Peter Ben Embarek - Trưởng phái đoàn Điều tra của WHO, giơ biểu đồ hiển thị đường lây nhiễm nCoV trong buổi họp báo tại Vũ Hán (Trung Quốc) ngày 9-2.

Trong khoa học, mọi phương án đều có thể được đưa ra, mọi giả thuyết đều được lắng nghe và quan trọng nhất vẫn cần phải có những bằng chứng để chứng minh giả thuyết là đúng hoặc sai. Cả 100 năm nay, đúng hay sai trong khoa học rất công bằng vì nó tác động tích cực cho sự phát triển của xã hội loài người. Vậy nhưng, giả thuyết về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 lại chẳng theo chiều hướng đó mà lại có “mùi” nửa phần khoa học, nửa phần chính trị bởi chính nguồn gốc của nó chưa được xác minh rõ ràng và cũng chưa thấy sự hợp tác chân thành để chứng minh cho nguồn gốc của nó.

Trong khi cả thế giới đang vật lộn chống lại đại dịch và tìm ra những phương cách tốt nhất để nhanh chóng đưa thế giới sang giai đoạn “bình thường mới” thì những tranh cãi về khoa học bỗng nhuốm màu chính trị. Mọi chuyện bắt đầu khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 12-8 lại yêu cầu Trung Quốc chia sẻ dữ liệu thô từ những ca nhiễm nCoV đầu tiên, đồng thời cấp phép kiểm tra lại các mẫu trong phòng thí nghiệm. Tháng trước, họ cũng yêu cầu mở cuộc điều tra giai đoạn hai, bao gồm kiểm tra các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Như vậy, sau cuộc điều tra ban đầu với những kết luận mà chẳng ai hiểu virus từ đâu mà ra thì thông báo của WHO lần này cho thấy họ chưa tin vào kết quả đó và vẫn nghi ngờ về sự hợp tác của Trung Quốc trong kết luận sơ bộ.

Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh nhắc lại lập trường cho rằng cuộc điều tra hồi đầu năm 2021 đã là quá đủ khi “chốt” rằng những kết luận và khuyến nghị trong báo cáo chung của WHO và Trung Quốc đã được cộng đồng quốc tế và giới khoa học công nhận và rằng việc xác định nguồn gốc đại dịch trên toàn cầu trong tương lai nên và chỉ có thể được tiếp tục dựa trên báo cáo này, thay vì một khởi đầu mới”.

Câu chuyện virus từ đâu mà ra, trong khi chưa có bằng chứng khoa học, trở thành câu chuyện chính trị quan trọng hàng đầu. Rõ ràng, khi chưa có bằng chứng khoa học hoặc sự hợp tác chưa khiến các bên hài lòng thì đó là chỗ cho mọi thuyết âm mưu và lợi dụng chính trị. Rõ ràng, Trung Quốc chưa giang đủ rộng cánh tay để đón những nhà khoa học vào nghiên cứu về nguồn gốc virus bởi việc họ từ chối những nỗ lực điều tra của cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, giới chuyên gia dường như ngày càng quan tâm đến giả thuyết virus có thể bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Ngay cả Giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng từng nói rằng cuộc điều tra ban đầu về các phòng thí nghiệm virus học ở Vũ Hán chưa đi đủ xa. Tổng thống Mỹ - Joe Biden hồi tháng 5 vừa qua yêu cầu cộng đồng tình báo Mỹ mở cuộc điều tra riêng về nguồn gốc Covid-19.

Đã thế, Peter Ben Embarek - người dẫn đầu cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong bộ phim tài liệu phát sóng tối 12-8 trên kênh truyền hình Đan Mạch TV2 cho biết các nhà khoa học Trung Quốc trong nhóm đã tìm cách tác động tới báo cáo kết quả điều tra. Ông tiết lộ: “Ban đầu, họ không muốn đưa bất kỳ điều gì về giả thuyết nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm vào báo cáo, bởi họ cho rằng điều này không có khả năng xảy ra, nên không cần lãng phí thời gian vào đó. Chúng tôi kiên quyết đưa vào bởi vì nó là một phần của toàn bộ vấn đề về nguồn gốc virus”. Sau cuộc thảo luận kéo dài trước khi kết thúc nhiệm vụ, Ben Embarek cho biết người đồng cấp phía Trung Quốc cuối cùng đã đồng ý đưa giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm vào báo cáo “với điều kiện chúng tôi không khuyến nghị thêm bất kỳ nghiên cứu cụ thể nào để tìm hiểu sâu hơn về giả thuyết đó”.

Vậy dư luận cần gì? Trung Quốc không thể thuyết phục được thế giới nếu không có kết quả điều tra khách quan từ bên ngoài, tốt hơn hết đó là người của WHO. Hiện nay, WHO đang đề nghị Trung Quốc hợp tác để tiếp tục điều tra và đề nghị này liên tiếp bị phản đối. Đó chính là lý do cho mọi thuyết âm mưu, mọi giả thuyết về nguồn gốc không rõ ràng của loại virus đang khuynh đảo thế giới. Càng chậm có kết quả của một cuộc điều tra khách quan, mọi giả thuyết đều có thể. Câu trả lời trông chờ từ phía Trung Quốc.

Thanh Huyền