Bác Hồ thăm Đoàn cao xạ Tam Đảo, ngày 25-9-1966.  

Ngày 22-10-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh và Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 50/QĐ, thành lập Quân chủng Phòng không - Không quân (PKKQ), trên cơ sở hợp nhất Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân. Vào thời điểm thành lập, Quân chủng PKKQ có 3 Binh chủng: Cao xạ, Ra-đa và Không quân.

Quân chủng PKKQ ra đời là bước phát triển mới về tổ chức và sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta. Từ một Quân đội lúc đầu chỉ có bộ binh, trang bị vũ khí thô sơ đã phát triển thành Quân đội có đủ các quân, binh chủng hiện đại. Thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của T.Ư Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong quá trình xây dựng Quân đội cách mạng tiến lên chính quy, từng bước hiện đại; đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trước đó, các đơn vị Phòng không và Không quân đã được thành lập và tham gia chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đó là Trung đoàn pháo cao xạ 367 được thành lập ngày 1-4-1953, là Trung đoàn pháo cao xạ chủ lực đầu tiên của Quân đội ta, đã tham gia chiến đấu, lập công xuất sắc ở Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Ngày 3-3-1955, Ban Nghiên cứu Sân bay được thành lập (mang phiên hiệu C-47). Ngày 24-1-1959, Tổng Tư lệnh ban hành Nghị định số 319/NĐ, thành lập Cục Không quân trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu trên cơ sở hợp nhất các tổ chức và lực lượng của Ban Nghiên cứu sân bay và Cục Hàng không dân dụng Việt Nam. Ngày 21-3-1958, thành lập Trung đoàn rađa cảnh giới đầu tiên của QĐND Việt Nam với tên gọi Trung đoàn đối không cần vụ 260. Ngày 1-3-1959, Trung đoàn 260 bắt đầu phát sóng và ngày này được lấy làm ngày truyền thống của Bộ đội Rađa. Ngày 21-3-1958, Bộ Tư lệnh Phòng không được thành lập trên cơ sở của Sư đoàn Phòng không 367 và Trung đoàn Đối không cần vụ 260.

Ngay sau khi thành lập, Quân chủng PKKQ đã không ngừng phát triển trưởng thành, lập công xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bộ đội PKKQ được xác định làm nòng cốt trong cuộc đọ sức với không quân hiện đại của đế quốc Mỹ trong thế trận phòng không nhân dân 3 thứ quân là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ rộng khắp.

Ngày 3 và 4-4-1965 Trung đoàn không quân tiêm kích 921 đánh thắng trận  đầu, là đơn vị vinh dự thực hiện được lời Bác Hồ căn dặn: “Mở mặt trận trên không thắng lợi”.

Là lực lượng ra đời sau cùng trong 4 binh chủng thuộc Quân chủng PKKQ, Bộ đội Tên lửa đã ra quân đánh thắng trận đầu, ngày 24-7-1965, tại các trận địa bố trí ở huyện Bất Bạt, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), Trung đoàn 236 đã diệt gọn một tốp F.4C của không quân Mỹ.

Với ý chí quyết tâm "Dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng" được khẳng định bằng ra quân chiến thắng trận đầu, Bộ đội PKKQ xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong tác chiến đường không, cùng quân và dân cả nước đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc. Từ bẻ gãy chiến dịch “mũi tên xuyên”, "mũi lao lửa", đánh bại chiến dịch đánh phá Cầu Hàm Rồng, đập tan chiến dịch "sấm rền"… đến đỉnh cao là Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, góp phần tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong chiến dịch "Lai-nơ-bếch-cơ II" cuối tháng 12-1972, đế quốc Mỹ đã sử dụng 193 máy bay chiến lược B.52 (chiếm gần 50% lực lượng không quân chiến lược Mỹ), toàn bộ không quân chiến thuật của không quân và hải quân Mỹ ở Đông Nam Á, bao gồm 5 biên đội tàu hải quân, gần 1.000 máy bay các loại, 50 máy bay KC.135 tiếp dầu trên không và sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại khác nhằm đè bẹp ý chí chiến đấu của dân tộc ta..

