Phụ huynh lo lắng việc học online sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, đặc biệt là với học sinh lớp 1, 2.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội khiến việc chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022 gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình này, Bộ Giáo dục - Đào tạo (DGĐT) cũng như các Sở GDĐT đã chuẩn bị nhiều phương án để bảo đảm an toàn phòng dịch cho cán bộ, giáo viên và học sinh, mà chất lượng giáo dục vẫn được đảm bảo.

Tính đến thời điểm này, nhiều địa phương phải triển khai dạy, học trực tuyến cho năm học mới như T.P Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, Nghệ An… Một số nơi khác quyết định lùi thời gian học sinh tựu trường như: Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Sơn La, Hải Dương. Dù hình thức dạy, học trực tuyến được triển khai từ năm học trước, nhưng nhiều phụ huynh vẫn bày tỏ lo ngại việc dạy, học này sẽ ảnh hưởng đến khả năng, chất lượng giảo dục, đặc biệt là những học sinh đầu cấp lớp 1, 6, 10.

CCB Nguyễn Văn Trung - trú tại phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, T.P Hà Nội có cháu năm nay học lớp 1 nêu quan điểm: Tổ chức học online chỉ hiệu quả đối với học sinh có khả năng tự học tốt, hình thức này phù hợp với học sinh lớp 7 trở lên. Đối với học sinh từ lớp 1 đến 3 thì không nên áp dụng hình thức này. Như cháu nhà tôi, dù chuẩn bị rất kỹ nhưng đến nay cháu chưa biết cầm bút, ngồi chưa đúng tư thế, thì bắt đầu thế nào nếu như không có người cầm tay, uốn nắn từng nét chữ? Một đứa trẻ lớp 1, lớp 2 chưa biết cách sử dụng máy tính, chắc chắn phải có người ngồi cạnh.

Là địa phương chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều phụ huynh tại T.P Hồ Chí Minh đang rất lo lắng trước năm học mới. CCB Trần Quốc Sơn, có hai cháu học ở trường Tiểu học và THCS Lý Thường Kiệt, quận 12 cho biết: Học trực tuyến sẽ bị ảnh hưởng do gia đình không đủ thiết bị. Chưa có máy tính, thiết bị học tập, sách vở thiếu thốn cũng là những vấn đề của các gia đình. Theo tôi học trực tuyến chỉ phù hợp với gia đình khá giả, cha mẹ trí thức, có khả năng kèm cặp con.

Chia sẻ về những lo lắng của phụ huynh, cô Lê Thanh Tâm, giáo viên Trường tiểu học Nhân Hòa, quận Thanh Xuân, T.P Hà Nội cho rằng: Đối với học sinh lớp 1, quan trọng nhất là rèn nền nếp cho các con. Về mặt kiến thức, các con sẽ được dạy cách cầm bút, cách ngồi học đúng tư thế, cách gọi đúng tên đồ dùng học tập… Do đó, để dạy, học trực tuyến được hiệu quả tốt nhất không thể thiếu sự đồng hành tích cực của phụ huynh. Do các em còn nhỏ nên giáo viên sẽ lựa chọn phương án dạy đơn giản, nhấn mạnh vào tinh thần chung của môn học, nội dung còn lại sẽ khuyến khích học sinh tự học, tự khám phá. Về thời gian học với bậc tiểu học, các phần học online sẽ diễn ra trong khoảng 15-20 phút.  

Dạy, học trực tuyến được thực hiện từ hơn 1 năm qua, Bộ GDĐT có nhiều hướng dẫn, các trường chủ động tập huấn thường xuyên cho giáo viên. Công nghệ hiện đại, nhiều phần mềm công nghệ tiên tiến hỗ trợ giảng dạy. Hơn nữa dạy, học trực tuyến, qua truyền hình là xu hướng chung của thế giới. Tại nhiều địa phương, Sở GDĐT hướng dẫn các trường tiểu học xây dựng kế hoạch ghi hình các tiết dạy phục vụ hoạt động dạy, học qua internet nhằm hỗ trợ học sinh. Thời lượng mỗi video không quá 15 phút đối với lớp 1, 2. Những khối lớp còn lại không quá 20 phút.

Sau một năm triển khai dạy, học trực tuyến, nhiều nhà giáo có kinh nghiệm đánh giá: Để mang lại hiệu quả, nội dung dạy trực tuyến cần khác với dạy trực tiếp, giáo viên phải linh hoạt trong việc chuẩn bị giáo trình, cách truyền đạt nội dụng tới học sinh. Ngoài sự tương tác giữa thầy và trò, cha mẹ có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của con. Phụ huynh cần làm bạn, động viên, khích lệ, nắm vững mức độ tiếp thu bài, để có cách học cùng con, dần dần rèn cho trẻ ý thức tự học, tự khám phá kiến thức để tự tin trong học tập.

Giao quyền chủ động cho nhà trường

Đồng chí Phạm Xuân Tiến - Phó giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho hay: Hiện tại các trường đều xây dựng phương án dạy, học hiệu quả, nhất là với học sinh lớp 1, 2. Sở GDĐT Hà Nội có văn bản hướng dẫn chi tiết tới các trường. Nhà trường họp thống nhất với phụ huynh học sinh về khung giờ học, hình thức trao đổi, hỗ trợ. Các trường dành từ 7-10 buổi để học sinh làm quen với học trực tuyến, giáo viên, bạn bè rồi mới triển khai kế hoạch học tập, nội dung học tập cũng được lựa chọn cho phù hợp học sinh trên địa bàn.

Tại Hội nghị triển khai năm học mới, Bộ GDĐT yêu cầu các cơ sở chủ động, linh hoạt, sáng tạo đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy, học. Chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể, khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục, điều kiện thực tế của người học. Bộ GDĐT có văn bản đề nghị UBND tỉnh, thành chỉ đạo Sở GDĐT, các trường tiếp nhận, tạo điều kiện cho các học sinh từ nơi khác đến, đang cư trú tại địa phương trong thời gian phòng chống dịch được vào học tập tại các trường trên địa bàn theo nguyện vọng trong năm học mới. Khi dịch bệnh được kiểm soát, những học sinh này muốn quay trở lại trường cũ, các Sở GDĐT, các nhà trường tạo điều kiện xác nhận kết quả học tập đúng quy định.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GDĐT đánh giá: Các trường cần linh hoạt trong việc giảng dạy, khi dịch căng thẳng nên xây dựng kế hoạch học trực tuyến; khi dịch ổn định, phải tận dụng thời gian học sinh đến trường để tương tác thầy trò, dạy bù phù hợp, đảm bảo thực hiện kế hoạch năm học. Năm 2020, Bộ GDĐT có hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung cấp THCS - THPT, trong đó thực hiện tinh giản kiến thức các môn học. Trong khi đó, Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu ý kiến: Nhiều gia đình chưa sắm đủ thiết bị, đường truyền internet cho các con, nên phương án cần linh hoạt. Sở GDĐT các tỉnh cần tính phương án phối hợp với Đài truyền hình, thực hiện dạy học qua kênh này. Ngoài ra, chương trình học nên đăng lên website của Sở để học sinh, phụ huynh có thể nắm thêm kiến thức khi cần.

Võ Hóa