(Trận không chiến ngày 7-10-1967)

Đã 57 năm trôi qua, nhưng trận không chiến sáng ngày 7-10-1967, vẫn lắng lại trong ký ức nhiều tướng lĩnh, sĩ quan Không quân nhân dân Việt Nam là một trận đánh đẹp, hiệp đồng chặt chẽ, hiệu suất cao.

Theo tin tình báo chiến lược, ngày 7-10-1967, không quân Mỹ sẽ tập trung một lực lượng lớn máy bay đánh phá khu vực tây Hà Nội, trong đó dự kiến có sân bay Hòa Lạc. Về sau, thực tế là Mỹ đã sử dụng trong trận này 10 chiếc F-4 và 8 chiếc F-105; sân bay Hòa Lạc là mục tiêu ném bom của chúng.

Nắm được thông tin, Trung đoàn 923 và Trung đoàn 921 đều cử các biên đội trực chiến đấu. Trung đoàn 923 (MiG-17) cử biên đội 4 chiếc gồm Nguyễn Hữu Tào - Nguyễn Phú Ninh, Lê Sỹ Diệp - Nguyễn Phi Hùng. Trung đoàn 921 gồm biên đội MiG-21 Phạm Thanh Ngân - Mai Văn Cương, Nguyễn Nhật Chiêu - Nguyễn Văn Cốc. Phán đoán địch sẽ đánh sân bay Hòa Lạc và một số mục tiêu tây Hà Nội, nên Bộ Tư lệnh Không quân quyết định sử dụng biên đội 2 chiếc MiG-21 của Trung đoàn 921 đánh chặn F-4 ở khu vực Thanh Sơn; tạo điều kiện cho MiG-17 của Trung đoàn 923 đánh tốp F-105 vào đánh sân bay Hòa Lạc.

Vào lúc 7 giờ 34 phút ngày 7-10-1967, biên đội MiG-21 Phạm Thanh Ngân - Mai Văn Cương cất cánh từ sân bay Nội Bài; sau đó được Sở chỉ huy dẫn bay lên khu vực Thanh Sơn, Phú Thọ. Sau khi qua Thanh Sơn, chỉ trong vài giây, biên đội đã phát hiện F-4 ở cự li 15km. Lập tức các phi công được lệnh thả thùng dầu phụ, tăng tốc, bám mục tiêu để tấn công. Khi số 1 Phạm Thanh Ngân bám theo một chiếc F-4 thì số 2 Mai Văn Cương yểm hộ, thông báo cho số 1 biết có F-4 bám phía sau. Mặc dù biết có F-4 bám phía sau, nhưng Phạm Thanh Ngân vẫn quyết bám chiêc F-4 phía trước. Bằng thao tác xạ kích chuẩn xác, phi công Phạm Thanh Ngân bắn hạ mục tiêu. Chiếc F-4 trúng đạn, cố bay về phía biên giời Việt - Lào, hy vọng có thể về đến căn cứ không quân Cò Rạt (Thái Lan) nhưng không thành, bị rơi cách Hà Nội 50km về phía tây.

Sau này, qua tư liệu từ phía đối phương, được biết chiếc F-4 bi phi công Phạm Thanh Ngân bắn rơi, do thiếu tá Ivan Dale Appleby và đại úy William Runstin thuộc Phi đoàn 555, Không đoàn tiêm kích chiến thuật số 8 điều khiển.

Sau khi yểm hộ, cảnh giới cho số 1, số 2 Mai Văn Cương chuyển sang tấn công địch, bắn hạ một chiếc F-4 trên bầu trời khu vực Ba Vì, Sơn Tây. Như vậy, bằng 2 quả tên lửa không đối không R-3S, hai phi công Phạm Thanh Ngân và Mai Văn Cương đã bắn hạ 2 chiếc F-4; trở về hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài.

Gần 10 phút sau khi biên đội MiG 21 cất cánh, biên đội MiG-17 được lệnh cất cánh từ sân bay Gia Lâm, bay lên khu chiến Hòa Lạc, Sơn Tây, Ba Vì. Tới gần Hòa Lạc, biên đội được Sở chỉ huy thông báo mục tiêu ở cự li 15km. Lập tức vừa ra lệnh cho số 2, số 3, số 4 cảnh giới và tấn công mục tiêu, số 1 Nguyễn Hữu Tào vừa thả thùng dầu phụ, lao vào tiếp cận một chiếc F-105. Phát hiện MiG, số máy bay cường kích quáng quàng thả bom để tháo chạy, nên bom rơi không trúng mục tiêu.

Rời đám cường kích, biên đội của Nguyễn Hữu Tào phát hiện tốp 4 chiếc F-4 đang tách làm hai. Ngay lập tức, biên đội MiG-17 cũng tách làm hai, bám chặt hai tốp F-4. Số 1 và số 2 bám tốp 2 chiếc F-4; số 3 Lê Sĩ Diệp và số 4 Nguyễn Phi Hùng bám 2 chiếc F-4 khác. Số 4 Nguyễn Phi Hùng đã phát hiện sớm và cảnh báo cho số 1, số 2 tránh được tên lửa của đối phương; đồng thời cũng tránh được tên lửa của đối phương nhằm vào máy bay mình. Không chỉ vậy, phán đoán chính xác đường bay của máy bay địch, Nguyễn Phi Hùng đã kịp thời bám đuổi một chiếc F-4 và phóng tên lửa, bắn hạ mục tiêu trên bầu trời khu vực Ba Vì, rồi nhanh chóng thoát ly, về sân bay Gia Lâm hạ cánh an toàn cùng biên đội.

Như vậy, sáng sớm ngày 7-10-1967, Trung đoàn Không quân 921 và Trung đoàn Không quân 923 đã hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ. Hai biên đội đã đánh một trận đạt hiệu suất cao, 3 MiG bắn hạ 3 F-4 của không lực Mỹ. Lực lượng của ta bảo toàn tuyệt đối.

Hưng Nguyên