Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc.

LTS: Qua các giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn xác địch công tác dân tộc và tôn giáo là vấn đề chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng. Chính vì thế tuyên truyền về công tác dân tộc - tôn giáo cũng là một trong những nội dung chính của báo chí. Từ số báo 1394, Báo CCB Việt Nam mở Phụ trương “Như con một nhà” theo Quyết định Xuất bản số 06/GP-XBPT, ngày 25-6-2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Báo CCB Việt Nam mong nhận được phê bình, góp ý và cộng tác của bạn đọc.

Sớm nhận thức được “đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của mọi thành công”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã luôn chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Trong đó, đoàn kết tôn giáo góp phần tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc,  giải phóng đất nước.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết tôn giáo trước hết phải lấy mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội làm điểm tương đồng, dùng cái tương đồng để khắc phục cái dị biệt. Từ việc xác định mục đích cao nhất, nội dung xuyên suốt của công tác tôn giáo là để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương giáo, đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc, tôn giáo khác nhau làm cho “nước vinh, đạo sáng”, “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần ngày càng to lớn vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc; ngay cả những lúc vận mệnh cách mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn xác định một trong sáu nhiệm vụ cấp bách đầu tiên mà Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phải thực hiện là “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”.

Người nhận thức rõ những điểm khác biệt của từng tôn giáo và khẳng định tôn giáo là một phần tất yếu của sự nghiệp cách mạng; đồng thời khai thác và phát huy triệt để những điểm tương đồng để thu hút, động viên, tập hợp quần chúng theo đạo cùng đoàn kết tiến hành sự nghiệp cách mạng. Theo Người, trong văn hoá và đạo đức tôn giáo, “cái gì tốt thì ta nên khôi phục và phát triển, còn cái gì xấu thì ta phải bỏ đi”; đối với người Công giáo, không có gì vui mừng hơn khi họ vừa là con chiên ngoan đạo, vừa là người yêu nước theo tinh thần “kính Chúa - yêu nước”, “phụng sự Thiên Chúa - phụng sự Tổ quốc”, “nước có vinh thì đạo mới sáng”, “nước có độc lập thì đạo mới được tự do”, “Thượng đế và Tổ quốc muôn năm!”...  Người cho rằng: Đối với đồng bào theo đạo thì đức tin tôn giáo và lòng yêu nước luôn thống nhất với nhau. Một người dân Việt Nam yêu nước đồng thời cũng chính là một tín đồ chân chính và ngoan đạo; ngược lại, một kẻ chống lại dân tộc, Tổ quốc mình thì cũng chính là một kẻ phản Chúa.

Để đoàn kết tôn giáo thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra nguyên tắc cụ thể trong thực hiện là phải lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm mẫu số chung; không chạm đến đức tin của tôn giáo nói chung, của từng tôn giáo nói riêng và tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Đây là điều kiện tiên quyết, là nguyên tắc cơ bản để có thể đoàn kết được đồng bào tôn giáo và khối đại đoàn kết dân tộc. Bởi tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tức là tôn trọng nhân dân, tôn trọng nhu cầu tâm linh của một bộ phận nhân dân, tôn trọng một yêu cầu về tự do, dân chủ trong đời sống văn hoá, tinh thần của xã hội. Mặt khác, muốn đoàn kết được đồng bào tôn giáo vào trong khối đại đoàn kết dân tộc thì phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, gắn chặt lợi ích của từng tôn giáo với lợi ích của cả cộng đồng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh chú ý nhiều đến việc chỉ ra cái chung, cái thống nhất của các tôn giáo với mục tiêu, lí tưởng của chủ nghĩa xã hội. Người viết: “Mục đích cao cả của Phật Thích Ca và Chúa Giêsu đều muốn mọi người có cơm ăn, áo mặc, bình đẳng, tự do và thế giới đại đồng”. Đồng thời nhấn mạnh lòng yêu nước và đức tin tôn giáo không có gì mâu thuẫn, trái lại còn gắn bó chặt chẽ với nhau. Một người đi theo tôn giáo nào thì trước hết người đó phải là công dân, có nghĩa vụ với dân tộc, đất nước. Với trách nhiệm của người đứng đầu Nhà nước, Người khẳng định rõ: “…Những việc Chính phủ và nhân dân ta làm đều hợp với tinh thần Phúc âm”.

Về phương pháp đoàn kết tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ phải tôn trọng giáo chủ, tranh thủ giáo sĩ và quan tâm đến giáo dân; phải khai thác các giá trị nhân bản đề cao sự tương đồng, tôn trọng sự khác biệt giữa tôn giáo và chủ nghĩa cộng sản. Sở dĩ như vậy là vì trong các tôn giáo thì giáo chủ, giáo sĩ có tầm ảnh hưởng lớn đối với đồng bào tín đồ tôn giáo; nếu không nắm được, rất khó thuyết phục được đồng bào có đạo tham gia vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Với phương pháp tiếp cận này, đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh xoá nhoà khoảng cách giữa đồng bào lương và đồng bào giáo, tập hợp được đồng bào theo các tôn giáo khác nhau vào trong khối đại đoàn kết chung vì sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc. Đây là bài học quí để Đảng và Nhà nước vận dụng linh hoạt trong hoạt động xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc hiện nay.

Quan điểm tư tưởng về đoàn kết tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa lớn cả về lý luận và thực tiễn; mở ra khả năng kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội với tôn giáo cùng chung sống hoà bình; là kim chỉ nam để Đảng và Nhà nước ta hoạch định chủ trương chính sách tôn giáo một cách đúng đắn, là cơ sở để chống lại các quan điểm sai trái, hướng mọi người vào mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,  văn minh.

PGS.TS. Nguyễn Đông Thức (MTTQ Việt Nam)