Trong thế giới hiện đại, văn minh, các tranh chấp, xung đột, bất đồng giữa các quốc gia được điều chỉnh, xử lý bằng luật pháp quốc tế. Các công ước, hiệp ước, điều luật quốc tế được đông đảo các quốc gia công nhận và tuân thủ để xử lý thoả đáng các vấn đề nảy sinh thay vì được định đoạt bằng “cơ bắp” bằng cái lý hay luật của kẻ mạnh.

Vậy mà, Công ước Liên Hợp quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) được bàn thảo từ năm 1973, hoàn thiện năm 1982, có hiệu lực từ năm 1994, và tới nay có gần 170 quốc gia và Liên minh châu Âu là thành viên, lại chưa thực sự được một số “kẻ mạnh” hay “cố tình không hiểu” tôn trọng. UNCLOS 1982 ra đời thay thế cho 4 hiệp ước hết hạn năm 1958, quy định quyền và trách nhiệm của các quốc gia trong sử dụng biển, thiết lập các hướng dẫn rõ ràng cho các hoạt động kinh doanh, bảo vệ môi trường và cải thiện quản lý các tài nguyên thiên nhiên đại dương.

Chính vì vậy, việc ra mắt Nhóm bạn bè của UNCLOS 1982 ngày 30-6 vừa qua với sự tham gia của gần 100 nước thành viên LHQ theo sáng kiến của Việt Nam và Đức là một nỗ lực lớn để UNCLOS 1982 được hiểu đúng hơn và tuân thủ tốt hơn. Tại Lễ ra mắt Nhóm Bạn bè của UNCLOS tại trụ sở LHQ ở New York với sự tham dự của Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề pháp lý kiêm Cố vấn pháp lý của LHQ - Miguel de Serpa Soares và đại diện 96 nước thành viên LHQ, Đại sứ Christoph Heusgen - Trưởng phái đoàn Đức tại LHQ bày tỏ vinh dự khi Đức đồng khởi xướng ý tưởng này với Việt Nam. Ông cho biết: “Tôi và Đại sứ Việt Nam - Đặng Đình Quý đã thảo luận rất nhiều tại Hội đồng Bảo an về Luật Biển, về những tranh chấp trên biển và chúng tôi đã nghĩ tới việc thành lập Nhóm Bạn bè của UNCLOS này; chứng kiến sự kiện ngày hôm nay ai cũng có thể thấy rất nhiều nước đã tham gia, rất nhiều đại sứ tỏ rõ cam kết đóng góp cho UNCLOS một cách hòa bình, cam kết hành động dựa trên luật lệ và đây chính là điều chúng tôi trông đợi”.

Khi UNCLOS 1982 có những ràng buộc pháp lý, có Toà trọng tài để phân xử các vụ kiện tụng thì Nhóm Bạn bè của UNCLOS sẽ đóng vai trò như một diễn đàn, một công cụ giúp các nước hiểu hơn để tuân thủ UNCLOS tốt hơn. Chính vì vậy, Đại sứ Heusgen giải thích khi trả lời phóng viên TTXVN tại New York: “Nhóm Bạn bè của UNCLOS không phải là tổ chức có quyền ra quyết định mang tính ràng buộc pháp lý như Hội đồng Bảo an LHQ, nhưng sẽ tạo diễn đàn để đại sứ đại diện các nước có thể thảo luận cởi mở vấn đề Luật Biển, thu hẹp bất đồng, hiểu nhau hơn, đồng thời mỗi thành viên có thể đưa những vấn đề hóc búa liên quan tới biển, đại dương ở khu vực của mình ra để thảo luận, tham vấn…”.

Phải khẳng định rằng, UNCLOS là một trong những công ước quan trọng nhất của cộng đồng quốc tế bởi nó quy định trách nhiệm, cách ứng xử của các quốc gia với ít nhất 70% diện tích của thế giới. Có Nhóm Bạn bè của UNCLOS có nghĩa là tính đối thoại sẽ cao hơn và UNCLOS sẽ được tôn trọng hơn. Vậy nhưng, câu hỏi vì sao phải thành lập nhóm này thì giới chuyên gia rõ nhất khi có quốc gia vẫn cố tình diễn giải UNCLOS 1982 theo cách riêng của mình theo kiểu “ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu”. Đó là điều nguy hại cho một công ước quốc tế nếu nước nào cũng vì cái lợi của mình mà chà đạp lên luật pháp quốc tế bằng cách cố tình diễn giải sai.

Tại cuộc gặp với các quan chức ASEAN ở Trùng Khánh vào tháng trước đề bàn thảo về việc thực hiện Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), phía Trung Quốc đã lần đầu tiên nhắc tới việc áp dụng UNCLOS như một công cụ để giải quyết các vấn đề về biển. Đây có thể là một “tin vui còn chờ kiểm chứng” bởi trước đây Trung Quốc đã từng diễn giải UNCLOS theo cách riêng của mình. Nhóm Bạn bè của UNCLOS do vậy vẫn rất quan trọng để UNCLOS sẽ được nghiêm túc thực thi, tránh dùng luật của kẻ mạnh trong quan hệ quốc tế.

Thanh Huyền