Giảm giá điện giúp người dân giảm bớt khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều địa phương kéo dài thêm thời gian giãn cách xã hội, Chính phủ và các Bộ, ngành quyết định thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giúp người dân giảm bớt khó khăn, sớm phục hồi, ổn định, vượt qua dịch bệnh.

Hỗ trợ giảm giá điện, cước viễn thông

Ngày 31-7, Bộ Công thương cho biết: Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương về đợt giảm giá điện, giảm tiền điện cho một số khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, đối tượng hỗ trợ giảm tiền điện là các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; các quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố tại thời điểm ngày 30-7 đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Mức hỗ trợ giảm là 15% tiền điện trước thuế giá trị gia tăng trên hoá đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng đến 200kWh/tháng; giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hoá đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng trên 200kWh/tháng. Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện cho khách sử dụng điện là 2 tháng tại các kỳ hóa đơn tiền điện hai tháng 8, 9-2021. Danh sách các địa phương được giảm tiền điện do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư cung cấp cho các đơn vị điện lực.

Trong đợt này, Chính phủ cũng thống nhất giảm 100% tiền điện cho các cơ sở cách ly y tế người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 có thu một phần chi phí của người đang cách ly y tế; mua điện trực tiếp từ Tổng công ty Điện lực/Công ty Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị bán lẻ điện khác. Các cơ sở này bao gồm: Doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác đang được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly y tế tập trung phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian hỗ trợ là 7 tháng kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6 đến 12-2021. Đây là đợt thứ 4 Chính phủ đồng ý giảm giá tiền điện để hỗ trợ người dân kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 đến nay.

Không chỉ giảm giá tiền điện, ngày 2-8, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp viễn thông: Viettel, VNPT, Mobifone, CMC, FPT… đã công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này được triển khai từ ngày 5-8-2021 và kéo dài trong 3 tháng. Đối với khách hàng trên toàn quốc, sẽ tiếp tục tăng 2 lần băng thông cho dịch vụ Internet cáp quang với giá không đổi nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu học tập, làm việc trực tuyến tại nhà. Miễn phí truy nhập tốc độ cao đến các trang thông tin điện tử của Bộ Y tế, ứng dụng Bluezone. Riêng với khách hàng ở các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội được tặng thêm 50 phút gọi nội mạng.

Người dân phấn khởi

Chia sẻ với phóng viên chúng tôi, CCB Nguyễn Văn Thư, trú tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, T.P Hà Nội cho biết: Tôi làm nghề lái xe ba bánh, trước đây mỗi ngày kiếm được 200.000-300.000 đồng, đủ tiền tiêu và lo cho con ăn học. Tuy nhiên, gần nửa tháng nay, do giãn cách xã hội nên tôi phải nghỉ việc. Trước đây, những tháng cao điểm mùa hè là thời điểm dùng nhiều điện nhất. Từ đầu tháng 7, gia đình tôi ở nhà, mức tiêu thụ điện chắc chắn sẽ còn nhiều hơn. Nay được Chính phủ giảm giá điện, chúng tôi rất mừng vì với những gia đình khó khăn, đây là sự quan tâm rất thiết thực.

Bà Lê Thanh Trang, trú tại quận Bình Thạnh, T.P Hồ Chí Minh cho biết: Hai tháng gần đây, trung bình mỗi tháng, nhà tôi dùng hết gần 400kWh với số tiền đến hơn 1 triệu đồng và khoảng 150.000 đồng tiền nước. Việc được giảm 10% tiền điện tháng tương đương số tiền được giảm khoảng 100.000 đồng. Được hỗ trợ cước viễn thông cũng rất tốt, đặc biệt trong lúc các con, cháu làm việc và học tập trực tuyến. Tuy số tiền được giảm giá không nhiều nhưng cũng thể hiện sự quan tâm kịp thời của Chính phủ, khích lệ tinh thần người dân ở nhà chống dịch.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá: Việc giảm giá điện, cước viễn thông cho người dân là việc làm đáng hoan nghênh. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều người dân mất thu nhập, gặp khó khăn về kinh tế. Việc tiếp tục giảm giá tiền điện cho người dân mang ý nghĩa rất lớn, bởi giai đoạn hiện nay là thời điểm rất quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế. Ngoài ra, thời điểm này có hàng triệu cán bộ, công chức, người lao động, học sinh, sinh viên… đang làm việc từ xa, chuẩn bị bước vào năm học mới. Việc các nhà mạng tăng băng thông, giảm giá cước giúp người lao động xử lý công việc được thuận lợi hơn; đồng thời khắc phục tốt tình trạng nghẽn mạng khi hàng triệu giáo viên, học sinh sẽ truy cập trong cùng thời điểm.

Ông Ánh nhận định thêm: “Ngoài việc giảm tiền điện sinh hoạt, cước viễn thông cho người dân, theo tôi trong thời gian tới, Chính phủ cũng cần quan tâm giảm tiền điện, nước, xăng dầu cho các doanh nghiệp trên cả nước, đặc biệt là doanh nghiệp chế biến, sản xuất những mặt hàng thiết yếu. Việc giảm giá tiền điện có thể giúp các doanh nghiệp bớt đi những gánh nặng trong việc thực hiện “3 tại chỗ”, duy trì sản xuất, sớm phục hồi, vượt qua dịch bệnh. Hiện Chính phủ đang tiếp tục xem xét, điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Điện và nước là những mặt hàng thiết yếu mà không gia đình nào không dùng đến cả. Tôi thấy quyết định này có tác động rất lớn, lan tỏa tới hàng triệu hộ gia đình”.

Võ Hóa

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ)