Tính đến nay đã gần 20 năm, CCB Phạm Vân Khánh, trú quán tại khu Minh Tân 1, thị trấn Vũ Thư, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình vẫn mòn mỏi chờ được giải quyết hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho bố đẻ của ông. Không những vậy, ông còn kiến nghị làm rõ danh phận cho chú ruột mình vì sao có tên trong Sổ danh sách liệt sĩ lưu trữ tại Bộ CHQS tỉnh Thái Bình và được ghi tạc tên trên bia đá ghi danh các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ huyện Kiến Xương từ trước năm 2014, nhưng sau này không hiểu sao đã bị xóa bỏ?

Nhọc nhằn số phận hai con người

Trong đơn gửi đến cơ quan chức năng và Bộ LĐTBXH, CCB Phạm Vân Khánh trình bày: Bố đẻ ông là Phạm Duy Ngãi (hay còn có tên là Phạm Quang Ngãi) - nguyên là Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính xã Quang Lịch bị địch bắt và mất tích từ năm 1953 đến nay không rõ tung tích, cần được Nhà nước quan tâm xem xét, giải quyết chế độ và suy tôn là liệt sĩ.

Việc đề nghị suy tôn ông Ngãi là liệt sĩ còn được nhiều cựu cán bộ UBND xã Quang Lịch công tác cùng thời xác nhận, chứng kiến.

Cụ thể, tại bản xác nhận của ông Vũ Xuân Tiến (SN1931) ở thôn Luật Nội, nguyên là Xã đội phó năm 1951 và làm Xã đội trưởng xã Quang Lịch từ năm 1952 đến 1954 khẳng định: “Tháng 4-1953, bọn giặc từ bốt Đồng Quan tổ chức càn vào thôn Luật Nội, ông Phạm Duy Ngãi đã trực tiếp chỉ huy du kích chống càn. Ông Ngãi bị giặc bắn bị thương vào bụng rồi chúng bắt dân khiêng ông xuống đò Bóng, thuộc xã An Bình, đưa xuống ca-nô chở sang căng Máy Chai, tỉnh Nam Định và bị mất tích từ đó đến nay. Đề nghị các cấp có thẩm quyền xét làm chế độ quyền lợi cho ông Phạm Duy Ngãi”.

Cũng ở thôn Luật Nội, ông Đỗ Đức Thái (tên gọi khác là Tương), sinh năm 1928, nguyên là Phó bí thư Đảng ủy xã Quang Lịch giai đoạn 1971-1975 xác nhận: “Tôi năm nay 90 tuổi, 59 năm tuổi Đảng xác nhận năm 1951, ông Phạm Duy Ngãi làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã Quang Lịch. Tháng 4 -1953, khi giặc càn quét vào địa phương, ông Ngãi đã trực tiếp chỉ huy du kích chống càn, ông Ngãi bị giặc bắn bị thương rồi bị bắt đưa sang căng Máy Chai, Nam Định, từ đó đến nay không có tin tức gì về ông Phạm Duy Ngãi. Đề nghị các cấp giải quyết chế độ chính sách để ông Ngãi và thân nhân không bị thiệt thòi”.

Về trường hợp liệt sĩ Phạm Văn Toán (chú ruột của CCB Phạm Vân Khánh) cũng không hề suôn sẻ. CCB Khánh cho biết: Tháng 5-1945, ông Phạm Văn Toán tham gia trong Đoàn quân Nam tiến xây dựng lực lượng cách mạng miền Nam, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đến tháng 10-1947, ông đã anh dũng hy sinh tại chiến trường miền Nam khi tuổi còn rất trẻ, chưa lập gia đình.

“Từ trước năm 1970, bà nội tôi còn sống thì mọi chế độ của liệt sĩ đều được chính quyền địa phương quan tâm, có quà gửi tặng. Sau năm 1970, bà nội mất, từ đó đến nay gia đình không được hưởng bất cứ chế độ gì”.

Điều đáng nói, theo CCB Khánh cho biết, tên của liệt sĩ Phạm Văn Toán được khắc trên bia tưởng niệm tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ huyện Kiến Xương từ trước năm 2014, nhưng không hiểu sao sau năm 2014 bia tưởng niệm được làm mới lại xóa bỏ tên của liệt sĩ Phạm Văn Toán trên bia đá?!

“Thật đáng buồn! Liệt sĩ Phạm Văn Toán là có thật, đã được ghi danh là thật! Có tên trong Sổ danh sách các liệt sĩ của huyện Kiến Xương đang được lưu trữ tại Bộ CHQS tỉnh Thái Bình là thật; có tên trên bia đá đình làng Luật Nội là thật, mà nhiều năm nay tôi kiến nghị làm rõ danh phận cho chú vẫn chưa được…” - CCB Phạm Vân Khánh nấc nghẹn dãi bày.

Chỉ đạo của Bộ trưởng vẫn chỉ là… “bóng chim tăm cá”!

