Công tác bảo vệ cán bộ không phải là mới, vấn đề hết sức quan trọng này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra khi ta mới giành được chính quyền về tay nhân dân, theo tinh thần hướng mọi hành động cách mạng về nhân dân.

Bên cạnh việc Người yêu cầu mọi cán bộ trong Chính phủ phải thấm nhuần quan điểm nhất quán “…Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh.”, thì “Các Uỷ ban nhân dân làng, phủ là hình thức Chính phủ địa phương phải chọn những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm…”. (*)

Chính nhờ quán triệt sâu sắc tư tưởng này của Bác Hồ, công tác cán bộ của giai đoạn sơ khai mới thành lập chính quyền nhân dân mới được đặt ra đúng hướng, góp phần xây dựng và bảo vệ đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng ngang tầm với nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng nước ta.

Trong suốt 76 năm (1945-2021), Chính phủ đã trải qua những hình thái hoạt động khác nhau phù hợp với tình hình cách mạng của mỗi miền trong bối cảnh đất nước bị chia cắt và khi trở thành chính quyền hợp nhất từ T.Ư đến địa phương từ sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975). Dù điều kiện hoạt động của chính quyền mỗi giai đoạn có khác nhau, nhưng quan điểm bảo vệ cán bộ của Đảng và Hồ Chí Minh luôn được quán triệt và thực hiện triệt để, theo tinh thần “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Mọi việc thành hay bại đều do cán bộ tốt hay kém”…

Nhìn chung, công tác cán bộ được các cấp, các ngành, các địa phương đặt ra đúng tầm, đúng hướng góp phần tạo ra một đội ngũ cán bộ của Đảng vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đặt ra. Nhưng cũng phải thành thực nói rằng công tác cán bộ của ta chưa phải lúc nào, ở đâu cũng làm tốt được như lời chỉ dặn của Bác Hồ. Thậm chí, nói chung có một cảm giác công tác đào tạo cán bộ có phần đi xuống so với trước đây, nhất là đào tạo nhân cách (đạo đức) cho cán bộ.

Còn nhiệm vụ bảo vệ cán bộ ở nơi này, nơi khác, lúc này, lúc khác đã không có sự nhất quán theo quy chế thống nhất từ T.Ư đến cơ sở, dẫn đến tình trạng cán bộ sợ “tai bay vạ gió”, sợ “làm ơn mắc oán”, dẫn đến tư tưởng tự thủ tiêu đấu tranh, sợ “đấu tranh rồi tránh đâu”… Trong  thực tế đã có khá nhiều cán bộ bị trù dập một cách trắng trợn hoặc bị quy chụp, điều chuyển “khéo léo” để thỏa mãn ý đồ chính trị của những người không hài lòng với sự thẳng thắn góp ý của cán bộ - thế là dũng khí đấu tranh phê bình của cán bộ dần dần mất đi, vô hình trung nhường chỗ cho thói “tranh công đỗ lỗi”, “ném đá giấu tay”…  

Ngày 22-9-2021, Bộ Chính trị (Khóa XIII) ra Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trên cơ sở xem xét báo cáo của Ban Tổ chức T.Ư về đề án “Xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”, trong đó đáng chú ý là trường hợp cán bộ dám nghĩ, dám làm nếu không đạt, đạt một phần mục tiêu đề ra sẽ được miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Đây là yếu tố động viên tinh thần rõ ràng hơn cả để động viên cán bộ các cấp vì lợi ích chung của đất nước và cộng đồng mà chấp nhận tất cả sẵn sàng xả thân dám nghĩ, dám hành động.

Sau khi Kết luận số 14 ban hành, cán bộ, đảng viên vui mừng, nhưng mới coi đó như là một “thông điệp” của Bộ Chính trị gợi mở ra một hướng khắc phục tình trạng buông lỏng công tác bảo vệ chính trị nội bộ nói chung và công tác bảo vệ cán bộ nói riêng. Để đưa kết luận vào cuộc sống chắc chắn còn cần những kế hoạch, bước đi, kèm theo những quy định chặt chẽ hơn.

Hy vọng rằng với thông điệp trên, công tác bảo vệ cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược sẽ được lưu tâm thỏa đáng, đặt ra đúng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; khắc phục cho được tình trạng chỉ nói suông trên diễn đàn hoặc có nêu trong các văn bản chỉ đạo mà thực chất thì công tác bảo vệ cán bộ không làm đến nơi đến chốn, thậm chí khoán trắng cho cơ quan chuyên môn, trong khi ai cũng biết công tác cán bộ là việc thường xuyên của cấp ủy, trực tiếp là Ban Thường vụ cấp ủy.

Công tác bảo vệ cán bộ phải thực chất và thường xuyên liên tục, thì mới giữ vững được niềm tin của cán bộ đảng viên trong mọi tình huống!

    Mai Mộng Tưởng

(*)  Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, Hà Nội, 1995, tập 4, trang 22.