Bao giờ ông Hoàng Văn Cúc (Nghệ An)được công nhận “Người hoạt động Cách mạng trước năm 1945” đang là câu hỏi còn gây bức xúc không chỉ cho người thân mà cả tổ chức Đảng và chính quyền cơ sở - nơi ông sinh ra (xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An).

Ông Hoàng Văn Cúc là một Chiến sỹ Cách mạng, “hạt giống đỏ” đầu tiên của tổ chức Đảng ở địa phương từ năm 1930. Năm 1955, ông Cúc bị quy kết oan là địa chủ và bị xử bắn. Sau đó ông đã được nhà nước ta sửa sai, minh oan. Những công lao đóng góp của ông cho Cách mạng Việt Nam thì lại chưa được giải quyết mặc dù sử sách đã ghi lại.

“Hạt giống đỏ” đầu tiên của tổ chức Đảng ở địa phương

Sau khi nhận được đơn của thân nhân ông Hoàng Văn Cúc (Đô Lương, Nghệ An), PV báo CCBVN đã về xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An để tìm hiểu về sự việc này.

Ông Tăng Văn Cường -Bí thư Đảng uỷ xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An nói: “Cụ Hoàng Văn Cúc là một trong những nỗi niềm đau đáu của Đảng bộ, nhân dân xã Hồng Sơn chúng tôi”.

Ngừng một lát, ông Cường nói tiếp: “Ông Cúc bị đấu tố, xử bắn oan giai đoạn 1955 – 1956. Lúc bấy giờ có 12 hộ địa chủ được đưa ra đấu tố, 3 người người bị xử bắn là Hoàng Văn Cúc, Đào Danh Sâm, Nguyễn Văn Điền. Trong những người bị đấu tố sai, có cả ông nội tôi. May sao, đến lượt ông nội tôi đưa ra pháp trường thì cấp trên yêu cầu dừng lại. Sau đó, những địa chủ bị quy sai đã được sửa…”.

Như để minh chứng cho lời nói của mình, ông Bí thư Đảng ủy xã đưa cho chúng tôi cuốn “Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Hồng Sơn (1930-2013)” do Nhà xuất bản Lao động – xã hội ấn hành.

Lần dở từng trang của cuốn Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Hồng Sơn (1930-2013), chúng tôi thấy cái tên Hoàng Văn Cúc được nhắc đến dày đặc. Ông Cúc là người có công đóng góp rất lớn trong phong trào tiền khởi nghĩa cũng như xây dựng tổ chức Đảng tại địa phương từ tên làng khai sinh Tiên Nông cho đến Hồng Sơn ngày nay.

Tại trang 36 cuốn sách viết: “.. ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ở Nghệ An, sau khi có chỉ thị, đồng chí nào ở gần thôn xã nào có điều kiện phát triển cộng sản được thì tìm điều kiện mà phát triển cho khắp. Đồng chí Đào Văn Uân (Thơn) và đồng chí Lê Khắc Cơ (Mai Cơ) ở Bạch Ngọc (nay là xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương) vào thôn Tiên Nông bắt liên lạc với ông Hoàng Văn Cúc, hướng dẫn ông Cúc cách thức phát triển phong trào và phải bí mật triệt để”

Còn ở trang trang 37 ghi: “…Tháng 6/1930, ông Cúc báo cáo lại với ông Uân đã có thêm 2 người nữa là những người trung kiên, tích cực hoạt động. Sau khi xin ý kiến cấp trên, 3 ngày sau có thông báo về tổ chức cho 3 người này thành lập một tổ Đảng, cử ông Hoàng Văn Cúc làm tổ trưởng. Tổ chức Đảng Tiên Nông hoạt động bí mật, nhưng rất sôi động: Tuyên truyền vận động quần chúng xây dựng tổ chức Nông hội đỏ, Thanh niên xích sắt, Phụ nữ giải phóng làm nòng cốt cho các cuộc biểu tình, rải truyền đơn, cắm cờ đỏ sao vàng. Nổi bật trong thời kỳ này có các ông, bà: Hoàng Văn Cúc, Võ Viết Chương, Tăng Văn Độ…”

Cũng trong giai đoạn 1932-1939, để tạo vỏ bọc và chỗ dựa an toàn cho phong trào cách mạng, tổ chức Đảng đã “cài cắm” ông Hoàng Văn Cúc ra tranh cử trúng chức Lý trưởng của Tiên Nông để bí mật hoạt động. Sự kiện ông Cúc làm Lý trưởng thôn Tiên Nông được sử sách ghi lại: “... Vận động Đồng chí Hoàng Văn Cúc ra tranh chức lý trưởng…. Ông Hoàng Văn Cúc đã đắc cử lý trưởng thôn Tiên Nông. Đây là thắng lợi đầu tiên quan trọng của tổ chức và là cơ sở cho việc xây dựng phong trào cách mạng” ( Trang 40 - Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Hồng Sơn 1930-1913).

