Hai dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu hoàn thành sẽ nối thông trục đường cao tốc từ Hà Nội về Nghệ An.

Với việc đã thi công đạt hơn 80%, cao tốc Bắc - Nam đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu có kế hoạch thông xe vào dịp Quốc khánh 2-9. Sau khi dự án thông xe sẽ rút ngắn hành trình từ Hà Nội về Nghệ An, còn từ trung tâm Thanh Hóa đi trung tâm Nghệ An chỉ còn khoảng 1 giờ.

Rút ngắn quãng đường từ Thanh Hóa đi Nghệ An

Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 (2017-2021) gồm 11 dự án thành phần, đến nay đã hoàn thành 6 với tổng chiều dài 425km, còn 5 dự án chưa thông xe. Dịp 2-9 tới, có thêm hai đoạn cao tốc từ quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu được đưa vào khai thác, giúp rút ngắn hành trình từ Hà Nội về Nghệ An, còn từ trung tâm Thanh Hóa đi trung tâm Nghệ An chỉ còn khoảng 1 giờ.

Với đoạn cao tốc quốc lộ 45 - Nghi Sơn có chiều dài 43km đi qua huyện Nông Cống, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa), tổng mức đầu tư hơn 5.530 tỷ đồng, khởi công từ tháng 7-2021. Dự án được chuyển đổi từ phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Trong giai đoạn đầu, đoạn cao tốc được xây dựng 4 làn xe, nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/giờ, không có làn dừng khẩn cấp mà bố trí điểm dừng. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ có 6 làn xe, nền đường 32m, vận tốc thiết kế 100-120km/giờ. Dự án này sẽ kết nối với cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 (Ninh Bình - Thanh Hóa) tại nút giao Tân Phúc (Nông Cống). Hiện 9,5km từ nút giao Đông Xuân đi Tân Phúc thuộc đoạn cuối cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 sắp hoàn thành, sẽ khai thác từ 2-9.

Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, khối lượng toàn dự án này đạt hơn 80% tiến độ tổng thể, trong đó phần tuyến chính trên 90%. Nhiều đoạn đã hoàn thành thảm bê tông nhựa lớp cuối, các nhà thầu đang khẩn trương thi công cuốn chiếu, thảm cấp phối đá dăm các đoạn dỡ tải theo dõi lún, dựng dải phân cách, gia cố mái taluy, đóng cọc hàng rào bảo vệ, hàng rào hộ lan, lắp đường ống điện, cấp thoát nước. Cầu Yên Mỹ, cầu vượt hồ dài nhất trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cũng đang được đẩy nhanh tiến độ.

Dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50km, trong đó đoạn qua Thanh Hóa 6,5km và Nghệ An 43,5km. Điểm đầu tại Nghi Sơn, kết nối với cao tốc quốc lộ 45 - Nghi Sơn và điểm cuối tại xã Diễn Tháp (Diễn Châu, Nghệ An), thuộc nút giao nối với cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.290 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị xây lắp khoảng 4.400 tỷ đồng. Đoạn cao tốc này được xây dựng 4 làn xe, nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/giờ, không có làn dừng khẩn cấp. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ có 6 làn xe, nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế 100-120km/giờ. Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, khối lượng thi công trên tuyến đạt khoảng 93%, các nhà thầu đang tăng cường nhân lực, thiết bị để thông xe vào dịp 2-9.

Tại buổi kiểm tra hiện trường vào tháng 7, Bộ trưởng Giao thông Vận tải - Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 lập kế hoạch tiến độ để đến 20-8 cơ bản xong các phần việc chính, hoàn thành dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu dịp 2-9. Nhà thầu nào để chậm tiến độ sẽ chiếu theo hợp đồng để xử lý. Riêng đường gom, đường dân sinh cho phép đến 30-9 hoàn thành. Sau khi thông xe, hai đoạn cao tốc tạm thời chưa thu phí.

Dự kiến cuối năm nay cầu Mỹ Thuận 2 sẽ hoàn thành. Hai đoạn cao tốc cuối cùng của cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 là Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ được hoàn thành 2024.

Bộ GTVT phê duyệt 36 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam

Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt quy hoạch 36 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông từ Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau để phục vụ người và phương tiện khi lưu thông trên tuyến cao tốc này. Khoảng cách bình quân giữa các trạm là 59km. Có 7 trạm đã khai thác; hai trạm đang đầu tư; 27 trạm còn lại sẽ lựa chọn nhà đầu tư để triển khai, trong đó 20 trạm được hoạch định diện tích 5ha mỗi bên, 7 trạm gần các đầu mối giao thông, các đô thị lớn với diện tích khoảng 3ha mỗi bên.

Bộ Giao thông Vận tải giao các Ban Quản lý dự án 2, 6, 7, 85, Thăng Long, Đường Hồ Chí Minh, Mỹ Thuận và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) lập danh mục dự án, lựa chọn nhà đầu tư triển khai đầu tư xây dựng công trình trạm dừng nghỉ thuộc dự án, dự án thành phần do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật, công khai, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu khai thác đồng bộ các đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông. Đối với các trạm dừng nghỉ thuộc dự án cao tốc do địa phương quản lý, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, việc lựa chọn nhà đầu tư, triển khai đầu tư xây dựng công trình trạm dừng nghỉ do địa phương tổ chức thực hiện theo quy định pháp luật.

Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Đường bộ Việt Nam cập nhật mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trạm dừng nghỉ là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ, là công trình dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Theo tiêu chuẩn Việt Nam, trên các tuyến đường bộ cao tốc sẽ bố trí các trạm dừng nghỉ thông thường cung cấp các dịch vụ cơ bản như xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn... với khoảng cách từ 50 đến 60km và các trạm dừng nghỉ lớn với khoảng cách từ 120 đến 200km.

Võ Hóa