Mặt hàng sắn của các đơn vị doanh nghiệp CCB ở Hải Phòng ùn ứ ở cảng Hải phòng và Móng Cái (Quảng Ninh) do không xuất được sang cho đối tác…

Tổng cục Thuế mới đây có công văn gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố về việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với mặt hàng tinh bột, sắn khiến cho cộng đồng doanh nghiệp sắn… “điêu đứng”!

Hàng chục nghìn tấn sắn ứ đọng tại cửa khẩu

Công ty TNHH Việt Trung ở T.P Hải Phòng, do doanh nhân - CCB Lê Ngọc Hà làm chủ cùng với một số doanh nghiệp CCB trên địa bàn chuyên hoạt động trong lĩnh vực thương mại về sản phẩm tinh bột sắn đang gặp vô vàn khó khăn do hàng hóa ứ đọng tại cửa khẩu có giao thương với nước bạn Trung Quốc.

Theo ông Hà, hiện các doanh nghiệp CCB ở Hải Phòng đang tồn đọng khoảng 10.000 tấn tinh bột sắn không xuất được bởi lý do vướng mắc xuất phát từ Công văn số 2495, ngày 8-7-2021 của Tổng cục Thuế. Đặc biệt, gần đây, Tổng cục Thuế tiếp tục có Công văn số 632, ngày 7-3-2022, đã khiến cho các doanh nghiệp CCB và các doanh nghiệp (DN) khác của cả nước hoạt động trong lĩnh vực về sắn, kể cả không xuất khẩu trực tiếp… “điêu đứng”.

Một trong những lý do mà các doanh nghiệp CCB cho rằng, Công văn 632 của Tổng cục Thuế ban hành sẽ khiến cho các doanh nghiệp bị đọng vốn, không có vốn kinh doanh tiếp, không dám mua hàng xuất khẩu trực tiếp vì không được hoàn thuế GTGT; ngân hàng cũng không cho vay vốn; các đối tác mua hàng nước ngoài không dám mua hàng vì lo sợ điều tra, xác minh…

CCB Lê Ngọc Hà cho biết: Trước khi có Công văn 632, hầu như các DN CCB Hải Phòng đã được hoàn thuế GTGT đối với mặt hàng sắn. Số lượng hàng tồn đọng chưa xuất khỏi Việt Nam, nước ngoài chưa thanh toán, nên bộ hồ sơ hoàn thuế chưa hoàn thiện. Khi nào xuất khẩu qua biên giới có xác nhận của Hải quan, tiền hàng được DN Trung Quốc chuyển về Ngân hàng Việt Nam, mới có hiệu lực để hoàn thuế.

Nhưng Công văn 632 như một lực cản khiến các DN hoạt động trong lĩnh vực sắn bị… chững lại.

“Trong 2 năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid, các doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn, DN Ngành Sắn đang phải gồng mình để sống còn với nghề. Rất nhiều áp lực đang đè trên đầu DN, nhất là tiền nợ ngân hàng và lãi suất ngân hàng.

Doanh nghiệp phải tìm mọi cách đảm bảo doanh thu. Nếu không sẽ bị liệt vào danh sách nợ xấu, sau đó sẽ rất khó vay vốn ngân hàng trở lại. Trong khi việc kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 suốt từ năm 2020 tới nay cũng đã làm cho các DN kiệt quệ” - ông Hà cho biết thêm.

Ngành Thuế chưa hiểu đúng bản chất xuất khẩu đường biên?

Nhiều DN khác của Ngành Sắn cũng bày tỏ lo ngại vì Công văn 632. Ông Trần Quốc Hoàn - Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Intimex phát biểu với báo giới rằng: “Phải thẳng thắn mà nói với nhau, Công văn 632 gây ảnh hưởng trầm trọng đến Ngành Sắn”. Bởi vì, theo ông Hoàn, với Công văn 632, sẽ có DN bị ảnh hưởng ngay lập tức; lại có DN chịu ảnh hưởng về sau.

Theo ông Hoàn, Công văn 632 không hiểu đúng bản chất xuất khẩu đường biên.

“DN trong nước chỉ cần hoàn tất hồ sơ theo quy định. Tại khu vực trung gian, thương nhân Trung Quốc nhận hàng và trả tiền. Thương nhân Trung Quốc sẽ sử dụng cơ chế đường biên của nước họ để tiết giảm chi phí cho việc nhập khẩu.

Cách thức hoạt động của thương nhân Trung Quốc phù hợp với cơ chế và từng thời điểm của Trung Quốc. Bởi vì các cửa khẩu biên mậu Trung Quốc như Chi Ma, Na Hình, Nà Nưa... thường xuyên thay đổi chính sách thuế. Có thể lúc này, tại cửa khẩu này là thuế 5% nhưng lúc khác hoặc cửa khẩu khác lại là 7%.  

