Chủ tịch Nguyễn Văn Được và Đoàn công tác Hội CCB Việt Nam đặt bia bên hàng thông CCB Việt Nam tại Vũng Chùa, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: ĐOÀN ANH HẢI

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những người học trò gần gũi, xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh; vị Tổng Tư lệnh tài ba, lỗi lạc, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam; một vị Tướng huyền thoại, “Đại tướng của nhân dân” được nhân dân cả nước và thế giới tôn vinh.

Với con mắt nhìn người và tài dùng người đặc biệt, trong quá trình tổ chức và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác Hồ đã sớm nhìn thấy tài năng, đức độ, thiên tướng của đồng chí Võ Nguyên Giáp và giao cho đồng chí nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội ta (ngày 22-12-1944). Cũng từ đó, dưới sự lãnh đạo của T.Ư Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã cùng Bộ Thống soái tối cao đưa Quân đội ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Việt Nam Giải phóng quân là chủ lực quân cùng toàn dân tiến hành

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công chỉ trong hơn một tuần. Tiếp đó, khởi đầu với gậy tầm vông, giáo mác, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, bằng một Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong cuộc đối đầu với tên sen đầm quốc tế là đế quốc Mỹ; dưới sự lãnh đạo của T.Ư Đảng và Bác Hồ, tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục tỏa sáng; cùng Bộ Thống soái tối cao lãnh đạo quân và dân ta đánh bại lần lượt các chiến lược chiến tranh xâm lược của Mỹ. Kế thừa và phát huy tới đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam, khi “Thế của ta là thế đứng trên đầu thù”, tư tưởng chỉ đạo “Đánh chắc thắng” - “Đánh chắc, tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đã được Đại tướng Tổng Tư lệnh phát triển thành “Thần tốc - Táo bạo - Quyết thắng!” trong chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc toàn thắng sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Khi cầm quân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị Tổng Tư lệnh, là người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi thôi việc quân, Đại tướng là người có công thành lập và xây dựng Hội CCB Việt Nam, là Chủ tịch Danh dự của Hội từ khi thành lập cho đến khi Đại tướng từ trần. Suốt 24 năm (từ 1989-2013), Hội CCB Việt Nam, CCB, CQN thường xuyên được Đại tướng đặc biệt quan tâm. Anh Văn - Đại tướng - Chủ tịch Danh dự của Hội là niềm tự hào, là điểm tựa tinh thần vững chắc cho cán bộ, hội viên CCB, CQN trong cả nước.

Trên cương vị Chủ tịch Danh dự Hội CCB Việt Nam, Đại tướng đã nhiều lần dự các kỳ Đại hội toàn quốc Hội CCB Việt Nam; thăm, làm việc với Cơ quan T.Ư Hội và một số Hội CCB tỉnh, thành phố; gặp gỡ thăm hỏi, động viên các CCB, thương binh… Những lần đó, Đại tướng đã dành cho Hội CCB, các CCB những lời căn dặn, động viên vừa mang tính chỉ đạo, vừa rất đỗi thân tình. Qua những bài phát biểu, thư gửi Hội…, đã thể hiện tư tưởng của Đại tướng về xây dựng Hội CCB Việt Nam: Trung thành - Đoàn kết - Gương mẫu - Đổi mới.

Nói về Trung thành, kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng; tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN, trong bài phát biểu tại Đại hội Hội CCB T.P Hà Nội lần thứ nhất, ngày 16-12-1992, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “…CCB là những người con ưu tú của đất nước, đã dành phần lớn tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng Tổ quốc. Ngày nay trong bất cứ tình huống nào, CCB đều phải giữ vững phẩm chất, phải vững vàng, kiên định…”.

