Trường tiểu học Mai Lĩnh nơi tôi học lớp Nhì đến lớp Nhất (năm 1953-1954) do thầy giáo Nguyễn Đức Chiêm dạy. Trường đặt tại Quán Đóng Đanh, thôn Nhân Đạo (nay thuộc Tổ 6, P. Đồng Mai, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội - cũng là quê quán của tôi)

Hằng ngày, thầy Chiêm phải đạp xe từ phố Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng, Q. Đống Đa, T.P Hà Nội) đến trường. Đã gần 70 năm mà tôi vẫn nhớ hình ảnh, tác phong của thầy như in. Thầy gọi học sinh là trò. Chúng tôi xưng với thầy là con. Ngôi “con” thuở ấy tự thân nó đã nói lên cái đạo nghĩa thầy, trò và sự cao quý của nghề nhà giáo. Thầy ít quát mắng học sinh. Lời nặng nhất cũng chỉ là “đồ con khỉ”, mà cũng chỉ vào giờ trả luận (trả bài tập làm văn) thầy mới phải dùng đến câu này. Vì trong giờ trả luận thầy phải chọn những bài có điểm kém nhất ra phân tích, chữa  từng câu, từng từ. Nhất là những câu sai văn phạm thầy đem ra mổ xẻ, rồi chữa bằng cách thêm từ này, bớt từ kia, hay đảo chữ trong câu… Chúng tôi háo hức nghe thầy giảng đến mức đứng cả lên, thậm chí vỗ tay.

Đặc biệt nữa là thầy biết thầy dạy các môn xã hội thuận hơn các môn tự nhiên, nên đến giữa lớp Nhất thầy mời một thầy giáo khác dạy giỏi môn toán về dạy phù đạo cho chúng tôi, mọi phí tổn do thầy tự lo. Xin được nói ngay, học sinh chúng tôi ngày ấy không phải đóng góp bất cứ một khoản tiền nào cho trường. Bởi thế, giờ đây ngồi viết lại những dòng hồi ức này tôi không khỏi cảm phục việc làm của thầy Chiêm, vì lo cho kiến thức thực của lớp mà thầy đã phải bỏ tiền của cá nhân  ra để thuê giáo viên về dạy thêm cho học sinh của mình! Nhưng “nói đi cũng phải nói lại”, lương giáo viên thời ấy đủ để nuôi sống cả nhà.

Năm 1954, chúng tôi thi lấy Bằng tốt nghiệp xong thì hòa bình lập lại. Cuộc sống cuốn hút, tôi không có dịp được gặp lại Thầy, nhưng được biết, lớp học sinh của Thầy năm đó, nhiều người không có điều kiện học lên nữa mà vẫn trở thành những giáo sinh cấp một của Trường sư phạm Đông Phù, huyện Thường Tín (Hà Đông cũ) cho đến khi nghỉ hưu.

Không biết so sánh về chất lượng dạy và học của thời ấy, với thời nay thế nào nữa! Lẽ nào lại thụt lùi?

Nguyễn văn Cự