Trung tướng Nguyễn Bình (1908 - 1951).

Báo tháng 8 - Trong các tướng lĩnh của Quân đội ta thời đại Hồ Chí Minh, Trung tướng Nguyễn Bình thực sự là bậc danh tướng, một vị tướng huyền thoại, với những dấu ấn đặc biệt của vị Tư lệnh “Đệ Tứ chiến khu” và Khu trưởng “Khu Duyên hải Bắc Bộ” trong Cách mạng Tháng Tám. Nhất là trên chiến trường Nam Bộ với những cống hiến xuất sắc của ông trong thống nhất các lực lượng vũ trang, tổ chức lực lượng chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược theo sự ủy thác đầy tin cậy của Bác Hồ...

Tham gia hoạt động yêu nước, chống thực dân xâm lược từ khi mới 16 tuổi, còn là học sinh ở Hải Phòng, Nguyễn Bình tham gia bãi khóa phản đối chế độ hà khắc của thực dân Pháp, năm 1925. Năm 1926, ông lãnh đạo phong trào học sinh ở Hải Phòng để tang cụ Phan Chu Trinh, rồi lên tàu viễn dương đi Pháp, bị bắt ở Mác Xây (1929), thực dân Pháp đưa về nước, kết án 5 năm tù và đày ra Côn Đảo (1930 - 1935).

Ở tuổi thanh niên, ông đã từng tham gia Việt Nam quốc dân đảng (1928) nhưng đã sớm nhận thấy sự bế tắc trong chủ trương phiêu lưu, manh động “không thành công thì cũng thành nhân” của đảng này nên đã quyết định ly khai và tiếp nhận ảnh hưởng của những người cộng sản. Những năm tháng bị tù đày ở Côn Đảo, ông đã tiếp xúc với các bạn tù cộng sản: Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt... Đó là sự kiện dẫn đến bước ngoặt tìm đường và chọn đường trong cuộc đời ông.

Nặng lòng yêu nước, thương dân, quyết dấn thân cứu nước, vậy mà Việt Nam quốc dân đảng lại coi ông là kẻ phản bội, đã cho người chọc thủng mắt trái của ông. Chỉ còn lại con mắt phải, nhưng ông đã bao lần xông pha trong đạn lửa, trực tiếp cầm quân, gần dân thương lính, mọi người hết lòng tin yêu cảm phục gọi con mắt ông là mắt thần, là “độc thần nhãn tướng quân”.

Ông lại có biệt tài binh vận, địch vận, đem trái tim nhiệt huyết và trí tuệ sáng suốt của mình mà cảm hóa lòng người, thu phục nhân tâm. Đức ấy, tài ấy đã được Bác Hồ nhìn nhận, phát hiện và tin dùng, để rồi vào thời điểm hệ trọng, quyết định, khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, tình hình rối ren phức tạp, Người dã giao trọng trách cho Nguyễn Bình - con người của hành động và có bản lĩnh đương đầu nơi sóng gió. Dự cảm sáng suốt của Người, bản lĩnh dùng người của Hồ Chí Minh - chọn đúng người, giao đúng việc, quyết định kịp thời đúng lúc, lại hết lòng tin cậy và thương yêu của Bác dành cho Nguyễn Bình đã thắp lên nguồn sáng diệu kỳ cho tài năng và bản lĩnh Nguyễn Bình nhanh chóng phát huy, tỏa rạng.

Cuối tháng 9-1945, chỉ một tuần lễ sau khi Pháp nổ súng xâm lược trở lại Nam Bộ, Bác Hồ đã giao trọng trách “Nam tiến” và chỉ thị lên đường ngay cho “Tư lệnh Đệ Tứ chiến khu” một thời - Nguyễn Bình:

...Nhận được thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi gấp về Hà Nội, Nguyễn Bình thay bộ quần áo nâu bạc bằng bộ đồ chiến lợi phẩm: quần áo ka-ki, đầu đội mũ cát két, chân đi giày da, mang súng và đeo cả kiếm Nhật đến gặp Bác. Với “bộ cánh” này, ông đinh ninh Bác Hồ sẽ hài lòng vì theo ông đó cũng là một cách gián tiếp báo cáo với Chủ tịch nước về thành tích diệt giặc, thu chiến lợi phẩm của Chiến khu Trần Hưng Đạo.

