Quang cảnh buổi gặp mặt báo chí.

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027 (viết tắt là Đại hội XI) sẽ được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội trong ngày 29 và 30-8 với sự tham dự của 502 đại biểu ưu tú đại diện cho hơn 7,2 triệu cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ cả nước.

Với chủ đề: “Xây dựng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày càng vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước”, đại hội nhằm đánh giá kết quả công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ nhiệm kỳ Đại hội X (2017-2022); quyết định mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu, định hướng và những giải pháp cơ bản nhằm thúc đẩy toàn diện công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ trong nhiệm kỳ 2022-2027, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Đây là thông tin được cung cấp tại buổi gặp mặt báo chí thông tin về Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027 do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức chiều 25-8, tại Hà Nội.

Theo đó, Đại hội XI có các nhiệm vụ: Đánh giá kết quả công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ nhiệm kỳ 2017-2022, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, rút ra những bài học kinh nghiệm; xác định mục tiêu, phương hướng công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ nhiệm kỳ 2017-2022; thông qua Tờ trình về việc tiếp tục thực hiện Điều lệ Hội; kiểm điểm hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2017-2022; bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra Trung ương Hội khóa XI, nhiệm kỳ 2022-2027; suy tôn Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa XI.

Đặc biệt, tại phiên khai mạc trọng thể Đại hội XI, đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế phát biểu chào mừng; đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo đại hội. Tại đại hội, 26 nội dung tham luận của Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp đối tác được trình bày, thảo luận trong “Diễn đàn Hệ sinh thái nhân đạo” sẽ tập trung đánh giá các lĩnh vực hoạt động trọng tâm của Hội trong nhiệm kỳ qua, đồng thời đưa ra những định hướng trong thời gian tới.

Nhiệm kỳ 2017 - 2022, tổng trị giá hoạt động toàn Hội đạt 23.128 tỷ đồng (gấp hơn 2,36 lần tổng trị giá hoạt động nhiệm kỳ Đại hội IX); tỷ suất hoạt động đạt trung bình 10,3 lần, thiết thực trợ giúp trung bình hằng năm 18,3 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổn thương. Các phong trào, cuộc vận động, các nhiệm vụ trọng tâm của Hội được triển khai thiết thực, gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững tại địa phương, cơ sở và thích ứng trong bối cảnh Covid-19; không ít mô hình mới, hiệu quả xuất hiện, có sự lan tỏa rộng khắp. Vận động chính sách được coi trọng; công tác chỉ đạo, điều hành có đổi mới; công tác truyền thông, vận động nguồn lực, hợp tác quốc tế trong hoạt động nhân đạo có bước phát triển; việc quản lý các nguồn thu của Hội được thực hiện đúng quy định. Kết quả các mặt hoạt động của Hội đã góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, lan tỏa các giá trị nhân đạo trong xã hội, được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Vai trò của tổ chức Hội trong xã hội và trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tiếp tục được khẳng định.

Với chủ đề “Xây dựng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày càng vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước”, Đại hội XI hướng tới mục tiêu xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, thiết thực trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái, đóng góp tích cực trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.

Tin, ảnh: HỒNG UYÊN