Đoàn Hội XDĐÔTS do Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu - Chủ tịch Hội (đứng giữa) dẫn đầu về thăm gia đình chị Lan ngày 25-8-2023 (hai người bên phải là vợ chồng chị Lan. Người thứ nhất và thứ ba từ trái sang là vợ chồng chị Kiêm).

Đó là tên bức ảnh nổi tiếng, mang ý nghĩa lịch sử của Bộ đội Xăng dầu đường ống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Đời thường xung quanh bức ảnh này cũng có những chuyện vui.

Khoảnh khắc đáng nhớ

 Một ngày cuối năm 1973, bên dòng sông Sê Pôn, tỉnh Savannakhet nước bạn Lào, chị Nguyễn Thị Lan (quê Hải Dương) và chị Trần Thị Thanh Kiêm (quê Thái Bình) - chiến sĩ Trung đoàn 592 xăng dầu đường ống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (viết tắt là XDĐÔTS) đang trên đường vận chuyển ống thì thấy hai phóng viên đã chờ sẵn nói là chụp ảnh các chị để đăng báo. Hai chị thích thú và nói: “Các anh in cho chúng em mỗi đứa một bức để làm kỷ niệm nhé!”. Nhưng, chiến tranh đã không cho các chị dễ dàng gặp lại hai nhà báo ấy.

Sau ngày 30-4-1975, Thủ trưởng Trung đoàn cho chị Kiêm và anh Trịnh Trung Tích - người cùng đơn vị, chung một tình yêu, về quê anh Tích ở xã Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên) làm đám cưới. Chị Kiêm đâu có biết đồng chí Bảo - Phó ban Chính trị của Trung đoàn đã đưa cho anh Tích tấm ảnh chị Kiêm gánh ngoàm, chị Lan vác ống, được cắt ra từ một số báo Trường Sơn và dặn dò: “Để góp vào ảnh cưới”.

Trong bức ảnh, chị Lan dáng cao lẳn, vác ống "chọc trời”, chị Kiêm “lưng ong, ngực vồng” gánh ngoàm. Cả hai trong tư thế tiến về phía trước giữa nắng tươi. Bức ảnh được cắt sát mép nên không có tên tác giả. Tuy nhiên, dễ nhận thấy, người chụp và nhân vật đã hòa chung xúc cảm, tạo nên một ấn tượng nghệ thuật vượt thời gian ngay tại chiến trường ác liệt. Và trong đám cưới đầu tiên sau hòa bình ở làng Xuân Quan, nó sẽ làm thắm thêm tình đồng đội, tình chồng vợ Tích - Kiêm. Bức ảnh về sau được vợ chồng chị Kiêm nhân ra nhiều bức cỡ lớn trao cho các con giữ, ghi dấu kỷ niệm của bố mẹ thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Chị Lan (bên phải) và chị Kiêm trong bức ảnh “Chiến sĩ gái đơn vị xăng dầu Trường Sơn”).

Thành nội dung giáo dục truyền thống

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu - nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội XDĐÔTS, người chắp bút hồi ký của Nhà thơ Tố Hữu, kể lại, tại địa điểm tổ chức "Đêm thơ Tố Hữu" nhân 100 năm Ngày sinh nhà thơ - 4.10.2020 (đương nhiên liên quan đến trường ca “Nước non ngàn dặm", "Trường Sơn xẻ dọc, rọc ngang/ Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng…”), có trưng bức ảnh nói trên. Trả lời phỏng vấn của Ban Tổ chức, ông Hậu nói: “Tôi là người của đường ống xăng dầu Trường Sơn. Hai cô gái trên ảnh là đồng đội Trung đoàn 592 với tôi!". Cử tọa vỗ tay rầm rầm, yêu cầu ông Hậu nói xuất xứ của bức ảnh…, rồi lại thêm những tràng vỗ tay dài…

Năm 2019, các cấp Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam (viết tắt là HTS) tổ chức kỷ niệm 60 năm mở đường Hồ Chí Minh lịch sử. Hội Nữ Trường Sơn tổ chức kỷ niệm tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Chị Kiêm và chị Lan được mời dự và kể về bức ảnh. Những hội nghị sau đó ở cấp tỉnh, huyện, xã quê hương cũng như những dịp kỷ niệm ngày thành lập QĐND Việt Nam 22-12, ngày toàn thắng 30-4, địa phương đều mời các chị dự. Và chuyện Trường Sơn, chuyện bức ảnh thêm lan tỏa, như còn nóng hổi khí thế tiến công…

Những “rắc rối” vui

Nhân vật nhầm tác giả ảnh. Cách nay chừng 15 năm, chị Kiêm xem phóng sự “Chuyện đằng sau những bức ảnh” trên ti vi. Vừa nhìn thấy hình của mình và của chị Lan thì thằng cháu 2 tuổi mơ ngủ gọi bà. Chị vội vào buồng dỗ cháu. Trở ra, đúng lúc biên tập viên nói về Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng - Tổ trưởng phóng viên ảnh, Báo Trường Sơn. Thế là chị tin rằng, nhà báo Hoàng Kim Đáng chụp ảnh các chị (chị nhầm, do không xem được đoạn nói về người bấm máy chụp bức ảnh hôm ấy là nghệ sĩ Vương Khánh Hồng - phóng viên nhiếp ảnh của Cục Chính trị Bộ Tư lệnh 559. Bức ảnh mang tên “Chiến sĩ gái đơn vị xăng dầu Trường Sơn” - Giải Nhất Tạp chí Văn nghệ Quân đội, 1974).

Nhận là người trong ảnh. Hồi trước dịch Covid-19, có hai phụ nữ chừng 64 - 65 tuổi, nói giọng Nghệ An, đến cổng trụ sở HTS xin vào thăm cơ quan Hội. Tại đây, họ chỉ vào bức ảnh “Chiến sĩ gái đơn vị Xăng dầu Trường Sơn” treo trên tường nhà, thản nhiên nói với mọi người rằng: “Chúng em chính là nhân vật trong ảnh...”. Bộ phận chuyên đón tiếp khách của Hội mừng quá, tổ chức tiếp đãi thịnh soạn, chu đáo…

Hôm sau, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu được nghe kể lại sự việc thì ngỡ ngàng: “Người trong ảnh đâu phải quê Nghệ An! Cô gánh ngoàm là người Thái Bình. Cô vác ống quê Hải Dương, cùng Trung đoàn 592 với tôi mà!”. Rồi ông hỏi vui đồng chí cán bộ trực tiếp trò chuyện với hai nữ khách: “Thế ông thấy các cô ấy có giống trong ảnh không?”. Ông cán bộ cười “méo mó”: “45 năm rồi, khó nhận dạng. Cũng thấy chỗ giống, chỗ không. Nhưng chất giọng Nghệ An… xịn!”…

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu - Chủ tịch Hội XDĐÔTS và một số cán bộ ở Ban Liên lạc truyền thống Ngành Xăng dầu Quân đội, Ban Chấp hành Hội XDĐÔTS đã trực tiếp trao đổi với chị Lan và chị Kiêm về sự “rắc rối” vui vui ấy.

Nghe chuyện, Chị Kiêm và chị Lan đều cười vui: “Chúng em rất tự hào vì có những người cùng chiến trường coi bức ảnh là hình tượng của nữ chiến sĩ XDĐÔTS lịch sử! Và như thế, nếu ai đó nhận là người trong ảnh, thì càng chứng tỏ tình yêu của họ đối với bộ đội đường ống xăng dầu Trường Sơn năm xưa…

Bài, ảnh:Phạm Xưởng