Cũng với Trung thành, kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng, trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Hội CCB Việt Nam (6.12.1989 - 6.12.1999), Đại tướng Võ Nguyên Giáp phấn khởi bày tỏ:

“…Kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Hội CCB Việt Nam, đông đảo hội viên chúng ta lấy làm tự hào - tự hào nhưng không tự mãn, là trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo của T.Ư Đảng, của MTTQ Việt Nam, Hội… đã làm tốt nhiệm vụ do Đảng đề ra, được T.Ư đánh giá cao, là lực lượng tin cậy của Đảng, của nhân dân. Đó là một thành công lớn…”. Từ nhận định trên, Đại tướng chỉ rõ một trong những nhiệm vụ của Hội: “Trong tình hình mới, trong mọi tình huống, cần kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, cần giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Đó là yêu cầu cơ bản nhất…”.

Phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ để xây dựng Hội CCB Việt Nam trong sạch, vững mạnh, với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không thể không coi trọng Đoàn kết.

Phát biểu tại Đại hội lần thứ nhất Hội CCB T.P Hà Nội, Đại tướng căn dặn: “Hội CCB phải đoàn kết, khiêm tốn. Đoàn kết với mọi lực lượng trong Mặt trận. Trước hết, phải tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và quan hệ với cấp ủy và chính quyền. Phải đoàn kết và có quan hệ tốt với các đồng chí đang tại ngũ, tại chức…”.

Cũng với tư tưởng Đoàn kết, trong bài phát biểu tại Đại hội toàn quốc Hội CCB Việt Nam lần thứ III (16-28/12/2002), Đại tướng chỉ rõ: “… Đoàn kết là truyền thống quý báu của Đảng ta; thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Đoàn kết đoàn kết, đại đoàn kết”, CCB phải luôn nêu cao tinh thần đồng đội, đoàn kết thương yêu lẫn nhau, đoàn kết giữa các CCB và bộ đội tại ngũ, tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của chính quyền, đoàn kết với các đoàn thể trong Mặt trận, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. CCB phải khiêm tốn học tập, tăng cường rèn luyện, kiên quyết đấu tranh chống mọi hoạt động bè phái, chia rẽ nội bộ, tiếp tay cho âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch…”.

Đại tướng luôn tâm niệm, hơn ai hết, là những người được rèn luyện trong “Trường học lớn” quân đội, đặc biệt đã qua thử thách chiến tranh, CCB phải luôn Gương mẫu. Tháng 7-1999, nhân vào thăm T.P Hồ Chí Minh, Đại tướng đã tới thăm Hội CCB thành phố, và phát biểu: “…Nhiệm vụ của các đồng chí là phải… tham gia vào các phong trào, phong trào lớn nhất là đoàn kết xây dựng cơ sở vững mạnh, xây dựng gia đình tiến bộ, gia đình văn hóa. CCB phải đi trước, gia đình phải gương mẫu… Muốn giáo dục thanh niên, phải giáo dục cho con em mình trước, làm sao để Hội CCB là Hội trong sạch nhất…”.

Tiếp đó, trong thư gửi Đại hội toàn quốc Hội CCB Việt Nam lần thứ IV (ngày 12-14/12/2007), Đại tướng có viết: “…Hội của chúng ta, ngay từ ngày thành lập cho đến nay đã có những phong trào tốt như phong trào phấn đấu trở thành “Hội viên CCB gương mẫu”, “Tổ chức Hội trong sạch vững mạnh”, “Gia đình CCB văn hóa”… Tôi đề nghị Hội duy trì chỉ đạo chặt chẽ các phong trào này và tham gia nghiên cứu hình thức tập hợp, động viên CQN có hiệu quả để góp phần giáo dục, động viên CCB, CQN tiếp tục phát huy vai trò trong giai đoạn mới”.

Điều mà Đại tướng luôn quan tâm đến Hội CCB và CCB là tinh thần Đổi mới, là làm sao “cựu” mà không cũ, không bảo thủ. Trong bài phát biểu tại Đại hội Hội CCB T.P Hà Nội lần thứ nhất, Đại tướng đã bày tỏ lòng mong mỏi, tin tưởng của mình: “Các đồng chí là CCB. Nhưng cựu mà không cũ, cựu mà mới. Các đồng chí hãy luôn tiếp thu cái mới, thấm nhần đường lối đổi mới của Đảng”.

