Mạng xã hội Telegram đang bị tạm dừng ở Brazil.
Tính bảo mật của nhiều mạng xã hội có tác dụng bảo vệ quyền riêng tư hoặc thông tin của người dùng. Thế nhưng, cũng chính vì ưu điểm này mà một số mạng xã hội bị lợi dụng để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật khiến chính các công ty sở hữu mạng xã hội phải chịu phạt. Trong khi đó, tuy được gọi là bảo mật nhưng các thông tin cá nhân của người dùng lại bị các công ty sở hữu ứng dụng khai thác hoặc bán cho bên thứ ba, gây ảnh hưởng tiêu cực tới người dùng hoặc an ninh quốc gia.
Mới đây, một tòa án ở Brazil đã quyết định đình chỉ tạm thời hoạt động của Telegram tại nước này, sau khi cơ quan chủ quản của Telegram không thể cung cấp dữ liệu mà cơ quan chức năng sở tại yêu cầu liên quan đến hoạt động của các tổ chức chủ nghĩa phát xít mới hoạt động trên môi trường của ứng dụng này.
Không phải tự nhiên mà toà án Brazil phải ra quyết định trên khi Telegram được cài đặt trên khoảng 53% số điện thoại di động tại Brazil. Năm 2022, ứng dụng này là nền tảng phát triển với tốc độ nhanh nhất ở Brazil. Như vậy, nếu Telegram bị tạm dừng sẽ tác động tới thói quen chia sẻ thông tin của hàng triệu người dân. Thế nhưng, sau khi xảy ra một loạt các vụ bạo lực học đường thời gian gần đây, trong đó có ít nhất một vụ liên quan đến những trao đổi thông tin trong một nhóm có khuynh hướng bài Do Thái, Brazil đã phải bật “đèn vàng” đối với Telegram. Bộ trưởng Tư pháp Brazil - Flavio Dino cho biết: Tòa án Braziltuyên phạt Telegram 1 triệu Reais, tương đương 198.000 USD/ngày, do không phối hợp với cuộc điều tra mà giới chức Brazil đang tiến hành về các hoạt động tân Quốc xã trên mạng xã hội. Ông cho rằng các nhóm như Mặt trận bài Do Thái hay Phong trào bài Do Thái hoạt động trên mạng là nguồn gốc các vụ bạo lực trẻ em. Lực lượng chức năng đã yêu cầu Telegram cung cấp dữ liệu cá nhân của các thành viên của hai nhóm hoạt động tại ứng dụng trên, nhưng Telegram dường như không có ý định hợp tác khi chỉ bàn giao dữ liệu quản trị viên của một trong hai nhóm.
Qua trường hợp của Telegram ở Brazil có thể thấy, Telegram đã không đáp ứng được yêu cầu của chính quyền bằng cách không cung cấp thông tin theo yêu cầu. Trong trường hợp này, các công ty quản lý mạng xã hội thường lập luận rằng họ làm như vậy để bảo vệ quyền riêng tư của người sử dụng. Thế nhưng, một khi việc lợi dụng tính “ẩn danh” hay bảo mật quyền riêng tư để làm hại cho xã hội, vi phạm pháp luật của nước sở tại thì người bị phạt sẽ chính là những công ty sở hữu mạng xã hội trong khi quốc gia nơi mạng xã hội đó hoạt động cũng chịu những ảnh hưởng tiêu cực các vi phạm trên mạng xã hội.
Với Brazil, các tác động tiêu cực của mạng xã hội khiến chính quyền phải đưa ra các biện pháp quản lý cứng rắn hơn. Tổng thống Brazil - Luiz Inacio Lula da Silva đã công bố các biện pháp hạn chế trên mạng xã hội nhằm ngăn chặn các vụ bạo lực học đường. Theo đó, các trang mạng xã hội sẽ phải cấm toàn bộ nội dung và những người dùng truyền bá hoặc ủng hộ bạo lực tại trường học. Ngoài ra, các công ty chủ quản của các mạng xã hội sẽ phải cung cấp cho cảnh sát toàn bộ dữ liệu về tất cả những người dùng chia sẻ nội dung bạo lực, chặn họ tạo tài khoản mới trên hệ thống. Thực ra, không chỉ Brazil, nhiều quốc gia đã ra án phạt và áp dụng các biện pháp nhằm siết chặt quản lý nội dung trên các mạng xã hội. Đi đầu trong việc kiểm soát và ra án phạt này chính là các quốc gia phương Tây - các nước hay chỉ trích các nước khác thiếu tự do internet khi họ siết chặt quản lý nội dung trên các nền tảng mạng xã hội.
Tính bảo mật của các mạng xã hội càng tăng sẽ giúp thông tin của người dùng được bảo vệ tốt hơn và hạn chế việc đánh cắp các tài khoản mạng xã hội. Tuy vậy, một khi tính bảo mật bị lợi dụng để làm chuyện xấu hoặc khi chính các công ty sở hữu mạng xã hội không hợp tác với chính quyền để điều tra những người lợi dụng mạng xã hội thì đó sẽ là lưỡi dao huỷ hoại sử phát triển của thời đại số và của cả xã hội.
Thanh Huyền