Báo tháng 8 - Tuyển thơ “Đàn bò lạc vào thành phố” của nhà thơ Phạm Hồng Nhật do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2016 gợi cho tôi rất nhiều cảm nghĩ trong.

Tuyển thơ in các bài không theo trình tự thời gian. Bài đầu tiên của tập là “Giấc ngủ của trẻ lang thang” viết năm 2012 ở Nha Trang, trong khi các bài thơ tiếp theo lại phần lớn ngược về trước, xuất hiện không theo trình tự, mà chỉ có bài cuối cùng của tập thơ, bài “Thanh Tùng với thơ” thì đúng là nhà thơ viết sau chót vào tháng 5-2016 tại T.P Hồ Chí Minh. Vậy phải chăng trong tuyển thơ này tác giả làm một cuộc du lịch trong tâm tưởng như có nhà thơ đã viết, đại ý, “Cuộc du lịch thú vị nhất là ngồi yên một chỗ và quan sát những chuyển động của lòng mình khi nhớ lại những gì đã trải qua...”.

Vậy tác giả đã trải qua những gì? Những gì gây ấn tượng mạnh nhất trong lòng tác giả? Phải chăng chính là những phận người. Không hề ngẫu nhiên khi tác giả mở đầu tuyển thơ của mình bằng bài “Giấc ngủ của trẻ lang thang”. Bình thường giấc ngủ của trẻ là biểu tượng cho cuộc sống thanh bình, hạnh phúc của con người, nhưng giấc ngủ của trẻ lang thang thì trái lại nó biểu tượng cho mọi nỗi vất vả, bất an... Ngủ trên cát, ven biển, lấy manh áo rách làm chăn. Cả thế giới trời, biển này là của các em, chỉ có áo cơm hằng ngày thì lại không phải thế. Câu thơ nghẹn đắng: “Sẽ về đâu? Hỡi giấc ngủ không màu/ Túi xách rỗng, ống quần táp túa/ Vai dặt dẹo gánh bao điều phải nhớ/ Với con đường giông bão đuổi sau lưng”.

Những phận người còn xuất hiện nhiều trong suốt tuyển thơ. Đó là người đàn bà vác đá ướp cá tươi. Ở cái nơi mà ngọn lúa không mọc được; ngô khoai cũng ít, con người làm mọi thứ để sống. Con người ở đây lại là một người đàn bà sức yếu, bao tải ướt quấn lưng, chân thô ráp, dáng nghiêng vẹo vì phải vác đá ướp cá tươi để kiếm ăn, nhà thơ chua xót: Người đàn bà vác buốt giá trên vai.

Còn đây nữa hình ảnh một Bà mẹ Việt Nam anh hùng có ba con là liệt sĩ khi nhận tấm Bảng ghi công: “Mẹ ngồi lẩn thẩn mẹ chia/ Đây phần mẹ cũng dành về các con/ Khóc thương thân phận đâu còn/ Bốn phần cả bốn mẹ trao về trời.”

Trong tuyển thơ có một bài mà tác giả lấy tên bài đặt cho cả tuyển là bài “ Đàn bò lạc vào thành phố”. Câu cuối bài thơ tác giả nói thẳng tuột đàn bò chính là tác giả: "Tôi người xa lạ , lạc vào thành phố...”, bài này tác giả viết ở T.P Hồ Chí Minh, năm 2012. Đọc kỹ bài này ta thấy tác giả viết về đàn bò nhưng trong thẳm sâu lại là những phận người. Phải chăng quá trình đô thị hoá tất yếu sẽ khiến người nông dân mất đất ruộng, nghề nghiệp khác thì không có, sống ngơ ngác giữa ngôi nhà gạch xây rất bề thế bằng tiền đền bù đất rồi lại sống vật lộn tiếp với các khoản tiền điện, tiền chữa bệnh, tiền cho con đi học...