Cũng chính vì sự phân công “cài cắm” ông Hoàng Văn Cúc làm Lý trường làng Tiên Nông (xã Hồng Sơn, Đô Lương ngày nay) để tạo vỏ bọc và chỗ dựa an toàn cho phong trào cách mạng mà ông Hoàng Văn Cúc bị quy nhầm là “Địa chủ”, “Cường hào”

Khi biết mình không thể tự minh oan, bởi việc phân công, “Cài cắm” ông thuộc bí mật của tổ chức Đảng bộ. Nên trước khi bị bắn, ông Hoàng Văn Cúc đã hô vang “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm”, “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Nông dân là trên hết” để chứng minh khí tiết của mình (Trang 80- Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Hồng Sơn 1930- 2013)

Sau phong trào Cải cách ruộng đất, chính phủ nhà nước Việt Nam đã tiến hành sửa sai. Ông Hoàng Văn Cúc đã được hạ thành phần, sửa sai công nhận không phải địa chủ.

Gia đìnhông Hoàng Văn Cúc bao gồm vợ và con trai đã thu thập hồ sơ, lời chứng của những người đã từng hoạt động Cách mạng với ông Hoàng Văn Cúc, gửi kèm theo đơn đề nghị về việc xem xét, công nhận ông Hoàng Văn Cúclà “Người có công với Cách mạng”.

Thế nhưng đã mấy chục năm trôi qua, sự việc vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền các cấp xem xét, hồi âm. Ngày 26-6-2000Ban Tổ chức Trung ương đã có văn bản số 2045 trả lờiôngHoàng Văn Đồng (Con ông Cúc) với nội dung: “Sẽ phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, các cơ quan chức năng có liên quan để nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”.

Tiếp tục ngày 19-10-2000, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Nghệ An cũng có phiếu trả lời đơn thư gửi gia đình thân nhân ông Hoàng Văn Cúc trả lời rằng đơn đã được chuyển đến Huyện uỷ Đô Lương để yêu cầu trả lời. Thế nhưng ông Đồng cứ chờ đợi mãi cho đến già, chết đi khi sự việc của cha mình là ông Hoàng Văn Cúc vẫn chìm trong sự im lặng. Và cũng từ đó đến nay, gia đình không nhận được bất kỳ hồi âm nào của các cơ quan có thẩm quyền, sự việc hơn 20 năm nay rơi vào quên lãng.

Day dứt, đớn đau vì vụ việc của ông mình (Hoàng Văn Cúc) chưa được cấp có thẩm quyền công nhận, anh Hoàng Văn Ngoạn, ở TP Vinh, Nghệ An (cháu ông Cúc) lại tiếp tục làm đơn kiến nghị, kèm theo hồ sơ chứng cứ gửi đến các Cơ quan chức năng tại tỉnh Nghệ An và Trung ương đề nghị xem xét giải quyết vụ việc của ông Hoàng Văn Cúc.

Xin đừng kéo dài day dứt của gia đình cách mạng.

Chia sẻ với PV báo CCB VN, ông Bùi Đăng Thu – Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn cho biết: “Chuyện ông Cúc bị oan sai đã được lịch sử Đảng bộ xã ghi chép đầy đủ, ở xã ai cũng biết. Ông Cúc bị xử bắn oan ở bãi đất trống mà nay là phía trước cửa chính trụ sở UBND xã. Chính quyền và nhân dân địa phương luôn ủng hộ việc khôi phục quyền lợi cho ông Hoàng Văn Cúc. Bởi đây là việc hoàn toàn chính đáng”.

Còn ông Tăng Văn Cường -Bí thư Đảng uỷ xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An thì nói: “Chúng ta có lỗi rất lớn đối với các vị tiền bối cách mạng khi mà ông Hoàng Văn Cúc vẫn chưa được công nhận là “Người có công với cách mạng”. Và chúng tôi cũng có một phần lỗi trong đó…”.  

Con anh Hoàng Văn Ngoạn (cháu của ông Hoàng Văn Cúc) không giấu khỏi xúc động: “Gia đình chúng tôi kiến nghị, xem xét công nhận “Người có công cách mạng” cho ông Cúc không phải vì quyền lợi vật chất. Mà chúng tôi muốn nỗi oan sai, khắc khoải của ông tôi và dòng họ sẽ được khép lại.

Thế Sơn