“Tôi sẽ đem bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ 1 đồng!”. Đó là tuyên bố đanh thép và lạnh lùng của cựu Tổng thống Hàn Quốc - Park Chung-hee.

Với sự liêm chính và kỷ luật sắt trong việc bảo vệ tài sản công, vị Tổng thống này đã xây dựng được nền tảng vật chất và kỹ thuật cho sự cất cánh của đất nước Kim chi. Ngày nay, đất nước này đã trở thành một trong những quốc gia phát triển và thịnh vượng nhất trên thế giới.

Bên cạnh cơ sở vật chất - kỹ thuật, một di sản khác của Tổng thống Park Chung-hee còn phát huy tác dụng lâu dài hơn cho dân, cho nước. Đó chính là sự liêm chính và trong sạch của bộ máy công quyền. Có lẽ, đây chính là lý do tại sao Hàn Quốc vẫn tiếp tục có những thành công vượt bậc trong suốt hàng chục năm qua.

So với sự hà khắc của Tổng thống Hàn Quốc - Park Chung-hee, những hình phạt được đưa ra cho các quan chức ăn cắp của công ở nước ta thời gian vừa qua có vẻ nhân đạo và mềm mại hơn nhiều, mặc dù Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã thể hiện rõ quan điểm “chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng” được nêu tại Nghị quyết T.Ư 3 (Khóa X).

Điều 40 của bộ luật này quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu: “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.

Luật Phòng chống tham nhũng cũng quy định: “Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật” (Khoản 3, Điều 4) và “Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết để thu hồi, tịch thu tài sản tham nhũng; tài sản tham nhũng phải được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc sung quỹ nhà nước; người đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát hiện hành vi đưa hối lộ thì được trả lại tài sản đã dùng để hối lộ” (Điều 70)…”

Theo báo cáo của Ban Nội chính T.Ư, từ tháng 12-2015 đến 3-2020, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử mới thu hồi được 18.239.211.000.000 đồng/33.429.125.000.000 đồng, đạt 55% tổng số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; nhiều vụ án tham nhũng có tỷ lệ thu hồi tài sản cao.

Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị trên 50.000 tỷ đồng. Cơ quan Thi hành án trong Quân đội đã thi hành xong 33 việc/39 việc có điều kiện thi hành, với số tiền đã thi hành xong hơn 63,8 tỷ đồng/67,7 tỷ đồng, đạt 84,6%.

Trong quá trình tổ chức thi hành án, Cơ quan Thi hành án dân sự đã phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tích cực áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành án. Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cũng đã cao hơn năm trước.

Nhiều quan chức ăn cắp của công không chỉ một đồng, mà hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng. Thế nhưng, chưa quan chức nào bị đem bắn cả.

Đáng băn khoăn hơn có lẽ không hẳn là hình phạt, mà là tình trạng tài sản bị tham nhũng không thu hồi được hoặc thu hồi được không đáng kể.

Khi đất nước còn oằn lưng gánh nợ, khi xây dựng cơ sở hạ tầng còn thiếu trước, hụt sau, thì đây là tình trạng không thể chấp nhận được! Đó là chưa nói tới việc tình trạng nói trên còn khuyến khích tâm lý “Hy sinh đời bố củng cố đời con”. Với tâm lý này, nạn tham nhũng càng khó bị ngăn chặn hơn.

Công bằng mà nói, trong các vụ án gần đây, đặc biệt là vụ Mobiphone mua AVG, tỷ lệ tài sản công được thu hồi đã đạt mức khá cao. Có vẻ như chính sách trả lại tiền để được giảm án đã phát huy tác dụng. “Cái gì của Caesar hãy trả lại cho Caesar!”.

Thu hồi cho bằng được tài sản công bị tham nhũng phải là đòi hỏi trước tiên của công lý. Tất nhiên, trả lại tiền để được giảm án không phải là dùng tiền để mua công lý. Đã phạm tội tham nhũng thì phải bị trừng phạt. Đó là công lý!

Thực ra, để xảy ra tham nhũng rồi tìm cách thu hồi thì chẳng khác gì chuyện thả gà ra mà đuổi. Có cố mấy, thì bắt lại cho hết gà cũng sẽ rất khó khăn.

Thu hồi cho hết tài sản công bị ăn cắp cũng vậy! Quan trọng hơn là phải xây dựng cho được một bộ máy công quyền liêm chính và trong sạch.

Đối với một đất nước mà phần lớn các nguồn lực to lớn như đất đai, tài nguyên thiên nhiên… đều nằm trong tay Nhà nước như Việt Nam ta, thì đây càng là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Áp đặt kỷ luật sắt trong việc bảo vệ tài sản công và lựa chọn những người liêm chính, trong sạch nhất làm quan chức đòi hỏi tối thiểu để có một bộ máy công quyền như vậy.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng