chức thẩm tra đối với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (sau đây gọi là dự án Luật) theo Tờ trình số 426/TTr-CP ngày 31-8-2023 của Chính phủ.
Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) được ban hành năm 2008, sau 15 năm thực hiện cho thấy, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, thiếu nhiều quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội về TTATGTĐB, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này, nhất là trước bối cảnh tốc độ đô thị hóa, dân số và phương tiện cá nhân gia tăng nhanh chóng, nhưng sự phát triển của hạ tầng giao thông còn chừng mực, nhiều thiết bị an toàn giao thông lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu và tình hình TTATGTĐB ở Việt Nam như: Tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông; tình trạng vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém; các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến GTĐB diễn biến phức tạp; ùn tắc giao thông phức tạp tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của nhân dân, tác động không tốt đến môi trường du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài và hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
Luật GTĐB năm 2008 được xây dựng và ban hành trong bối cảnh hệ thống hạ tầng GTĐB còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là xe mô tô, xe gắn máy; một số quy định tuy đã được điều chỉnh trong Luật GTĐB năm 2008 nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ và không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay. Luật GTĐB năm 2008 không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về TTATGTĐB, việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chức năng về bảo đảm TTATGTĐB thiếu rõ ràng, chưa rành mạch dẫn đến quá trình thực hiện còn chồng chéo, thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật. Luật GTĐB năm 2008 điều chỉnh cả lĩnh vực kết cấu hạ tầng GTĐB, vận tải đường bộ và lĩnh vực TTATGTĐB, nên không bao quát hết các nội dung về lĩnh vực TTATGTĐB, dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý nhà nước, phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành.
Việc tách các nội dung của Luật GTĐB năm 2008 để xây dựng 02 dự án luật (Luật TTATGTĐB và Luật Đường bộ) là cần thiết để quy định đầy đủ, cụ thể về từng lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4-9-2012 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGTĐB, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”, Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25-5-2023 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới”. Trong đó, Chỉ thị số 23-CT/TW đã xác định: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông. Tập trung rà soát, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về giao thông theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ để cụ thể hoá một bước định hướng trên.”
Ủy ban QPAN thấy rằng, dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013; cơ bản bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm TTATGTĐB, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước, thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế và khắc phục những vướng mắc, bất cập thời gian qua. Tuy nhiên, do lĩnh vực TTATGTĐB liên quan trực tiếp đến hoạt động hàng ngày của người dân, tác động to lớn đến đời sống xã hội, nên Ủy ban QPAN đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm tính
Thảo luận về Dự thảo Luật, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện “Có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định” (điểm c khoản 1), vì cho rằng việc áp dụng đối với mọi loại phương tiện giao thông cơ giới (gồm cả xe mô tô, xe gắn máy) là rộng và khó bảo đảm tính khả thi, chỉ nên tập trung vào một số loại hình phương tiện, đặc biệt là các phương tiện giao thông vận tải, kinh doanh có điều kiện; hơn nữa, pháp luật hiện hành chỉ mới quy định xe ô-tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ (gồm cả lái xe) phải lắp camera đảm bảo ghi lại, lưu trữ toàn bộ hình ảnh trên xe trong quá trình tham gia giao thông. Có ý kiến cho rằng việc yêu cầu lắp các thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe vi phạm quyền riêng tư, quyền bảo vệ bí mật đời tư của công dân nên cần cân nhắc quy định này; khi yêu cầu lắp camera, thiết bị giám sát hành trình sẽ liên quan đến tiêu chuẩn, chất lượng các thiết bị phải được cấp phép và việc lắp các thiết bị này sẽ phải can thiệp vào hệ thống điện của xe, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Có ý kiến cho rằng, việc yêu cầu lắp các thiết bị trên sẽ tạo gánh nặng về kinh tế cho người dân. Có ý kiến đề nghị cần có quy định miễn trừ lắp các thiết bị này đối với xe quân sự, xe do Bộ Quốc phòng quản lý.
