Hồ thả cá câu - một góc trang trại của CCB Trịnh Văn Đàm. Giám đốc HTX Trịnh Văn Tiến, bên trái, giới thiệu hướng quy hoạch chuyển từ trang trại chăn nuôi, trồng trọt sang kết hợp với du lịch sinh thái theo chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình.

Về Ninh Bình, sau dự Hội nghị Pháp luật, tôi xin tìm hiểu gương điển hình CCB. Đại tá Lương Văn Tuấn - Chủ tịch Hội CCB tỉnh nói chắc:

- CCB làm tốt môi trường nhé; hay sản xuất kinh doanh giỏi... Thôi theo tôi gương doanh nhân giúp nhau làm kinh tế, hưởng ứng Đại hội Hiệp hội DN CCB nhiệm kỳ III”.

Tôi mừng quá. Thế là được “một công đôi việc”. Ông rút máy điện thoại gọi; có vài khắc đã nối được tới CCB Trịnh Văn Tiến, thường trú tại thôn 12, xã Đông Sơn, T.P Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình; rồi lại gọi “bàn giao” tôi cho Thượng tá Nguyễn Văn Phúc - Cán bộ Ban Tổ chức - Kiểm tra, thuộc tỉnh Hội, dẫn chúng tôi đi.

Loáng cái đã thấy Giám đốcHTX Nông sản, Du lịch Tam Điệp (viết tắt là HTX) đứng chờ sẵn. Ông ân cần dẫn chúng tôi vào thăm siêu thị của ông, mới hơn 8 giờ sáng mà khách đã ra, vào mua hàng đông đúc, toàn những mặt hàng tươi sống, như thịt dê, trâu, bò, lợn...; rồi các loại rau, tươi ngon như thể ăn ngay được.

Ông nói:

- Nhà báo cứ tham quan trước “Điểm cuối chuỗi sản xuất”, rồi đến Điểm đầu, là nơi sản xuất; còn thu mua, vận chuyển hàng hóa là điểm giữa thì hoạt động trên đường liên tục 24/24 giờ, theo tiêu chí “đâu cần là có”. Như tất cả những mặt hàng nông sản và thực phẩm ở siêu thị này là của các thành viên trong HTX chuyển đến theo giờ, vì thế mà luôn tươi ngon va bảo đảm là thực phẩm sạch.

Ông cho tôi biết: HTX thành lập năm 2018, bầu ông làm Chủ nhiệm HTX (nay là Giám đốc), có 26 thành viên chính thức, đều là CCB - nói  đầy đủ hơn là gia đình CCB, với hơn 610ha đất canh tác, 15 cửa hàng  rải khắp trên toàn quốc. HTX cũng vừa được tỉnh Ninh Bình chọn làm mô hình “Du lịch cộng đồng” kiểu mẫu. Còn thôn 12  được T.P Tam Điệp quy hoạch làm điểm Du lịch sinh thái, hầu hết của DN CCB.

Như hiểu ý tôi ông giải thích:

- HTX chỉ có 26 thành viên chính thức, nhưng mỗi thành viên lại liên kết với thậm chí vài doanh nghiệp, nếu tính cả thành viên liên kết thì lên đến hàng ngàn người... Ví dụ, có thời điểm, doanh thu của HTX đang khoảng 3 tỷ đồng/năm, sau một đêm tăng vọt lên 200 tỷ đồng/năm, là do có CCB Vũ Văn Năm - Giám đốc Công ty Quang Minh, chuyên kinh doanh nhà nghỉ dưỡng, nhà hàng ẩm thực trên toàn quốc xin sát nhập vào HTX... Nghĩa là HTX kiểu mới bây giờ mô hình đã khác. Gọi là HTX, nhưng có những HTX “rất to”. Giám đốc HTX như tôi có phải “cộng, trừ, nhân, chia” gì đâu; chủ yếu là đưa ra ý tưởng cho các thành viên thực hiện; hoặc quá lắm là trực tiếp điều hành, hướng dẫn một vài khâu trọng điểm nào đó. Thời gian chủ yếu dành cho đi tham quan, học hỏi các HTX bạn để về vận dụng.

- Thế ý tưởng gì của Giám đốc là nổi bật nhất?

Tôi vừa dừng lời câu gợi hỏi ông Tiến, thì Thượng tá Nguyễn Văn Phúc nói ngay:

- Rất giỏi “gột” CCB làm kinh tế.

Ông Tiến cởi lòng, ông sinh năm 1963, ở xã Yên Thái, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; năm 18 tuổi nhập ngũ vào Quân đội và được đi học Trung cấp quân nhu, ra trường về làm Trợ lý Hậu cần của Trường sĩ quan Đặc công. Sau đi học tiếp ở Trường sĩ quan Đặc công, nhưng năm 1988, gia đình quá khó khăn được đơn vị cho về phục viên. Hôm lên tỉnh nộp hồ sơ ra quân, tình cờ gặp thủ trưởng cũ là Chủ tịch Hội CCB tỉnh Ninh Bình (cố Đại tá Trần Duy Thi - nguyên Phó tư lệnh Binh chủng Đặc công). Ông vỗ vai nói vừa rất chân tình, vừa như giao nhiệm vụ cho ông Tiến phát huy thành tích ở đơn vị, về chịu khó làm kinh tế để giúp CCB cùng làm. Và ông hứa sẽ giúp đỡ.

