Cắm cờ trên Kỳ đài Huế

Chàng thanh niên Đặng Văn Việt từ Huế ra Hà Nội học Trường Y dược từ năm 1942 và được tiếp xúc với phong trào yêu nước, bắt đầu giác ngộ cách mạng. Sau ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, Đảng ta có chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” nên phong trào Việt Minh sôi nổi, phát triển rầm rộ từ Bắc chí Nam. Đặng Văn Việt trở về Huế vào học tiếp ở Trường Thanh niên tiền tuyến (tên đầy đủ là Trường Võ bị Thanh niên tiền tuyến). Đó là một trường huấn luyện quân sự trực thuộc Bộ Thanh niên của Chính phủ Trần Trọng Kim nhưng do những trí thức yêu nước theo Việt Minh dẫn dắt. Học viên Trường Thanh niên tiền tuyến hầu hết là những sinh viên các trường đại học ở Đông Dương, một số đã là cơ sở của Việt Minh. Hai ông Phan Anh và Tạ Quang Bửu (các ông sau này làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngay những năm đầu thành lập nước) tổ chức huấn luyện, hướng họ về với cách mạng.

Sau khi Hà Nội giành chính quyền ngày 19-8; đêm 20-8, hai thanh niên Đặng Văn Việt và Nguyễn Thế Lương (sau này là Thiếu tướng Cao Pha) được ông Trần Hữu Dực giao nhiệm vụ sáng ngày 21-8 treo cờ cách mạng lên Kỳ đài Huế. Cả đêm hồi hộp không ngủ, sáng ra hai người nai nịt gọn gàng trong quân phục chỉnh tề, đầu đội ca-lô kiểu kỵ binh mã vàng, đi ghệt cao cổ của ngự lâm quân trông rất oai phong. Lá cờ đỏ sao vàng dài 12m rộng 8m được cuộn tròn gác lên hai chiếc xe đạp, hai người đẩy xe thẳng tiến về phía kỳ đài. Đặng Văn Việt dõng dạc nói với viên chỉ huy lính bảo vệ: “Theo lệnh Ủy ban Kháng chiến Trung bộ, chúng tôi có nhiệm vụ treo cờ cách mạng lên cột cờ thay cờ quẻ ly, các anh giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”. Có lẽ lính triều đình biết tin ngoài Hà Nội nhân dân đã giành chính quyền, thấy rõ khí thế cách mạng nên lúng túng không phản ứng gì. Hai người hạ lệnh tiếp: “5 lính buộc cờ đỏ sao vàng vào dây kéo ròng rọc đưa cờ lên cao, hạ cờ nhà vua xuống”. Khi cờ đỏ đã lên đỉnh cột, hai người đứng nghiêm đưa tay chào cờ, viên chỉ huy và lính pháo đùng ngoan ngoãn làm theo. Thấy cờ nhà vua bị hạ xuống, viên chỉ huy đại đội lính khố vàng ra lệnh cả 120 tay súng chĩa về phía Đặng Văn Việt và Nguyễn Thế Lương rồi báo vua Bảo Đại. Sau khi hỏi ý kiến Hoàng hậu Nam Phương, vua Bảo Đại ra lệnh: Không được bắn. Lúc đó là trưa ngày 21-8-1945, cờ đỏ sao vàng tung bay, nhân dân Huế mừng vui chào đón cách mạng. Mấy ngày sau các ông Trần Huy Liệu, Huy Cận từ Hà Nội vào thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời nhận thoái vị và ấn tín từ Bảo Đại, hoàn thành giành chính quyền ở Huế (ngày 25-8-1945).

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, kháng chiến chống thực Pháp bùng nổ. Ông Đặng Văn Việt gia nhập quân đội và nhanh chóng trưởng thành theo cuộc kháng chiến. Trong Chiến dịch Biên Giới thu - đông 1950, trên cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, ông đã chỉ huy đơn vị lập công lớn, được chỉ huy và binh lính Pháp gọi là “hổ xám đường số 4”.

Tuổi cao chí càng cao

Năm 1960, ông Đặng Văn Việt chuyển ngành ra làm Cục phó Cục kiến thiết cơ bản, Bộ Xây dựng. Ở môi trường công tác mới ngoài dân sự khoảng 20 năm, ông vẫn phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, ham học hỏi nên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ như khi là người lính Cụ Hồ. Được nghỉ hưu năm 1980, khi đó kinh tế cả nước còn khó khăn, ông vẫn chăm chỉ làm thêm để trang trải cuộc sống như bao người khác. Ông mượn đất của bên nhà vợ ở Khương Đình để trồng rau, chăn nuôi. Tại đây ông được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi cùng Thiếu tướng Trần Minh Đức ở Hội CCB Hà Nội đến thăm. Dù tuổi rất cao nhưng ông vẫn minh mẫn, dành thời gian viết sách và dịch sách. Mấy năm nay (trừ những đợt nghỉ vì dịch Covid-19), Trung tâm Thể dục thể thao Ba Đình vẫn thấy ông thi thoảng tự đi xe máy 3 bánh đến sân quần vợt trò chuyện với hội viên, cùng anh em thưởng thức cốc bia hơi lúc cuối chiều. Mọi người cho hay, khoảng 15 năm trước, tuy đã gần 90 tuổi ông vẫn chơi quần vợt, còn bây giờ mỗi khi cao hứng ông tham gia Câu lạc bộ khiêu vũ. Thật thán phục một con người bền bỉ rèn luyện sức khỏe và yêu thể thao, yêu cái đẹp. Ông Đặng Văn Việt, người gắn với nhiều giai thoại hùng tráng và cả những khó khăn cùng nghị lực vượt qua đáng sẻ chia, học tập. Có lẽ đến nay, ông là người duy nhất còn sống đến hơn 100 tuổi của lứa sĩ quan QĐND Việt Nam được phong cấp hàm lần đầu tiên năm 1948, người Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 174 chủ lực, người đã đánh thắng hơn 100 trận thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Cờ đỏ sao vàng do ông Đặng Văn Việt và ông Cao Pha kéo lên Kỳ đài Huế ngày 21-8-1945 là một trận đánh không tiếng súng, không hy sinh đổ máu cũng là một thành công, một kỷ niệm sâu sắc, có ý nghĩa lớn lao đối với CCB Đặng Văn Việt.

Nguyễn Nhân Tỏ