Theo CCB Phạm Vân Khánh phản ánh, gia đình đã nhiều lần kiến nghị nhưng cán bộ TBXH xã cứ bảo bổ sung hồ sơ để xã trình lên cấp trên xem xét, giải quyết. “Nhưng biết bổ sung những gì? Vì sau những năm 1950-1953, giặc Pháp càn quét đốt phá, nhà của bố mẹ tôi bị đốt cháy tới 3 lần thì làm gì gia đình tôi còn giữ được giấy tờ gì. Bản thân bố tôi, chú ruột tôi hy sinh ngày nào cũng chả biết, ngay cả phần mộ gia đình, dòng họ tôi cũng chả biết mà đến hương khói, huống hồ bảo chúng tôi bổ sung giấy tờ…” - CCB Khánh bức xúc.

Đến năm 2018, trước việc đơn đi đơn lại nhiều lần mà không được xem xét giải quyết, CCB Phạm Vân Khánh viết “tâm thư” gửi Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung phản ánh sự việc. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sau đó có thư phúc đáp lại. (ảnh)

Trong thư đề ngày 4-7-2018, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giao nhiệm vụ cho Cục Người có công và Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thái Bình như sau: “Tôi có nhận được đơn của ông Phạm Văn Khánh 68 tuổi xã Quang Lịch - Kiến Xương - Thái Bình đề nghị về việc xem xét, công nhận bố đẻ là Phạm Quang Ngãi - nguyên Phó chủ tịch UBND xã Quang Lịch mất năm 1953 do địch bắn và chú ruột Phạm Văn Toán nhập ngũ tháng 5-1945, mất tháng 10-1947 có tên trong lịch sử Đảng bộ và khắc tên trên bia đá của huyện Kiến Xương. Tôi thấy đề xuất của gia đình là chính đáng, hồ sơ thiếu, song có căn cứ nhất định để xem xét.

Đề nghị Sở LĐTBXH chỉ đạo, xác minh làm rõ và tiến hành hoàn thiện thủ tục trình Bộ; quá trình tiến hành nếu vướng mắc gì báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xin ý kiến. Cục Người có công hướng dẫn địa phương thực hiện đảm bảo đúng quy định và theo dõi đôn đốc báo cáo Bộ trưởng”.

Mặc dù chỉ đạo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là vậy nhưng đến nay, gia đình vẫn mòn mỏi chờ đợi kết quả giải quyết.

“Họ cứ nói là gia đình phải bổ sung chứng cứ, trong khi chứng cứ, hồ sơ gia đình có gì đã cung cấp từ nhiều năm nay… Đến bây giờ hồ sơ giải quyết vẫn nằm im, bụi đã phủ, mực đã mờ, nhân chứng lần đầu cũng lần lượt ra đi, sức khỏe của tôi cũng có hạn, biết chờ đến bao giờ?”.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi qua điện thoại, bà Đặng Ngọc Hạnh - Trưởng phòng Người có công Sở LĐTBXH Thái Bình cho biết: Về trường hợp đề nghị suy tôn liệt sĩ đối với ông Phạm Quang Ngãi, phía Sở cũng đã nhiều lần họp và có chỉ đạo cấp huyện, xã hoàn thiện hồ sơ trình Sở. Theo bà Hạnh, hồ sơ hiện vẫn nằm ở xã Quang Lịch, chưa hoàn tất vì Ban Chỉ đạo của xã chưa thông qua được để trình lên huyện, sau đó huyện mới trình Sở.

“Có ý kiến trường hợp của ông Ngãi là không phải. Chỉ 1 ý kiến của Hội đồng xét duyệt cấp xã không đồng thuận thì hồ sơ không hoàn thiện được” - bà Hạnh nói.

Đối với trường hợp của ông Phạm Văn Toán, bà Hạnh cho biết là hồ sơ quản lý nằm ở Bộ CHQS tỉnh nên bên đó họ xem xét, giải quyết!

Không biết lời bà Hạnh chính xác tới đâu, nhưng qua các hồ sơ tài liệu có giá trị pháp lý của xã Quang Lịch như: Cuốn sách lịch sử Đảng bộ xã Quang Lịch huyện Kiến Xương giai đoạn 1927-2000 và sổ hệ thống các chức danh Phó chủ tịch UBND xã Quang Lịch các thời kỳ đều có ghi ông Phạm Duy Ngãi làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã Quang Lịch từ năm 1951 đến tháng 4-1953. Ngày 14-1-1963, ông Phạm Duy Ngãi còn được Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất. Ngày 27-2-2003, Đảng ủy, UBND và các đoàn thể nhân dân trong xã đã họp và xem xét trường hợp hy sinh của những cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong thời kỳ cách mạng và trong kháng chiến tại xã. Theo đó, các bên đồng nhất trí đề nghị công nhận ông Phạm Duy Ngãi là liệt sĩ và đề nghị cấp trên xác nhận, xét cấp Bằng TQGC và giải quyết quyền lợi đối với gia đình liệt sĩ. Biên bản này cho thấy ông Phạm Duy Ngãi tham gia cách mạng từ năm 1947, hy sinh năm 1953 (trong trường hợp mất tích). Tuy nhiên, từ đó đến nay danh phận cũng như đề nghị công nhận liệt sĩ đối với bố đẻ CCB Phạm Vân Khánh cũng như đề nghị làm rõ danh phận chú ruột là liệt sĩ hay không và tại sao tên liệt sĩ Phạm Văn Toán lại bị gạt bỏ trên bia tưởng niệm tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ huyện Kiến Xương vẫn chỉ là... “bóng chim tăm cá”!

Tư Hoành