Đến Bắc Bộ Phủ, khác hẳn với những gì Nguyễn Bình nghĩ. Tiếp Nguyễn Bình là một ông già chân đi dép cao su, giản dị trong chiếc áo Tôn Trung Sơn. Nguyễn Bình tự thấy ngượng về “bộ cánh” của mình. Nhưng Bác Hồ không quan tâm đến bề ngoài của Nguyễn Bình, Người đi thẳng vào công việc:

- Chú là Nguyễn Bình - Tư lệnh Đệ Tứ chiến khu đó ư?

Nghe Bác hỏi, Nguyễn Bình vô cùng xúc động, bàng hoàng.

- Thưa Bác, cháu là Nguyễn Bình, cháu về đây theo thư Bác gọi.

Bác mời Nguyễn Bình hút thuốc và Người bắt đầu câu chuyện một cách thân tình:

- Bác đã nghe báo cáo hoạt động của các chú ở Chiến khu Đông Triều. Bác có lời khen. Mấy ngày qua chú có nghe tin về tình hình Nam Bộ không?

- Thưa Bác, cháu nghe tin ngày 23-9 vừa qua, Pháp đã gây hấn. Đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn đã nhất tề đứng lên kháng chiến.

Bác nói tiếp:

- Giống như trăm năm trước đây, giặc lại nhằm vào miền Nam đánh trước. Nhưng ngày nay khác hẳn ngày xưa. Chúng ta nhất định không để mất một tấc đất. Nam Bộ là máu của chúng ta, là xương của chúng ta. Nam - Trung - Bắc là một nhà, không ai có thể chia ly được.

Nguyễn Bình lắng nghe như uống từng lời của Bác.

- Máu chảy ruột mềm. Biết bao đồng chí, đồng bào đã tình nguyện vào Nam để chiến đấu. Các đoàn quân Nam tiến đang chuẩn bị lên đường. Đồng chí Trần Huy Liệu cho biết, trước chú hoạt động ở trong Nam. Bác nghĩ các lực lượng vũ trang trong đó đang cần một vị chỉ huy tài năng, có thể tập hợp các đơn vị vũ trang lại. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng “thập nhị sứ quân” rất bất lợi cho cách mạng. Người chỉ huy đó theo Bác phải biết rõ miền Nam, lại phải là người có bản lĩnh thu phục được cả những tay giang hồ kiểu Bình Xuyên. Chú Bình có thể đảm nhận trọng trách đó không?

Nguyễn Bình đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Quả thật, từ lâu ông đã mơ ước được trở lại Nam Bộ thăm chốn cũ người xưa. Nay Bác chọn ông chính thức giao nhiệm vụ vào Nam, tổ chức lực lượng kháng chiến, đó là một vinh dự bất ngờ.

Nghĩ vậy, ông trả lời rất nhanh, như sợ bỏ lỡ cơ hội hiếm có.

- Thưa Bác, Bác có tín nhiệm cháu, cháu xin nhận. Nhưng...

Bác ân cần hỏi:

- Cháu nhận nhiệm vụ rồi sao còn “nhưng”?

Nguyễn Bình thành thật trình bày:

- Thưa Bác, một Nguyễn Bình ngang dọc giang hồ để làm việc nghĩa. Một Nguyễn Bình - Quốc dân đảng để cứu nước đã thất bại, lãnh tụ Quốc dân đảng và các yếu nhân của Đảng đều bị giết, những người còn lại đã bạc nhược. Nguyễn Bình ly khai Quốc dân đảng bị kết tội phản Đảng, họ trị tội bằng cách móc một con mắt của Nguyễn Bình. Nguyễn Bình không chết, Nguyễn Bình tìm đến con đường của ông “Nguyễn yêu nước” để cứu nước. Giờ đây, Nguyễn Bình được Bác tin cậy giao việc lớn cho cháu (ông nói tiếng cháu rất rõ), nhưng cháu chưa phải Đảng viên Cộng sản.

Bác Hồ cười hiền từ và nhấn mạnh:

- Đảng viên Cộng sản ư? Tổ quốc trên hết! Tôi giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Bình ái quốc, ái dân và bình thiên hạ cho an ninh hòa mục. Bác giao việc chỉ huy bộ đội Nam Bộ cho chú đó. Chú hãy tỏ ra xứng đáng với lòng tin yêu của Bác và của đồng bào. Hãy về thu xếp vào Nam ngay. Tình hình Nam Bộ đang như nước sôi lửa bỏng...

Bác xiết chặt tay Nguyễn Bình:

- Chúc chú thượng lộ bình an.