Tuy vậy, cũng có một số ý kiến cho rằng việc lắp camera giám sát hành trình cho xe cơ giới sẽ hỗ trợ cho việc lái xe an toàn cũng như tránh được những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra, hỗ trợ giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh khi xảy ra va chạm, tai nạn giao thông. Tuy nhiên, do nội dung dữ liệu có liên quan đến quyền riêng tư, quyền bảo vệ bí mật đời tư của công dân nên đề nghị không chuyển các dữ liệu này về trung tâm chỉ huy giao thông, chỉ trích xuất khi có yêu cầu hoặc khi giải quyết vấn đề pháp lý liên quan đến tai nạn giao thông.
Về cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký và biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ (Điều 34) và việc thí điểm đấu giá biển số xe ô tô. Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về số biển số và quản lý theo mã định danh của chủ xe tại khoản 7, vì cho rằng quy định này sẽ gây mất thời gian của người dân khi chuyển nhượng xe đã qua sử dụng, chỉ nên áp dụng cấp biển định danh đối với xe mới. Việc thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, Chính phủ cũng đã có những chính sách mới về quản lý biển số xe như cấp và quản lý số biển số xe theo mã định danh của chủ xe. Đây là chính sách lớn, thay đổi phương thức quản lý nhà nước đối với phương tiện tham gia giao thông cũng như người điều khiển phương tiện giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy thời gian thực hiện thí điểm chưa nhiều nhưng bước đầu đã chứng minh được tính hiệu quả, tính khả thi của chính sách mới này; do đó, đề nghị sớm được quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp. Nếu không kịp thời đưa vào dự thảo Luật này mà chờ hết thời gian thực hiện thí điểm, tiến hành tổng kết, báo cáo Quốc hội thì lúc đó phải tiến hành trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung Luật mới được Quốc hội sẽ gây tốn kém, lãng phí cả về thời gian và ngân sách.
Về tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB (Điều 51): Có ý kiến đề nghị nghiên cứu độ tuổi được điều khiển xe gắn máy (điểm a khoản 1) cho phù hợp với sự phát triển của thanh thiếu niên hiện nay, đáp ứng nhu cầu của các em điều khiển xe đi học. Có kiến khác đề nghị cân nhắc độ tuổi tối đa đối với người lần đầu đăng ký đào tạo lái xe tại điểm b khoản 1. Có ý kiến băn khoăn về quy định khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô tại khoản 3 Điều 51 vì cho rằng phạm vi quá rộng, cần xác định rõ hơn áp dụng với lái xe kinh doanh hay với tất cả lái xe ô tô.
Về sát hạch giấy phép lái xe (Điều 53), nhiều ý kiến nhất trí với dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng xuất phát từ tình hình thực tiễn hiện nay, qua công tác kiểm tra, xử lý cho thấy số lượng người đã được cấp giấy phép lái xe nhưng không bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn rất nhiều. Do đó, đề nghị bổ sung quy định về quản lý nhà nước sau sát hạch giấy phép lái xe để bảo đảm chặt chẽ, hạn chế đến mức thấp nhấp tình trạng nêu trên; đồng thời, bổ sung quy định về kiểm tra bất thường đối với công tác đào tạo, sát hạch cấp bằng, phúc tra kết quả sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Đối với trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Chương VIII), có ý kiến đề nghị rà soát các nội dung ủy quyền quy định chi tiết trong dự thảo Luật (44 nội dung), đối với những nội dung đã chín, đã rõ cần quy định cụ thể hoặc quy định mang tính nguyên tắc trong Luật, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân. Rà soát các quy định liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong dự thảo Luật này và dự thảo Luật Đường bộ để bảo đảm đúng nội dung, lĩnh vực phụ trách, rõ trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp cho phù hợp với chỉ đạo của Đảng: “Một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, trùng lặp.
Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể về việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đến đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biển đảo; bổ sung các phương pháp tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả công tác này; bổ sung trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đặc biệt cho đối tượng học sinh, sinh viên, người lao động để nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các đối tượng này.
Ủy ban QPAN về cơ bản tán thành các quy định của Chương VIII; đồng thời, đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật.
PV