Mục đích của việc thay đổi chính sách thuế của Trung Quốc nhằm phát triển từng khu vực dân cư của họ.

Thương nhân Trung Quốc sẽ ấn định việc xuất khẩu qua cửa khẩu nào. Vì họ có bộ thông tin cư dân biên giới ở Trung Quốc để thực hiện nghiệp vụ nhập khẩu. Và tất cả những việc đó không ảnh hưởng gì đến pháp luật Việt Nam. “Việc Tổng cục Thuế sử dụng thông tin về chính sách thuế của Trung Quốc để quay lại, dừng hoàn thuế VAT xuất khẩu sắn của DN Việt là không đúng” - ông Hoàn nói.

Đại diện Công ty TNHH Nông nghiệp quốc tế TPP ở tỉnh Hòa Bình - một đơn vị chuyên sản xuất sản xuất tinh bột sắn cho rằng: Các DN xuất khẩu tinh bột sắn có trách nhiệm xuất tới km0, sang bên kia biên giới là đối tác mua hàng họ chịu trách nhiệm theo pháp luật của họ. Các phát sinh ở trong nước như DN có nộp thuế đầu vào, thì DN được hoàn thuế khi chính sách thuế cho mặt hàng này bằng không (0). Việc DN nộp thuế đầu vào thì DN đề nghị hoàn thuế VAT theo đúng quy định của pháp luật, không ảnh hưởng gì tới chính sách thuế của Việt Nam.

“Trước khi có công văn chỉ đạo, các DN được hoàn thuế bình thường. Nhưng sau Công văn 632 của Tổng cục Thuế, chỉ đạo, rà soát, kiểm tra các DN bên Trung Quốc có mua hàng hay không, thì đây không phải là kiểm tra việc hoàn, mà là kiểm tra có việc rủi do hoàn thuế hay không” - vị đại diện này cho hay.

Vẫn theo vị đại diện Công ty Nông nghiệp TPP cho biết: “Có một thực tế trong việc xuất khẩu đường biên, một số DN Trung Quốc họ không nhận mua, đây là việc khó khăn nhất trong cơ sở pháp lý này. Nếu người ta nhận thì mọi việc rất bình thường. Nên cơ quan quản lý nhà nước của ta cũng có cái lý của người ta về vấn đề đó. Tuy nhiên, vì một sự nghi ngờ, mà xác minh các đối tác mua hàng bên kia, trong khi không có thời hạn nhất định, cứ treo mãi thì sao? Cơ quan chức năng phải chứng minh được cái sai của DN xuất khẩu. Nếu không chứng minh được thì anh phải giải quyết hoàn thuế cho DN xuất khẩu.

Đối với lĩnh vực sắn có hai hình thức: Một là sản xuất và xuất khẩu; hai là thương mại xuất khẩu (không có nhà máy sản xuất). DN thương mại xuất khẩu thì mua lại sản phẩm từ các nhà máy trong nước rồi xuất khẩu. Các DN kiểu này có trách nhiệm xuất, đưa hàng sang bên kia cho đối tác. Còn các nhà máy thì họ dùng bảng kê thu mua với bà con và ký các hợp đồng thu mua nguyên liệu đầu vào, sau đó sản xuất và xuất đi.

Tuy nhiên, với đại diện Công ty TNHH Nông nghiệp quốc tế TPP, thì đơn vị làm thương mại hàng hóa đầu vào của họ nhiều hơn nên họ được hoàn thuế cũng nhiều hơn. Còn đối với đơn vị sản xuất (tức các nhà máy sản xuất tinh bột sắn), có nhà máy được hoàn ít hơn vì được khấu trừ đầu vào. Có nhà máy khấu trừ bằng không. Sau khấu trừ nó phải dư mới được hoàn, còn khấu trừ hết rồi mà không còn dư thì phải nộp thuế…

Cần nhất quán các văn bản chỉ đạo

Ông Lê Ngọc Hà - Chủ tịch Hiệp hội DN CCB T.P Hải Phòng kiêm Giám đốc Công ty TNHH Việt Trung cho biết: Các DN không tránh khỏi lo ngại, vì các văn bản hướng dẫn thực hiện của các cơ quan quản lý không rõ ràng, không nhất quán với Nghị định số 14/2018/ NĐ-CP ngày 23-1-2018 của Thủ tướng Chính phủ để khuyến khích các thương nhân, cư dân biên giới đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, giao thương, giảm thiểu thủ tục hành chính, dẫn đến việc hoàn thuế sau này gặp khó khăn, chậm hoàn, ảnh hưởng đến vòng quay vốn của doanh nghiệp.

