Phê bình và tự phê bình là một trong những nguyên tắc đặc biệt quan trong của Đảng ta, vì nó quyết định đến phẩm chất đảng viên, nên phải được thường xuyên làm tốt, như Bác Hồ ví một cách hình ảnh, đó công việc phải làm thường xuyên như “rửa mặt hằng ngày”. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập công tác phê bình trong Đảng.

Nhìn thẳng vào thực tế thì thấy, những năm gần đây trong sinh hoạt Đảng, kiểm điểm, phê bình giúp đỡ nhau không được làm tốt như trước, có tâm lý sợ người khác nhận biết, phanh phui ra chuyện yếu kém của mình, nên không ít đảng viên, tổ chức Đảng khá “dị ứng” với vấn đề kiểm điểm.

Họ cho rằng việc kiểm điểm cá nhân như là một điều buộc phải “khai báo” những điều mình đã làm, nhất là những người có liên quan đến vụ việc tiêu cực, liên quan đến trách nhiệm chung… Thế là họ tìm cách cho qua hoặc kiểm điểm qua loa đại khái. Họ cố tình quên đi rằng, kiểm điểm là để thấy những việc đã làm được, làm tốt theo nghị quyết của Đảng nhằm tiếp tục nhân rộng, phát huy lan tỏa việc tốt. Đồng thời qua việc kiểm điểm sẽ thấy công việc nào chưa hoàn thành, hoặc hoàn thành nhưng chất lượng chưa tốt, tìm ra trách nhiệm thuộc về ai, nguyên nhân...để khắc phục.

Do không làm tốt công tác phê bình trong Đảng, nên hầu hết các vụ việc đảng viên làm sai, kể cả vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà tổ chức cơ sở Đảng đều không biết. Đau xót nhất là có cả những trường hợp đảng viên ở tỉnh nọ bị bắt khi người đảng viên ấy vừa kết thúc buổi lên lớp “rao giảng” về  đạo đức!  

Tình trạng này không chỉ trong sinh hoạt đảng thường kỳ, mà cả ở các kỳ đại hội. Kiểm điểm của một nhiệm kỳ là chỉ ra mặt tốt, mặt chưa tốt của một nhiệm kỳ, bài học bao giờ cũng mang tính khái quát, định hướng hơn những buổi sinh hoạt thường kỳ... Vậy mà lại bị xem nhẹ bằng một câu chung chung, quen thuộccủa Chủ tịch đoàn: Mặt mạnh là chủ yếu, nhưng vẫn còn những hạn chế yếu kém cần khắc phục. Lẽ ra trong đại hội nhiệm kỳ, nhất là ở cấp chi bộ phải chỉ rõ mặt mạnh, mặt yếu, nguyên nhân, giải pháp khắc phục.  

Hiện nay, cấp chi bộ đang tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2022-2025 theo quy định của Điều lệ Đảng. Qua theo dõi cho thấy cấp ủy, chi bộ chuẩn bị các bước tiến tới đại hội chi bộ của mình phần kiểm điểm những hạn chế yếu kém, nói chung là chưa sâu. Đáng báo động là có ý kiến cho rằng, chuận bị cho nhiệm kỳ mới, thì những yếu kém của nhiệm kỳ cũ không nên đề cập nữa...

Đây là suy nghĩ rất sai. Bởi sai sót yếu kém, cũng như những việc làm tốt thường lả ở cơ sở mới “điểm mặt, chỉ tên” được - mục đích không phải là “đấu xảo” nhau mà là để học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau để tiến bộ hơn. Còn lẩn tránh phê bình, chính là do mất dân chủ. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình, và kiên quyết sửa chữa. Do tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên - mà chúng ta đoàn kết càng chặt chẽ, càng đồng tâm nhất trí, càng tiến bộ không ngừng, càng chắc chắn thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” (1).

Để việc kiểm điểm chi bộ, cấp ủy nhiệm kỳ có chất lượng mang đầy đủ tính đảng, tính giáo dục, tính chiến đấu thì cần có sự tự giác của mỗi đảng viên trong chi bộ, đặc biệt là việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình của từng cá nhân cấp ủy viên. Tránh cho được việc tiến hành kiểm điểm sơ sài theo kiểu làm cho có. Đừng để tư tưởng “dĩ hòa vi quý” lấn át tinh thần thái độ kiểm điểm; người được kiểm điểm phải hết sức cầu thị, biết khiêm tốn lắng nghe, người tham gia kiểm điểm phê bình đồng chí mình phải trên tinh thần xây dựng, thể hiện cho được tình thương yêu đồng chí, đồng nghiệp…

Kiểm điểm vai trò trách nhiệm của chi bộ trong lãnh đạo thực hiện nghị quyết đại hội là rất quan trong, cần phải được mọi đảng viên của chi bộ đề cao và thực hành nghiêm túc, trên tinh thần: “Phải thật sự mở rộng dân chủ… Phải luôn luôn dùng cách thật thà tự phê bình và thẳng thắn phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên. Phải kiên quyết chống cái thói “cả vú lấp miệng em”, ngăn cản quần chúng phê bình. Một đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ. Cần chú ý: Để làm những việc trên đây, chi bộ phải dùng cách chính trị, giáo dục, đề nghị, giải thích, khai hội bàn bạc với quần chúng… chứ tuyệt đối không được lạm quyền, mệnh lệnh…” (2).

Hy vọng rằng, bằng những bài học từ thực tiễn, đặc biệt là thực hiện lời dạy của Bác Hồ, công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2022-2025 sẽ phải nghiêm túc thực hiện để đạt kết quả tốt. Đây là rường cột để xây dựng Đảng ta thực sự là Đảng cầm quyền.

Mai Mộng Tưởng

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG - Hà Nội 1996, tập 8, trang 223

(2) Hồ Chí Minh SĐD…, tập 7, trang 269.