Lãnh đạo Hội CCB tỉnh Thái Bình quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 66-KL/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng (Khóa X).

Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, từ năm 2016 đến nay Ban Thường vụ Hội CCB tỉnh Thái Bình đã thực hiện 5 cuộc giám sát việc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 66-KL/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng (Khóa X) đối với 5 Ban Thường vụ Huyện ủy, Thành ủy; 3 cuộc giám sát việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị định số 150/2006/NĐ-CP, Nghị định số 157/2016/NĐ-CP, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, đối với UBND tỉnh 3 huyện; giám sát việc triển khai thực hiện quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, đối với 3 cơ quan, tổ chức theo ủy quyền của T.Ư Hội CCB Việt Nam; chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuẩn bị nội dung phục vụ T.Ư Hội CCB giám sát UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị định số 150/2006, Nghị định số 157/2016 của Chính phủ về công tác CCB.

Qua 10 cuộc giám sát và phục vụ việc giám sát của cấp trên, Hội CCB tỉnh  đã đạt được một số kết quả và rút ra một số kinh nghiệm góp phần nâng cao hiệu quả giám sát xã hội, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc về giám sát xã hội. Đây là một trong ba loại hình giám sát hiện hành nhằm góp phần thực hiện tốt hơn đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Phải chống cả hai khuynh hướng: “Quyền lực hóa” hoặc coi nhẹ giám sát xã hội.

Các khâu, các bước trong quy trình giám sát xã hội cũng phải thực hiện nghiêm túc như khi tiến hành một cuộc giám sát của Đảng, của cơ quan quyền lực Nhà nước (Quốc hội, HĐND), có khác chăng là ở cấp tỉnh áp đặt hoặc không áp đặt đối với tổ chức, cá nhân được giám sát.

Phạm vi giám sát xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội là: MTTQ chủ trì giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với cơ quan, tổ chức; sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nhưng các đoàn thể chính trị - xã hội chỉ được giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và chức năng nhiệm vụ của đoàn thể mình.

Kiểm chứng lại mấy năm vừa qua, việc giám sát của Hội CCB tỉnh không có việc “lạm quyền” và cũng không có tư tưởng “giám sát xã hội ấy mà”, nên giám sát thực chất, do đó những phát hiện, đề xuất, kiến nghị của Ban Thường vụ Hội CCB tỉnh đều được các cơ quan, tổ chức được giám sát nhất trí cao.

Thứ hai: Khi tiến hành một cuộc giám sát phải đặt kế hoạch thật bài bản cụ thể: Phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng giám sát; thời hiệu giám sát và thời gian thực hiện. Phải thống nhất đề cương báo cáo, mời các chuyên gia của các cơ quan chức năng của tỉnh cùng tham gia đoàn giám sát.

Thực tế 9 cuộc giám sát và 1 cuộc chủ trì phục vụ cấp trên giám sát, Hội CCB tỉnh đều rất coi trọng các khâu, các bước trong quy trình của một cuộc giám sát. Nhưng có hai việc được Hội CCB tỉnh làm rất chặt chẽ và cụ thể là: Kiểm tra các tài liệu triển khai thực hiện đang lưu trữ tại các cơ quan chuyên môn của đơn vị được giám sát; phúc tra từ 4-5 cơ sở để đánh giá thực chất việc triển khai thực hiện. Chính hai việc này cùng với nghiên cứu nội dung báo cáo, trao đổi với các cơ quan chức năng đã phát hiện những vấn đề cần đề xuất, kiến nghị với cơ quan, tổ chức được giám sát và báo cáo cấp trên có chủ trương lãnh đạo chi đạo.

Thứ ba: Phải coi trọng và tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc việc thông báo kết luận giám sát, làm rõ những ưu điểm; những nhân tố, mô hình mới; đồng thời nêu những kiến nghị với cơ quan, tổ chức được giám sát.

Sau khi dự thảo Thông báo kết luận, Thường trực Hội CCB tỉnh tổ chức Hội nghị công bố thông báo kết luận. Hội nghị nghe toàn văn thông báo kết luận của Ban Thường vụ Hội CCB tỉnh; các thành viên đoàn giám sát có trách nhiệm trả lời những chất vấn của đại diện cơ quan chuyên môn của đơn vị được giám sát, đề xuất, kiến nghị để tiếp tục thực hiện tốt hơn chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của Tỉnh ủy, đối với CCB và Hội CCB.

Nhiệm kỳ qua, Hội CCB tỉnh Thái Bình thực hiện giám sát xã hội đối với tất cả các huyện, thành phố. Có địa phương giám sát Ban Thường vụ cấp ủy, có địa phương giám sát UBND huyện và cũng có một vài địa phương giám sát cả Ban Thường vụ cấp ủy và UBND cấp huyện. Tuy nhiên Hội CCB tỉnh đều thực hiện đúng nguyên tắc và nhận được sự đồng thuận của Ban Thường vụ cấp ủy và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.

Tuy đạt được một số kết quả, nhưng giám sát xã hội của Hội CCB tỉnh Thái Bình cũng còn những hạn chế, chủ yếu do kiến thức, năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp Hội. Thời gian tới, Hội CCB tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh và các địa phương, thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm, nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát xã hội của các cấp Hội, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

Đại tá Nguyễn Văn Hán - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Thái Bình