“Nếu Công văn 632 thực thi thì các ND Ngành Sắn sẽ bị phá sản mặc dù thực tế các ND hoạt động kinh doanh đúng pháp luật. Việc này ảnh hưởng đến hơn 1,2 triệu người lao động Ngành Sắn và hàng trăm đơn vị sản xuất sẽ phải dừng thu mua cho bà con trồng sắn, gây mất ổn định kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương. Làm cho các DN đứng trên bờ vực phá sản, cả hệ thống sắn và Ngành Sắn sẽ bị sụp đổ. Hơn nữa, Công văn 632 của Tổng Cục thuế sẽ làm mất ưu thế cạnh tranh quốc gia của Việt Nam, không phát huy được chính sách biên mậu giữa hai nước. Tạo lợi thế cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài… chiếm lĩnh thêm thị phần” - ông Hà nhấn mạnh.

Nói về thông tin 4 DN có dấu hiệu gian lận thuế VAT mà Cơ quan Công an đang xác minh, ông Hà cho rằng: Cơ quan Công an điều tra, xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm này sẽ ảnh hưởng tới Ngành Sắn cũng như những DN kinh doanh sắn. Bởi vì, chính sách của Việt Nam đối với sản phẩm tinh bột sắn là hàng chính ngạch, còn đối với DN Trung Quốc là tiểu ngạch, nên Công an có tiến hành xác minh thì cũng chỉ biết việc mua bán với Việt Nam thông qua Biên mậu, chứ DN Trung Quốc không làm việc với Hải quan, mà họ chỉ nộp thuế Biên mậu. Vì vậy, ông Hà đề nghị bãi bỏ và dừng thực thi Công văn 632 của Tổng cục Thuế và thực hiện theo Nghị định 14/2018/NĐ-CP ngày 23-1-2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.

Trong khi đó, ông Phạm Vũ Hà (Công ty TNHH Nông nghiệp quốc tế TPP) nhìn nhận: Công văn 632 là quản lý về rủi do. Đưa dẫn chứng, ông Phạm Vũ Hà “ví von”: Nếu 1 đứa con của mình nghịch ngợm quá, bố mẹ thường phải theo dõi. Khi chưa biết con cái mình nó nghịch ngợm, hư thế nào trong khi nó vẫn cứ đi học đều dặn, điểm kết quả học tập vẫn tốt, nhưng mà lại có thông tin nói lại cháu nhà bác nó hư, thì bố mẹ nghe như thế phải theo dõi.

Quay trở lại câu chuyện của Ngành Sắn. Vụ việc theo dõi như này đã có từ 2 năm nay mà vẫn chưa có kết quả cụ thể. Vậy thì trong câu chuyện này sẽ theo dõi đến bao giờ? Nếu mà cứ theo dõi mãi, ban hành các văn bản như Công văn 632 thì sự việc không biết đến khi nào mới dừng; đồng nghĩa trong khoảng thời gian này doanh nghiệp không được hoàn thuế, hàng hóa không xuất khẩu được thì sớm muộn, doanh nghiệp sắn trong nước… chết dần chết mòn!

Ngày 21-3-2022, Hiệp hội Sắn Việt Nam có Đơn kêu cứu khẩn cấp gửi đến Thủ tướng Chính phủ về việc kiến nghị dừng thực hiện Công văn 632/TCT-TTKT, ngày 7-3-2022 của Tổng Cục thuế.
Nguyên nhân được cho là  Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục Thuế địa phương xác minh các khách hàng nước ngoài. Việc này dẫn đến dừng hoàn và truy thu tiền thuế GTGT của các doanh nghiệp xuất khẩu sắn.
Hiệp hội Sắn Việt Nam cho rằng, pháp luật hiện hành về hoàn thuế GTGT không có quy định hồ sơ hoàn thuế phải có xác nhận của khách hàng nước ngoài mới đủ điều kiện được hoàn thuế. Đồng thời doanh nghiệp xuất khẩu cũng không có nghĩa vụ cũng như năng lực xác minh đối tác nước ngoài khi ký hợp đồng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có 2 văn bản số 5753/VPCP-KTTH ngày 19-8-2021 và số 689/VPCP-KTTH ngày 27-1-2022 chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ Công thương nhằm giải quyết vướng mắc về việc hoàn thuế GTGT cho ngành sắn.
Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết: Đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết mà còn khó khăn hơn khi Tổng cục Thuế có Công văn 632/TCT-TTKT như đề cập trên.

Tư Hoành