Nói rộng ra, bài thơ này đề cập tới một bộ phận người dân không bắt kịp với những thay đổi của cuộc sống luôn có nguy cơ bị gạt sang bên lề hoặc bị vất lại đằng sau cuộc sống: Bò vào thành phố, bào nhiêu thổ lộ/ Thay đổi niềm tin, bớt đi nỗi khổ/ Mắt nai mở tròn, bàn tay vỗ vỗ.../ Đèn vàng, đèn đỏ/ Ô hô! Đèn xanh, biếc như là cỏ/ Ngã ba, ngã năm bốn bề bộn gió”. Hay nói cho cùng, tất cả chúng ta không trừ một ai đều có nguy cơ bị “bò hóa” trước những hiện thực biến đổi khó lường. Bài thơ còn ẩn chứa một thông điệp đắt giá: Chúng ta đừng vội, đừng nhìn “Đèn xanh, biếc như là cỏ...”, đừng mất phương hướng trước ngã ba, ngã năm cuộc đời. Hiểu thế, chúng ta trân trọng những chia sẻ của tác giả và cám ơn sự cảnh báo của nhà thơ. Bài “Đàn bò lạc vào thành phố” là một thành công về phép ẩn dụ trong nghệ thuật thi ca.

Đọc tuyển thơ này sẽ là thiếu sót nếu không nói đến những cảm nhận của tác giả, Nhà thơ - Công dân trước các sự kiện lớn của dân tộc, của thế giới. Có những cái tác giả tưởng chừng không thể xảy ra nhưng nó lại xảy ra dửng dưng, tàn nhẫn.

Trong bài “Nước Nga ơi” tác giả viết: “Giơ tay che bớt mùi son phấn/ Tóc vàng, tóc bạc vẫn đang mơ/ Tiếng Tây pha lẫn hơi rượu mạnh/ Nước Nga ơi! Thay chế độ như đùa!”.

Tôi nhớ đã đọc ở đâu câu :Vẻ đẹp nhất của người đàn ông là sự từng trải. Đọc tập thơ tuyển này quả thật tác giả đã đạt tới vẻ đẹp ấy. Bao nhiêu vùng đất đã đi qua, bao nhiêu biến cố đã nếm trải, đã hạnh phúc ở "Sau cơn mưa cuối cùng mùa hạ", đã trải lòng với bè bạn, với thành phố quê hương trong "Hải Phòng đêm lạnh", đã được khai tâm ở "Trước ngọn đèn"...

Cuối cùng xin nhắc tới một trong những bài thơ tôi yêu thích nhất trong tập đó là bài “Sông Hồng”. Sông Hồng, đó cũng là nhân vật trữ tình của tác giả để nhà thơ tâm sự trò chuyện với dòng sông, nhà thơ dành hết bao tình cảm trìu mến cho con sông ấy. Sông cũng như người quả thật luôn chuyển động. Quả thật sông là người thầy, người bạn lớn của nhà thơ: “Nước đỏ ngầu, sông cống hiến bến bờ/ Bao sủi bọt bao réo gầm từ đấy/ Sông Hồng lớn dạy ta khôn bớt dại/ Dạy vươn mình trong nước lạnh phù sa”.

Con sông còn gắn với người con gái mình yêu, gắn với lịch sử giữ nước của dân tộc, chảy suốt trong trang thơ của tác giả cũng như trong nền thi ca dân tộc, trong chiều dài ký ức đời người: “Em đang phù du ngược nước sông Hồng/ Lặn ngụp giữa những câu thơ giữ nước/ Chìm đắm vào những điều đang viết/ Xen kẽ bao ký ức xa xăm”. Sông Hồng như đã ở trong máu thịt của tác giả, còn gì có thể thân thương hơn, thiêng liêng hơn “Em ở tít tắp xa gồng gánh đến tìm tôi/ Tôi đã sẵn Sông Hồng từ đời trước.../ Vịn vào Sông Hồng - vịn bờ vai quen thuộc/ như vịn vào huyền thoại cổ/ Sông Mơ.

Đọc tuyển thơ của nhà thơ Phạm Hồng Nhật, không hiểu sao tôi lại nhớ đến bốn câu thơ đề tựa trong truyện ngắn "Tình yêu cuộc sống" của nhà văn Jac-lơn-đơn trong những ngày tôi trở lại nước Pháp. Xin chép ra ở đây cũng là để kết thúc bài viết: “Điều này còn lại với đời/ Những người đã sống, những người dám chơi/... Dám chơi là đã được rồi/ Dù vàng đặt cược ngày dần mất đi”.

Văn Minh Thiều