Đại tướng thật sự phấn khởi trước tinh thần đổi mới của Hội CCB, của các CCB. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Hội CCB Việt Nam, Đại tướng khẳng định: “Những năm qua, chúng ta đã đổi mới, nay càng phải đổi mới hơn nữa. Vừa qua, chúng ta đã thành công do “cựu” nhưng không cũ, “cựu” lại biết đổi mới. Trong cái “cựu” có quá trình chiến đấu và rèn luyện phẩm chất, tài năng. Nhưng cái “cựu” quý giá đó cũng có khi là một trở ngại để ta tiếp tục đổi mới. Cho nên, chúng ta không thể thỏa mãn với bước đổi mới vừa qua. Sắp tới chúng ta phải tiếp tục đổi mới, đổi mới hơn nữa; sáng tạo, sáng tạo hơn nữa. Muốn đổi mới, sáng tạo hơn nữa, trước hết phải trên cơ sở giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ…”.

Về phần mình, Ban Chấp hành T.Ư Hội CCB Việt Nam các nhiệm kỳ và các cấp Hội cũng như cán bộ, hội viên trong cả nước luôn thấm nhuần những lời giáo huấn, căn dặn của Đại tướng; thể hiện bằng những việc làm thiết thực hằng ngày. Niềm kính trọng, tri ân sâu sắc đối với Đại tướng Võ Nguyễn Giáp - Chủ tịch Danh dự của Hội thể hiện bằng niềm tiếc thương vô hạn của các thế hệ CCB Việt Nam khi Đại tướng từ trần. Từ ngày 8-13/10/2013, hàng chục nghìn CCB cả nước đã tụ về nhà số 30 phố Hoàng Diệu dâng hương; tham gia Lễ viếng, Lễ truy điệu Đại tướng tại Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh và Lễ an táng tại Vũng Chùa, Quảng Bình. Từ đó đến nay, hằng năm nhiều tổ chức Hội, hội viên CCB cả nước lại hành hương về Vũng Chùa thăm viếng mộ Đại tướng. Thân thế, sự nghiệp và tình cảm của Đại tướng vẫn vẹn nguyên trong con tim, tình cảm của các CCB.

Lòng biết ơn, tri ân Đại tướng - Chủ tịch Danh dự của Hội, đã được cán bộ, hội viên CCB thể hiện sinh động bằng chung tay góp sức xây dựng Hội CCB Việt Nam trong sạch vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Đại hội toàn quốc Hội CCB Việt Nam lần thứ VI (13-15/12/2017) khẳng định: “…Từ khi ra đời đến nay, Hội đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, hoạt động tích cực, đúng hướng, có hiệu quả…

Những kết quả và thành tích mà Hội CCB Việt Nam đạt được trong thời gian qua là rất đáng trân trọng. Đảng và Nhà nước đánh giá cao hoạt động và những đóng góp của Hội CCB Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các đồng chí xứng đáng là một chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân… Xin chúc các đồng chí CCB, CQN luôn luôn là Bộ đội Cụ Hồ, mãi mãi là Bộ đội Cụ Hồ”.

Đặc biệt, tại Đại hội toàn quốc Hội CCB Việt Nam lần thứ IV, Hội CCB Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước tặng bức trướng mang dòng chữ: “Cựu chiến binh phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, Trung thành - Đoàn kết - Gương mẫu - Đổi mới”.

Tám chữ vàng “Trung thành - Đoàn kết - Gương mẫu - Đổi mới” của Đảng, Nhà nước khen tặng và lời chúc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chính là mong muốn, là niềm tin yêu của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Anh Văn đối với Hội CCB Việt Nam!

Thượng tướng Nguyễn Văn Được - Chủ tịch Hội CCB Việt Nam