Cựu chiến binh Phạm Văn Khôi tặng gạo và trứng cho công nhân lao động ở trọ

Họ là những người lính đã để lại tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất, có người đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường, trở về đời thường, vượt qua đau thương mất mát, dù bệnh tật vẫn hăng hái xây dựng quê hương. Không góp được sức người, họ sẵn sàng góp “sức của” cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương.

Không góp sức thì góp của

Đến xã Phước Hòa (huyện Phú Giáo), nhắc đến cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Hữu Vận, ai cũng nói ngay về ông Năm Vận nổi tiếng hay làm từ thiện giúp đỡ các gia đình chính sách, bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa; người dân khó khăn trong vùng… Ông Vận sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống cách mạng ở Nghệ An. Khi tròn 16 tuổi, ông Vận đã cầm súng tham gia chiến đấu ở chiến trường theo tiếng gọi của quê hương tại Cục Hậu cần Miền và Chiến khu Đ. Năm 1977, đang là thương binh hạng 1/4, ông chuyển về làm việc tại Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam). Đến năm 2012, ông nghỉ hưu theo chế độ. Không khuất phục đói nghèo, sau khi trở về địa phương, bằng ý chí, nghị lực của một người lính Cụ Hồ, ông quyết tâm tập trung sản xuất, phát triển kinh tế gia đình với mô hình kinh tế trang trại, phát triển nhiều loại cây như bưởi da xanh, cao su… Nhờ việc cập nhật, áp dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất và với tư duy của người làm kinh tế nhạy bén, ông đã vươn lên vượt khó làm giàu ngay tại địa phương.

Bao nhiêu năm phát triển kinh tế ổn định cũng là chừng ấy năm ông Năm Vận “xắn tay” miệt mài với công tác thiện nguyện, nổi tiếng là một nhà hảo tâm trong vùng. Trong những ngày dịch bệnh bùng phát, do tuổi cao, sức cũng đã yếu nên ông không thể xung phong trực tiếp ra trận chiến chống dịch Covid-19. Không góp sức được thì  góp của, bằng tấm lòng của mình, ông đãủng hộgần 600 triệu đồng chung tay phòng, chống dịch bệnh ở địa phương. Khi dịch bệnh đến, nhiều người dân trong vùng thất nghiệp, nhiều công nhân ở trọthiếu ăn bởi không lương, không thu nhập. Không thể làm ngơ, ông đã nhờ các con cháu của mình mua 10 tấn gạo, hàng ngàn gói bột ngọt, mì gói… để phát 2.350 phần quà cho người dân nghèo trong vùng. Không dừng lại ở đó, tấm lòng của người CCB Năm Vận còn lan tỏa tới những người dân trong khu cách ly, những cán bộ các chốt trực ở Phú Giáo và bệnh viện dã chiến (huyện Bàu Bàng) bằng những suất cơm, chai nước rửa tay và tiền mặt nhằm động viên tinh thần những người đang ở tuyến đầu chống dịch.

Ông Vận chia sẻ: “Sinh ra ở vùng quê nghèo, thấm thía những cái đói, khổ của người dân nên tôi không thể không thương xót. Do tuổi cũng đã cao, tôi không thể tham gia vào tuyến đầu chống dịch nên muốn san sẻ chút lương thực, thực phẩm để giúp người dân nghèo vượt qua khó khăn trong lúc tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Ngoài ra, gia đình tôi cũng muốn động viên lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch. Mặc dù không nhiều, nhưng tôi hy vọng sự chung tay của chúng tôi làm họcảm thấy ấm lòng, vững tin hơn trên chiến tuyến…”

“Lá lành đùm lá rách”

Chia tay ông Vận, chúng tôi tìm đến gặp CCB Phạm Văn Khôi (khu phố 1, phường Hội Nghĩa, TX.Tân Uyên), một nhàhảo tâm tích cực tham gia ủng hộphòng, chống dịch bệnh. Năm 1982, ông Khôi tham gia vào quân đội ở Trung đoàn E72 ở Cam Ranh, tỉnh Phú Khánh (tỉnh Khánh Hòa ngày nay). Năm 1986, ông xuất ngũ và lập gia đình rồi vào Bình Dương lập nghiệp, làm công nhân tại Công ty Cổphần Cao su Phước Hòa. Được một thời gian, ông nghỉđể về xây dựng kinh tế gia đình ở TX.Tân Uyên.

Ông Khôi cho biết đáng lẽ giờ này ông đang tham gia cùng các CCB thực hiện nhiệm vụtại các chốt kiểm soát phòng dịch hay các Tổ Covid cộng đồng trong khu phố. Lý do ông không thểtham gia vìgia đình phải tự cách ly ở nhà do cóliên quan đến trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Không tham gia được hoạt động gì nên ông nảy ra ýđịnh mua gạo và trứng về phát cho công nhân lao động ở trọ. Nói là làm, hết thời gian cách ly tại nhà, ông và 2 người con chia nhau đi phát từng bao gạo, chục trứng đến từng phòng trọ xung quanh nơi ở. Chị Lê Thị Hồng, công nhân lao động ở trọ khu phố 1, phường Hội Nghĩa, chia sẻ: “Tấm lòng của chú Khôi khiến cho người ở trọ chúng tôi thêm ấm lòng. Khi dịch bệnh bùng phát, nhiều người thất nghiệp, tiền ăn tiền uống cạn dần nên khi được nhận bao gạo, chục trứng chúng tôi quýlắm”. Ông Khôi cho biết: “Gia đình tôi cũng chẳng góp được gì nhiều ngoài 2 tấn gạo và 4.000 quả trứng. Mặc dù không phải là to tát gì cho lắm nhưng tôi nghĩ ở thời điểm này cần sự chung sức của rất nhiều người. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, tôi hy vọng chút đóng góp của mình sẻ động viên tinh thần những người dân khó khăn, đặc biệt là công nhân lao động ở trọ”.

Nói về những tấm lòng của các CCB chung tay ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh, ông Phạm Tường Liêm, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, lực lượng CCB trong tỉnh đã rất hăng hái tham gia các mặt trận trong cuộc chiến chống Covid-19. Đặc biệt, trong đợt dịch bệnh Covid-19 thứ4 này, nhiều hội viên CCB đã hỗ trợ người dân, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn vượt qua dịch bệnh. Dù ít hay nhiều, các CCB đã nhiệt tình hưởng ứng đểchung tay đẩy lùi dịch bệnh, mang lại sựbình yên cho cuộc sống của người dân”.

HUỲNH THỦY