Nhưng với ý chí kiên cường, cách đánh thông minh, sáng tạo, Quân chủng PKKQ cùng với quân và dân miền Bắc bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B.52 (16 chiếc rơi tại chỗ), 5 chiếc F.111 và 42 máy bay chiến thuật. Riêng Quân chủng PKKQ quân bắn rơi 32 chiếc B.52 và nhiều máy bay chiến thuật khác. Đã làm nên một “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, đập tan thần tượng “siêu pháo đài bay” và “uy thế không lực Hoa Kỳ”, đánh sập ý tưởng “thương lượng trên thế mạnh” của Ních-xơn và buộc chính quyền Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri vào ngày 27-1-1973, tạo thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam, góp phần thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, đẩy nhanh sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc đến thắng lợi vẻ vang.

Bộ đội PKKQ đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ giao thông chiến lược, chiến đấu hiệp đồng quân, binh chủng, tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và làm tròn nhiệm vụ quốc tế. Đã hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bám sát các trọng điểm như Hàm Rồng, Đồng Lộc, Xuân Sơn, các T.P Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bến Thủy..., đánh trả quyết liệt các đợt tiến công đường không của địch, giữ vững chân hàng và tuyến đường chiến lược chi viện cho miền Nam, các trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự. Đã tham gia chiến đấu hiệp đồng quân, binh chủng, trong nhiều chiến dịch lớn, cùng với lực lượng Phòng không Đoàn 559 và các sư đoàn bộ binh, dân quân du kích bắn rơi nhiều máy bay địch, bảo vệ huyết mạch giao thông.

Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các đơn vị Pháo cao xạ, Tên lửa, Ra-đa, Không quân đã tổ chức hành quân thần tốc cùng các binh đoàn bộ binh tiến vào giải phóng miền Nam. Các đơn vị Không quân ngoài việc sẵn sàng chiến đấu ở miền Bắc, đã sử dụng tất cả máy bay hiện có lập "cầu hàng không" phục vụ công tác chỉ huy, tiếp tế, vận tải, cơ động lực lượng, góp phần đẩy nhanh tốc độ tiến công trên các chiến trường, các đơn vị Phòng không bám sát bộ binh, hiệp đồng chặt chẽ cùng pháo binh, xe tăng bắn máy bay, tiêu diệt sinh lực địch, chi viện đắc lực cho các mũi tiến vào Sài Gòn.

Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quân chủng PKKQ đã bắn rơi 2.635 máy bay trong tổng số 4.181 máy bay Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi, gồm tất cả các kiểu loại hiện đại nhất của không quân Mỹ trong đó có 64 chiếc B.52, 13 chiếc F.111, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái.

Ngày nay, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhiệm vụ của Quân chủng PKKQ được Đảng, Nhà nước, Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng giao rất nặng nề. Kế thừa và phát huy truyền thống 60 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển, cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, người lao động đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa, khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không, trong thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, ngày 16-5-1977, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký Sắc lệnh số 34/L-CT, tách Quân chủng Phòng không - Không quân thành hai Quân chủng độc lập là Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân. Cả hai Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân đều có chung nhiệm vụ chính trị quan trọng là bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam XHCN. Hai Quân chủng củng cố tổ chức, biên chế, lực lượng, trang bị kỹ thuật, sắp xếp lại thế bố trí chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bộ đội Phòng không, Không quân tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc; hỗ trợ đắc lực cho lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giải phóng đất nước khỏi nạn diệt chủng, góp phần vào thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Phát huy truyền thống trong chiến đấu, nhiều đơn vị của cả hai Quân chủng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng những danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVTND, nhiều Huân, Huy chương các loại
Ngày 3-3-1999, Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký Sắc lệnh số 03/L-CT về việc hợp nhất Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân thành Quân chủng Phòng không - Không quân. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong sự nghiệp xây dựng Quân đội và củng cố quốc phòng, là sự kế tiếp lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội Phòng không và Bộ đội Không quân. Sức mạnh Quân chủng ngày càng được tăng cường; ý thức trách nhiệm, tinh thần nỗ lực khắc phục khó khăn để xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của các cấp, các ngành và của mọi người đều có bước phát triển cao hơn.

Vũ Quang Huy