Hai cơ sở ở xã Đô Thành, phát hiện 17 con hổ trưởng thành bị nuôi nhốt trái phép.

Ngày 4-8-2021, Công an tỉnh Nghệ An huy động lực lượng, tiến hành kiểm tra các cơ sở nuôi nhốt hổ trên địa bàn xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; bước đầu thu giữ 17 con hổ lớn, đã trưởng thành.

Hành vi nuôi nhốt hổ nói trên, đã vi phạm quy định của Luật Hình sự và được xác đinh là “Tội phạm rất nghiêm trọng”, với mức cao nhất của khung hình phạt lên đến 12 năm tù. Chắc chắn vụ việc này sẽ được điều tra và xử lý nghiêm minh.

Ngày 4-8-2021, Công an tỉnh Nghệ An huy động lực lượng, tiến hành kiểm tra các cơ sở nuôi nhốt hổ trên địa bàn xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; bước đầu thu giữ 17 con hổ lớn, đã trưởng thành.

Hành vi nuôi nhốt hổ nói trên, đã vi phạm quy định của Luật Hình sự và được xác đinh là “Tội phạm rất nghiêm trọng”, với mức cao nhất của khung hình phạt lên đến 12 năm tù. Chắc chắn vụ việc này sẽ được điều tra và xử lý nghiêm minh.

Thế nhưng, đằng sau vụ việc này đã đặt ra nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi lớn mà thiết nghĩ cần phải mổ xẻ, làm rõ.

Thứ nhất, hổ ở đâu ra? Xã Đô Thành, huyện Yên Thành là một vùng đồng bằng. Hổ không tự nhiên xuất hiện nơi đây được. Hổ ở rừng Việt Nam hiện nay cũng còn lại vô cùng ít. Vậy thì chỉ có thể đưa từ nước ngoài về. Dù là từ nước nào về, bằng bất cứ đường bộ, đường không hay đường thủy đều phải qua các cửa khẩu vì rất khó để cõng bộ hổ trốn theo đường biên. Vậy tại sao lại lọt lưới được khi mà ở các cửa khẩu có nhiều cơ quan chức năng như hải quan, bộ đội biên phòng, công an, thú y… Lại nói thêm, với số lượng hổ không hề ít, 17 con, đó là chưa nói những con đã xuất chuồng từ trước, thậm chí chưa bị phát hiện, thì khó lòng chỉ “thông quan” một lần mà phải nhiều lần. Chẳng lẽ riêng mặt hàng hổ thì lúc nào cũng sơ suất không phát hiện được?! Những “hàng con” khác nhỏ hơn nhiều còn bị phát hiện huống hồ là… hổ! Ai chịu trách nhiệm đây? Thật không hề quá khó để cơ quan điều tra có thể tìm ra đường đi và ai đã dẫn lối cho… hổ.

Thứ hai, vì con hổ là… hổ, nó không thể là con kiến, con chuột nên buộc phải hỏi là tại sao các cơ quan chức năng như kiểm lâm, cảnh sát khu vực lại không thể biết. Vì nó không phải là kiến, là chuột nên hằng ngày 17 con hổ này phải ngốn rất nhiều thức ăn, chủ yếu là thịt, mà không hề ai biết, không hề ai chú ý. Mà đâu chỉ một nhà nuôi, ở đây có nhiều nhà nuôi, đến mức gọi là “làng nuôi hổ”. Chuyện này rất khó giải thích. Cán bộ kiểm lâm huyện Yên Thành bảo họ không khai báo, nuôi kín thế thì làm sao mà biết! Chuyện khó giải thích từ chính câu câu nói này của bên kiểm lâm. Và không chỉ là kiểm lâm.

Thứ ba, ở nông thôn ta bây giờ có một hệ thống lãnh đạo, quản trị và giám sát hết sức chặt chẽ. Thôn nào cũng có Chi bộ, Ban Cán sự thôn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Người cao tuổi, CCB… Thế mà vẫn không ai biết. Chắc vô cùng ít người tin điều này. Vấn đề là tại sao lại không hề biết gì cả hay biết nhưng bị cái gì đó nó chặn lại, không thể nói ra? Từ vụ việc này chắc chắn các cơ quan có thẩm quyền và người dân sẽ phải xem xét lại vai trò của hệ thống chính trị ở đây. Họ bất lực hay bị thu phục?

Nói thêm, trước ngày 4-8, nhiều người ở Nghệ An đã nghe câu truyền miệng: “Diễn Châu xẻ gỗ/ Thịt hổ Đô Thành” và “làng nuôi hổ” ở Đô Thành. Tiếc là những người cần nghe lại không nghe, hay giả vờ không nghe. Lại nữa, từ nhiều năm trước ở Yên Thành cũng đã từng có vụ nuôi hổ bị bắt rồi. Thế mà vẫn không biết, không nghe!

Thứ tư, họ nuôi hổ để làm gì? Chắc chắn không phải để hiến tặng cho các vườn thú hay để thả lại vào rừng mà chắc chắn là để cho vào nồi, nấu thành cao. Lâu nay họ vẫn kháo nhau giá 1kg cao hổ là 50 triệu đồng. Với cái giá thì những ai có thể mua được? Người viết bài này đã không ít lần được bạn bè bảo sếp này, sếp kia có rượu cao hổ xịn mời đến uống vai ly. Cao hổ chỉ có ở nhà giàu tiền và quyền thôi.

“Con hổ chui lọt lỗ kim” là chuyện có thật ở Đô Thành, Yên Thành. Nhưng qua cái “lỗ kim” này lại phát giác ra rất nhiều câu chuyện khác về bộ máy và quản trị xã hội ở cơ sở hiện nay mà không thể không giật mình và đòi hỏi phải làm rõ và xử lý ngay.

Thế Sơn