Ngày ấy, tôi công tác ở ủy Ban Khoa học xã hội Việt Nam (UBKHXHVN), nay là Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội và nhân văn. Các thủ trưởng của tôi như: Chủ nhiệm Nguyên Khánh Toàn, các Phó chủ nhiệm Đào Văn Tập, Phạm Huy Thông, Phạm Như Cương đều đã đi gặp tiền bối hết cả rồi. Nhưng, những kỷ niệm đẹp của năm tháng được sống và làm việc dưới mái nhà chung thân yêu ấy, thì vẫn còn đọng lại mãi trong tôi.

Tình đồng nghiệp

Cùng một cơ quan, nhất lại cùng một phòng thì ngày nào mà chẳng gặp nhau. Vậy mà, ở Viện Thông tin khoa học xã hội, thuộc UB-KHXH-VN ngày ấy: cứ sáng sáng đến cơ quan làm việc, từng phòng-người đến trước, người đến sau đều chào hỏi, bắt tay nhau. Chiều chiều, hết giờ làm việc lại chào nhau trước khi ra về, hẹn ngày mai gặp lại. Cử chỉ này diễn ra tự nhiên, giống như một thói quen. Trong cơ quan, bói không ra một câu nói tục. Hết năm này sang năm khác chưa bao giờ có một cuộc liên hoan toàn cơ quan. Từng phòng muốn “ăn tươi” thì góp tiền. Tết đến, được một gói quà, ai nấy đều cảm thấy quý hóa. Hàng nhu yếu phẩm đều phải phân phối. Đợt nào không đủ, mọi người sẵn sàng nhường nhịn nhau như trong một gia đình.

Về vật chất tuy có khó khăn, thiếu thốn, nhưng tinh thần - ai nấy đều cảm thấy tự hào vì con người của mình nó trong sạch. Tất cả là vì tập thể, vì công việc, sống với nhau rất đỗi tình người. Mối quan hệ cấp trên, cấp dưới, lãnh đạo với nhân viên rất thân mật, nhưng trách nhiệm cũng rất rõ ràng. Ai làm sai phê bình, kiểm điểm luôn. Chưa có khái niệm “Sếp” như bây giờ.

Chiêu hiền, đãi sĩ.

Tôi được Viện trưởng Võ Hồng Cương cử đi mời những nhà trí thức có tên tuổi về nói chuyện chuyên đề cho cả Viện nghe - nhiều lần. Trong đó, tôi ấn tượng nhất là lần mời nhà thơ Xuân Diệu. Ông công tác ở Bộ Văn Hóa, nhưng có tiêu chuẩn làm việc tại nhà.

Về tài năng của nhà thơ, có nhà nghiên cứu đã ví ông như Bộ Bách khoa về thơ mới của Việt nam. Nhưng, ông cũng có cá tính mà không phải ai cũng “chiều” được, về phương tiện đón, đưa, ông nói rõ: “Tôi không đi xích lô, không đi xe máy”. Người nghe phải tự hiểu: “Mà là đi ô-tô”. Ngày ấy, ô-tô hiếm lắm, đâu như bây giờ..

Cũng cách diễn đạt gián tiếp của người nói, và phải “tự hiếu lấy” của người nghe, thì trong lúc nói chuyện, ông không quen uống trà, không uống nước sôi, không uống nước ngọt (si-rô) “mà là uống bia”. Nói chuyện xong, mời ở lại xơi cơm, ông đồng ý, nhưng có “mở ngoặc”: Ông không quen ăn chung với người khác (giống như bên châu Âu, bữa ăn mỗi người một khẩu phần).

Khi báo cáo lại những điều này với Viện trưởng, tôi cứ tưởng Viện trưởng cũng sẽ có những nhận xét về ông nhà thơ có tính “làm cao” này - giống tôi. Không ngờ thủ trưởng của tôi lại đứng về phía khách mời:

“Người ta yêu cầu như thế là đúng! Ai lại đem xe máy đi đón một người như ông Xuân Diệu. Ông ấy xứng đáng được đón tiếp như vậy. Điều quan trọng là mời được ông ấy về, còn mọi yêu cầu, Hành chính cứ lập dự trù, tôi sẽ ký duyệt hết”.

Quả nhiên, Viện trưởng của tôi đúng là người có cả tâm lẫn tầm! Mấy trăm con người ngồi nghe buổi nói chuyện về thơ như nuốt từng lời. Thông thường, theo phép lịch sự những chỗ diễn giả nói hay thì cử tọa phải hoan hô nhiệt liệt, đằng này - diễn giả nói hay quá, cử tọa cứ “lịm” đi, mải nghe quên cả hoan hô, khiến nhà thơ nói như hờn, như dỗi: “Tôi nói vất vả như thế, mà mọi người không có lấy một cái vỗ tay động viên”.

Đã hơn bốn thập niên trôi qua, tôi vẫn luôn lưu giữ trong mình những kỷ niệm đẹp về văn hóa công sở của Hà Nội, trong những năm tháng đất nước còn nghèo, nhưng lại giàu về nhân cách, về tình người. Mong sao, những nét đẹp ấy không bị kinh tế thị trường làm cho mai một, và mọi người luôn cùng nhau chung tay, góp sức giữ gìn, phát huy để ngày càng thêm đẹp, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống nơi công sở của cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng.                  

Nguyễn Văn Cự