Nhóm QUAD tập trận hải quân Malabar ở vịnh Bengal năm 2020.

Ngày 24-9, cuộc họp thượng đỉnh trực tiếp lần đầu tiên của nhóm Bộ tứ (QUAD) gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ diễn ra tại Washington. Trước đó, ngày 15-9, ba nước gồm Australia, Anh, Mỹ đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gọi tắt là AUKUS. Đã thế, cũng trong tuần qua, Liên minh châu Âu (EU) cũng công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương giờ đây không chỉ nằm trong chính sách trên giấy hay không phải là những lời nói suông của lãnh đạo các nước mà thực sự đã giúp hình thành các liên minh mới với cùng khẩu hiệu “Vì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Thực chất, các động thái này đều nhằm kiềm chế các tham vọng của Trung Quốc, tạo nguy cơ đối đầu bất ổn trong khu vực.

Trong vài tháng gần đây, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực tây Thái Bình Dương đang ngày càng lên cao khiến hai tuần trước các quan chức Hải quân và lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ đã cam kết tăng cường sự hiện diện của họ trong khu vực. Bên cạnh đó, Mỹ cũng bác bỏ quy định mới của Trung Quốc yêu cầu tất cả tàu nước ngoài phải đăng ký thông tin khi đi vào cái mà Bắc Kinh gọi là "Vùng lãnh hải của Trung Quốc".

Thành lập các nhóm bộ tam, bộ tứ để “soi” Trung Quốc là có cơ sở bởi thông tin về cuộc họp trực tiếp giữa các thành viên nhóm QUAD được công bố sau hai cuộc họp gần đây giữa các quan chức chính quyền ông Biden với Bắc Kinh, trong đó có cuộc điện đàm tuần trước giữa Tổng thống Mỹ - Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình. Trong cuộc họp này, ông Tập đã nói với ông Biden rằng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc tạo ra những khó khăn to lớn cho mối quan hệ giữa hai nước. Trước đó, cuộc đối thoại giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ - Wendy Sherman và Ngoại trưởng Trung Quốc - Vương Nghị hồi tháng 7-2021 đã kết thúc với việc hai bên tiếp tục duy trì quan điểm cứng rắn. Thực ra, các cuộc gặp gỡ hay điện đàm với Trung Quốc nhằm giải toả căng thẳng đã không đạt được kết quả như mong muốn. Do đó, nhóm QUAD sẽ vẫn duy trì kế hoạch công bố từ tháng 3 năm nay: các nhà lãnh đạo của "Bộ tứ kim cương" sẽ tìm cách đối phó với việc Trung Quốc gia tăng hoạt động xây dựng quân sự trong khu vực.

Trở lại bộ ba AUKUS. Đây là một quyết định chớp nhoáng với tính chiến lược rất cao khi Mỹ và Anh sẽ cung cấp cho Australia công nghệ và khả năng triển khai 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với tính răn đe cao. Nó nhanh chóng và có lợi đến mức Canberra sẵn sàng huỷ hợp đồng đóng 12 tàu ngầm trị giá 66 tỷ USD đã ký với Pháp. Theo Reuters, trong cuộc họp trực tuyến ngày 15-9, Tổng thống Mỹ - Joe Biden cho biết: “Tất cả chúng ta đều nhận thấy sự cấp thiết của việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong dài hạn”. Trong khi đó, Thủ tướng Anh gọi đây là một quyết định quan trọng đối với Australia, đồng thời nhấn mạnh rằng dự án hợp tác sản xuất tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ làm cho thế giới an toàn hơn.

Như vậy, nếu không có tàu ngầm mới thì Australia cũng sẽ có tàu ngầm do Pháp đóng và suy rộng ra xứ sở chuột túi muốn tăng cường sức mạnh hải quân của mình để một mặt bảo vệ chủ quyền lãnh hải rộng lớn, một mặt có tính răn đe cao hơn trước các mối đe dọa về an ninh. Khi Trung Quốc vươn tầm ảnh hưởng mạnh mẽ tới nam Thái Bình Dương, Australia không thể chỉ ngồi nhìn mình bị bao vây, mất dần ảnh hưởng mà buộc phải chủ động hợp tác khi nhanh chóng tham gia vào cả QUAD và AUKUS.

Mục tiêu công khai của nhóm bộ tam, bộ tứ hay của bất kỳ quốc gia hoặc liên minh nào hướng tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là đều nhằm biến đây thành khu vực tự do và rộng mở bên cạnh các vấn đề chung cấp bách khác như chống Covid-19, biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh… Thế nhưng, nếu xét cho kỹ, các vấn đề đó là vấn đề chung của cả thế giới chứ không chỉ của các nhóm. AUKUS hay QUAD thực tế là các liên minh mới để ứng phó với một Trung Quốc đang “hung hăng” đè lên luật pháp quốc tế bằng việc dùng vũ lực xâm chiếm biển đảo của láng giềng; cải tạo, quân sự hoá các đảo, đá chiếm đóng trái phép; ban hành các quy định trái với thông lệ quốc tế… Các tuyên bố hay hành động của Trung Quốc, của nhóm bộ tam, bộ tứ chắc chắn sẽ khiến leo thang căng thẳng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà ai cũng mong muốn sẽ được tự do và rộng mở.

Thanh Huyền