5 năm (2016-2021), Hội CCB tỉnh Phú Thọ đã minh chứng được hiệu quả và sức lan tỏa sâu rộng của phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Phong trào tạo động lực giúp nhiều hội viên CCB vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, khẳng định truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trên trận tuyến mới, góp phần tích cực vào sự  phát triển KT-XH của địa phương.

Nhằm tạo sự lan tỏa trong thực hiện phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, thời gian qua, Hội CCB các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền đường lối, chính sách đổi mới phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước, chương trình phát triển kinh tế của tỉnh, qua đó, tạo sự đồng thuận cao trong hội viên CCB.

Hằng năm, các cấp Hội tổ chức khảo sát nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh(SXKD), đời sống của hội viên, từ đó xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện phong trào phù hợp với đặc điểm của từng cấp Hội. Quá trình thực hiện gắn kết chặt chẽ với chương trình mục tiêu quốc gia "Xây dựng Nông thôn mới", chương trình giảm nghèo bền vững.

Để triển khai thực hiện phong trào đạt hiệu quả như mong muốn, Hội CCB tỉnh tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, chuyển giao khoa học, kỹ thuật; thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm, tọa đàm chuyên sâu trong từng lĩnh vực, từng loại hình đặc biệt là ở cấp cơ sở; chỉ đạo các cấp Hội vận động thành lập các Câu lạc bộ SXKD theo nhóm ngành, đặc thù; thành lập Tổ hợp tác, HTX, CLB Doanh nhân CCB để tạo điều kiện cho hội viên giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm giúp đỡ lẫn nhau trong SXKD để cùng phát triển. Hiện tại, Hội CCB trong tỉnh có 224 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 65 HTX, 15 tổ hợp tác sản xuất; 4.708 hộ kinh doanh dịch vụ, tạo việc làm cho trên 16.000 lao động.

Trong quá trình tổ chức thực hiện phong trào, Hội CCB các cấp gắn kết chặt chẽ hoạt động kinh tế của Hội với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương và lồng ghép với các dự án, chương trình có cùng mục tiêu, cùng đối tượng trên địa bàn để đạt hiệu quả tối ưu.

Hiện nay, Hội đang quản lý vốn vay tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH với tổng dư nợtrên 1.093 tỷ đồng với 3.830 Tổ tiết kiệm - vay vốn, không có tổ yếu và nợ xấu, nợ quá hạn thường ở mức 0,14% trở xuống. Từ nguồn dư nợ này, đã tạo thêm việc làm thường xuyên và thời vụ cho hơn 12.200 lao động. Dư nợ vốn vay từ Quỹ "Quốc gia giải quyết việc làm” với tổng dư nợ đạt trên 6,3 tỷ đồng cho gần 50 dự án phát triển kinh tế của hội viên CCB vay vốn.

Ngoài ra, hội viên còn vay vốn các tổ chức tín dụng khác để phát triển kinh tế với mức vay tính đến tháng 6-2021 là 549 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho gần 19.000 lao động. Quỹ nội bộ Hội giúp nhau phát triển kinh tế trên 68 tỷ đồng, giải quyết việc làm được gần 15.000 lao động. Các nguồn dư nợ và quỹ Hội quản lý cho hội viên vay chủ yếu để sản xuất, chăn nuôi, hỗ trợ phát triển trang trại, gia trại và một phần nhỏ cho giải quyết tức thời những rủi ro, khó khăn đột xuất.

Trên các lĩnh vực SXKD, các CCB nỗ lực khắc phục khó khăn, tìm tòi, học hỏi những phương pháp mới, cách làm hay, phù hợp với thực tế địa phương, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng, doanh thu. Điển hình là CCB Nguyễn Minh Quốc - Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty thương mại Nam Cường - phường Vân Cơ, Việt Trì. Với ngành nghề chính là kinh doanh xe ô tô và dịch vụ vận tải, doanh nhân CCB Minh Quốc đã chèo lái đưa doanh nghiệp vững bước đi lên. Năm 2020, doanh thu của Công ty đạt trên 200 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 120 người lao động (trong đó có nhiều CCB), thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/tháng. Ngoài kinh doanh giỏi, doanh nghiệp của ông luôn là điểm sáng thực hiện tốt trách nhiệm với cộng đồng. Hay CLB doanh nhân CCB huyện Phù Ninh gồm 21 thành viên với các ngành nghề kinh doanh khác nhau, đã tạo việc làm thường xuyên cho 230 lao động, với thu nhập ổn định từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. HTX dịch vụ SXKD tổng hợp Thanh Bình do hội viên Đỗ Doãn Thành, thương binh hạng 2/4 thuộc Hội CCB thị trấn Thanh Thuỷ, huyện Thanh Thủy, làm Giám đốc với ngành nghề là dịch vụ môi trường, có mức thu gần 70 triệu đồng/tháng, giải quyết việc làm cho 10-15 lao động với mức lương từ 4-5 triệu đồng/tháng/người và được đóng bảo hiểm đầy đủ theo quy định. Trong lĩnh vực trang trại có CCB, thương binh 2/4 Vũ Hữu Lợi, đã mạnh dạn đầu tư trồng được 3.700 cây bưởi Diễn trên diện tích 8,6ha cho thu hoạch, tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định 10 lao động. CCB, thương binh hạng 4/4 Nguyễn Chí Thịnh, xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê mạnh dạn nhận và cải tạo 8ha đất trồng rừng, 1ha đất trồng cây ăn quả, trong đó trồng được trên 300 cây bưởi Diễn, 3.000m2 diện tích ao thả cá, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm và gần 100 đàn ong lấy mật, hằng năm sau khi trừ mọi chi phí, cho thu nhập trên 500 triệu đồng...  

Từ thực tiễn trên cho thấy, phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2016-2021 của tỉnh Phú Thọ khơi dậy được sự đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường của mỗi hội viên CCB. Đây cũng là động lực để cán bộ, hội viên nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, xứng danh người lính Cụ Hồ trên trận tuyến xóa đói giảm nghèo;góp phần tích cực trong việc phát triển KTXH ở địa phương. Đến nay, hộ hội viên nghèo còn 1,7%; tỷ lệ hộ CCB cận nghèo giảm còn 2,38%; tỷ lệ hộ CCB khá và giàu đạt 61%, tăng 17% so với năm 2016.

Lê Quang Đại - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Phú Thọ