Thương binh, cụt hai tay Nguyễn Văn Đáp và Hoàng Tiến

Những người từ cuộc kháng chiến trở về, thường viết về đời lính và chiến công… Hai CCB ở thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) lại có nhiều trang dòng về quê hương, những tấm gương thương binh, tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Ông anh Hoàng Tiến: Trong kháng chiến chống Pháp là liên lạc, “lính văn phòng”… Kháng chiến chống Mỹ, ông Tiến đã chững chạc trong  đoàn quân vào Nam chiến đấu. Xuất ngũ trở về, tham gia các đoàn thể. Mãi đến độ tuổi “xưa nay hiếm”, ông mới có thời gian viết truyện ký, truyện ngắn, thơ… Vì là người trong cuộc, lại kỳ công sưu tầm, đi tìm, gặp, hỏi, nên những trang dòng của ông như tái hiện cả một thời “không thể nào quên!”. Ví dụ như cuốn “Đêm lặng lẽ trôi” (xuất bản năm 2010). Những anh bộ đội, du kích, cán bộ Việt minh, các bà, các chị, các em thiếu niên, được khắc họa với tinh thần gan dạ. Tập thơ “Áo the nâu” (xuất bản năm 2014), tập truyện ngắn “Tình yêu ni cô” (xuất bản năm 2016) dạt dào hoài niệm về thuần phong mỹ tục. Tôi đã từng đọc và cho mượn… Đọc xong có một chàng trai thốt lên: “Ôi, hương đồng gió nội…!”. Tập truyện ký “Đi theo đường của Bác” (năm 2018), ngoại ý nghĩa lớn lao là viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung còn như thông điệp “Đền ơn đáp nghĩa”, mà những chi tiết xúc động ở “Không còn tay để bắt” viết về thương binh cụt cả hai tay Nguyễn Văn Đáp đã khiến người đọc rưng rưng.

Ông em Hoàng Giá: Tuy nhà ở xóm ngoài, nhưng năng vào với anh ruột. Khi thì chạm “chung trà”, khi thì chạm “bôi tửu”. Khi thì cùng chụm đầu trên trang văn, thơ…Tình huynh đệ, tình đồng đội, tình bạn viết là thế. Hoàng Giá rời quân ngũ, về quê năm 1998, làm Bí thư chi bộ, và viết… Khi thôi trọng trách, mới miệt mài với cây bút. Ông viết như để bù đắp, để trả nợ, như “vương nghiệp”. Liên tiếp cho ra những “đứa con tinh thần” mà truyện, thơ và tiểu thuyết nào cũng có “lửa”. Nào là “Người bày thế cờ” (năm 2002); “Tự thú” (năm 2004), “Sương khói Dâm Đàm” (năm 2008), “Khoảng trời vuông” (năm 2010), “Làng ba họ”… rồi “Bến phật” (năm 2013) và “Bóng thời gian” (năm 2019). Độc giả của Hoàng Giá không chỉ là bạn bè, đồng đội xưa, dân quê mà còn là cả phật tử. Bởi dịp lễ hội chùa Bút Tháp hằng năm (từ 22 đến 24-3 Âm lịch), khách thập phương về nườm nượp. Họ mua sách đâu chỉ tính giá bằng tiền! Riêng cuốn “Huyền tích chùa Bút Tháp”, tái bản đến tám lần. Có bà bạn già của tôi, còn giữ cuốn đó cùng với những câu kinh Phật, và bảo rằng… được lộc!

Hoàng Tiến nay ngoại bát tuần. Hoàng Giá 78 tuổi. Cả hai đều là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Bắc Ninh. Mỗi người có đến gần chục tác phẩm và đoạt nhiều giải thưởng, kể cả về cuộc thi viết về: “Những tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nhưng có một phần thưởng, khiến hai ông vui sướng, hạnh phúc: đó là sự đón nhận và tình cảm của người đọc, công chúng. Sau khi được tặng sách, đại diện lãnh đạo xã Trí Quả (Thuận Thành) đã đến tận nhà Hoàng Tiến để… hậu tạ. Ông từ chối, nhưng một cán bộ lễ phép: “Đây còn là ý nguyện của những người dân xã Trí Quả sau khi đọc… Mong nhà văn nhận cho!”.

Tập trường ca viết về liệt sĩ anh hùng Vũ Tử Luận, nay cũng “xuất” hết. Có một nhà giáo nghỉ hưu, ở thôn Phú Mỹ bày tỏ:

- Mong tập thơ đó sớm tái bản, để đông đảo bạn đọc, dân quê xã Đình Tổ, được tri ân, qua những câu vần viết về anh hùng liệt sĩ! Để chúng tôi được thơm lây, về truyền thống quê hương, có thêm một “Ngôi sao không tắt” (“Ngôi sao không tắt” - tên thi phẩm của Hoàng Giá).

Lê Chính Nghĩa