Nghe lời thủ trưởng cũ, hơn nữa cũng sẵn có “máu” làm kinh tế, lại được Hội CCB tỉnh giúp đỡ, năm 1991, ông Tiến khoác ba lô rời quê vào rừng Tam Điệp khai hoang khu rừngngay cạnh Di tích lịch sử Quốc gia “Phòng tuyến Tam Điệp”, cách T.P Ninh Bình 20km. Ngày ấy, kinh tế đất nước vô cùng khó khăn, lạm phát “phi mã”; ông Tiến lại là con út trong gia đình 12 con, đều không ai có công ăn việc làm ổn định, nên càng khó khăn.

Việc đầu tiên là ông Tiến nộp giấy sinh hoạt Đảng và xin phép chính quyền tập hợp mấy anh em bộ đội xuất ngũ đang khai hoang tự do trong rừng thành một tổ lao động, nhưng không chung vốn, mà chỉ giúp nhau lao động chân chính. Ông Tiến luôn là người nổi trội, cả về làm kinh tế và tinh thần giúp đỡ mọi người...  

Chính quyền thị trấn Tam Điệp thấy nhóm bộ đội xuất ngũ lao động tử tế, có tín nhiệm, đặc biệt là không vi phạm pháp luật trong bảo vệ rừng và công trình Quốc gia, nên gợi ý cho ông Tiến vay tiền của Ngân hàng Nông nghiệp để lấy vốn sản xuất. Ông Tiến mừng như trong mơ, về làm giấy vay 10 triệu đồng. Nhưng ông Phạm Minh Tuyên - Phó chủ tịch Thị xã Tam Điệp lại duyệt cho ông Tiến vay gấp đôi (lúc đó 1 chỉ vàng  tương đương 450.000 đồng).

Có tiền vốn, lại chịu khó lao động, kinh tế của ông Tiến phát triển nhanh. Ông dành phần lớn số tiền kiếm được giúp các CCB nghèo làm kinh tế theo khả năng, sở trường của từng người. Người có kinh nghiệm trồng rừng thì ông giúp cây giống (riêng năm 1993 giúp 20.000 cây bạch đàn giống); ngươi có khả năng chăn nuôi thì ông dẫn đi tham quan, học hỏi các mô hình, như dẫn 20 CCB đi tham quan trang trại nuôi hươu trong rừng Cúc Phương; 17 CCB thôn 12, xã Đông Sơn đi vào Hà Tĩnh, Nghệ An học trồng cam, chanh xuất khẩu... Không chỉ giúp vốn, bày cách làm ăn, ông còn khuyên các CCB làm kinh tế  tuyệt đối không được vi phạm pháp luật.  

Khu rừng Quèn Thờ, diện tích 610ha, cạnh quần thể di tích lịch sử Phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn từ khi được nhóm bộ đội xuất ngũ về “đánh thức” dân cư ngày một trở nên đông đúc, sầm uất - cũng phù hợp với chủ trương thành lập thôn mới, của T.P Tam Điệp. Và ngày 25-9-1995, Khu rừng Quèn Thờ được T.P Tam Điệp quyết định thành lập thôn 12, xã Đông Sơn.  

Sau này ông Tiến được bầu làm Trưởng thôn hai khóa liền đã góp phần giúp thôn 12 hiện là thôn tiêu biểu nhất của T.P Tam Điệp. Đặc biệt, đến nay thôn không có tệ nạn xã hội, sống đùm bọc, đoàn kết và có nhiều chủ trang trại làm kinh tế giỏi, như các CCB Đỗ Hồng Cấm, Phạm Thế Đoàn, Phạm Tiến Thế... Ông Tiến còn được bầu vào BCH Hội Làm vườn Việt Nam và BCH Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình.

Ông Tiến dẫn chúng tôi đến tham quan trang trai của DN CCB Trịnh Văn Đàm, sinh năm 1971. Đây là một trong những CCB đi lên từ “hai bàn tay trắng”, với sự giúp đỡ của HTX, đặc biệt là ông Tiến, CCB Trịnh Văn Đàm nay có trang trại vườn, ao, chuồng kết hợp du lịch phục vụ khách câu cá thư giãn rộng hàng chục héc-ta, với hàng trăm cây sưa cao hơn 3m đã phủ tán thành rừng trồng. Ông Đàm xúc động nói:

- Quê tôi ở thôn Phú Trì, xã Yên Thái, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Năm 1991 đi bộ đội, năm 1993 xuất ngũ về theo bạn bè vào rừng Tam Điệp khai hoang, nhưng chưa biết làm gì thì được ông Tiến giúp đỡ chỉ cho cách trồng cây, đào ao thả cá, nuôi hươu, dê... kết hợp mở du lịch cho khách đến câu cá thư giãn, kết hợp nghỉ dưỡng, nên mới được như ngày nay.

Ông Tiến nói:

- Tôi có giúp, nhưng chính là Đàm rất có ý chí, nghị lực. Ngày đầu để mở đường vào khu sinh thái này anh ấy phải dùng tay đục đá san một hẻm núi Thung Yên mấy tháng liền mới có đường vào như hôm nay.

Trên đưởng về,ông Tiến còn dẫn chúng tôi qua mấy trang trại nữa của CCB, đều bề thế, phát triển về chăn nuôi, trồng trọt không kém gì trang trại của ông Đàm. Nhưng đúng như Đại tá Lương Văn Tuấn - Chủ tịch Hội CCB tỉnh nói với tôi: Để kết hợp được cả du lịch sinh thái nữa vẫn còn là công việc phía trước của HTX.

Huy Thiêm