Bất ngờ, Bác ôm choàng hôn lên má Nguyễn Bình khiến ông xúc động nghẹn lời. Phút giây cảm động ấy theo chân Nguyễn Bình suốt cả cuộc đời. Vòng tay yêu thương của Bác đã chở che, tiếp thêm sức mạnh giúp Nguyễn Bình vượt qua gian khổ hy sinh, hoàn thành trọng trách mà Đảng và Bác giao cho...

Lịch sử đã diễn ra đúng như vậy! Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn được đúng người chỉ huy quân đội cho Nam Bộ kháng chiến. Và Nguyễn Bình cũng đã không phụ lòng tin cậy của Bác. Ông đã hoàn thành xuất sắc trọng trách được Bác giao phó. Nhân dân thân thiết, yêu quý gọi ông là Độc nhãn tướng quân. “Tôi (Đinh Thu Xuân) xin phép được kính cẩn dâng lên ông thêm một chữ Thần để vinh danh ông là Độc thần nhãn tướng quân Nguyễn Bình! Vì nghĩa lớn mà ông đã bị mất một con mắt máu thịt của mẹ cha, của truyền thống dòng tộc ban tặng cho ông. Thương ông là một hiền tài nên hồn thiêng sông núi, Đất nước anh linh đã cho ông một con mắt thần sáng suốt tìm được con đường cứu nước cứu dân của “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”. Ông đã có duyên phận lớn là gặp được Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Lãnh tụ có đôi mắt anh minh biết trọng dùng người tài, đã tin cậy trao cho ông trọng trách của Người cầm quân bình thiên hạ”.

Từ lúc ấy, hình ảnh một vị tướng trí dũng song toàn đã hiển thị rõ ràng và trong Sắc lệnh tháng 1-1948 do Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ký, Nguyễn Bình được phong hàm Trung tướng sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trước nhiều vị Thiếu tướng khác. Nguyễn Bình trở thành vị Trung tướng đầu tiên, rồi ngay sau đó là Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Nam đầu tiên trong lịch sử Quân đội ta, trong lịch sử cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp của quân dân ta “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “thà hy sinh tất cả, quyết không chịu làm nô lệ”.

Tiểu sử cuộc đời Nam chinh Bắc chiến của tướng Nguyễn Bình có bao huyền thoại Nguyễn Bình là một xác tín chân thực đầy cảm động cho huyền thoại về tầm nhìn chiến lược, về bản lĩnh dùng người của Hồ Chí Minh. Điều độc đáo, không chỉ làm cho các tướng lĩnh và binh sĩ của ông mến mộ, cảm phục mà ông còn để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng dân, cả sự khâm phục của người nước ngoài, từ các chuyên gia quân sự đến các học giả nghiên cứu.

Nguyễn Bình tên thật là Nguyễn Phương Thảo, sinh ngày 30-7-1908 tại thôn An Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, hy sinh ngày 29-9-1951 tại một khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia khi đang trên đường ra căn cứ Việt Bắc để báo cáo về tình hình Nam Bộ theo triệu tập của Trung ương và Bác Hồ. Nói tới Nguyễn Bình là nói tới một con người có cuộc đời rất ngắn với một hành trang rất nghèo nhưng sự nghiệp và chiến công thì vô cùng hiển hách.

Cuộc đời ông chỉ có 43 năm, 1 tháng, 29 ngày từ lúc sinh ra đến lúc hy sinh. Hành trang của ông như nhiều người từng nói - “một cái ba lô nhẹ tênh, vài bộ quần áo lính, một khẩu súng lục phòng thân nhưng trái tim thì lúc nào cũng nặng trĩu tình yêu đất nước, nhân dân”. Làm nên danh tướng Nguyễn Bình không chỉ có dũng tướng mà quan trọng hơn, sâu thẳm hơn còn là nhân tướng, ông thể hiện đầy đủ những phẩm chất của đạo làm tướng như Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra “Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín”, “Nhân - Trí - Dũng - Liêm - Trung”, mang cốt cách của người quân tử, của bậc trượng phu, quả đúng là vị tướng huyền thoại.

Câu chuyện “Bác Hồ chọn Nguyễn Bình” là một bài học lịch sử quý giá cho quốc sách tuyển chọn và trọng dụng hiền tài làm cho nguyên khí quốc gia ngày một hưng thịnh. Đó là nguồn tài sản vô giá cho sự nghiệp chấn hưng đất nước.

GS.TS Hoàng Chí Bảo - Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương