Rời bục giảng, CCB, cựu TNXP chống Mỹ, cứu nước Nguyễn Tâm Cẩn chuyên tâm nghiên cứu lịch sử - văn hóa xứ Nghệ nói chung và huyện Yên Thành, Nghệ An quê hương ông. Là một giáo viên dạy toán cấp 3 có uy tín, từng góp công đào tạo nhiều học trò thành đạt, ông có thể mở lớp, hoặc tham gia dạy ở các trường dân lập trong vùng với nhiều lời mời. Nhưng vì tình yêu đất và người quê mình; thầy làm giáo dục bằng cách khác, tiếp cận, thức tỉnh những tư liệu, giai thoại, trong dân gian… biến nó thành bài báo, trang sách. Nghỉ giảng dạy từ tháng 7-2003 đến nay, thầy đã có 6 đầu sách (chung và riêng), trên 60 bài báo; trong đó có tác phẩm đoạt giải A quốc gia, giải C khoa học công nghệ cấp tỉnh.

Thầy giáo Nguyễn Tâm Cẩn sinh năm 1943 trong gia đình có truyền thống chữ nghĩa ở làng Liên Trì (huyên Yên Thành). Làng Liên Trì xưa có cả chục thầy đồ, lang thang khăn gói kiếm cơm thiên hạ, dẫu có vị “đỗ đầu xứ” kỳ khảo hạch. Bia Văn Giai ở đình làng khắc tên 28 vị Tú tài, Cử nhân; bia Võ khắc 82 vị tướng lĩnh từ cấp đội đến “Phấn lực tướng quân”. Ngày nay truyền thống ấy vẫn được nối tiếp với con cháu của làng mang hàm Bộ trưởng, Thứ trưởng, cấp vụ, cục và nhiều sĩ quan cao cấp trong Quân đội.

Năm 1965, khi đang là giáo viên cấp 2, thầy Cẩn được điều vào Đội 63 thuộc Tổng đội TNXP Nghệ An; vừa làm giáo viên dạy văn hóa cho anh chị em khi ở hậu cứ; vừa tham gia mở tuyến sửa đường khi cần kíp. Tuyến quốc lộ chiến lược 15A với những Truông Dong, Truông Bồn… đầy bom đạn khốc liệt đã từng ghi dấu chân, xương máu của thầy và đồng đội.

Năm 1968, thầy Cẩn được cử đi học tại Khoa Toán đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp, thầy xin về dạy học ở quê. Chiến tranh mở rộng, tháng 12-1972, thầy được gọi nhập ngũ vào Trung đoàn 175, Tỉnh đội Nghệ An. Là một trí thức, một binh sĩ cao tuổi, nhưng thầy luôn được đồng đội yêu mến quý trọng về nhân cách, được cấp trên tin tưởng. Năm 1976, ra quân, thầy Cẩn trở lại nghề dạy học.

Sở học và tình yêu sách vở đã cung cấp cho thầy Cẩn khả năng đọc, viết. Khi trở lại làm nghề thầy giáo, đông con, lương công chức của hai vợ chồng eo hẹp, nên vợ chồng thầy phải nhận thêm ruộng của HTX cày cấy để có thêm thóc gạo. Dù nhà nghèo, sách lúc ấy không chỉ hiếm, lại đắt so với thu nhập, nhưng trong nhà thầy vẫn có giá sách được giữ gìn cẩn trọng. Nghe tin ở Hiệu sách Diễn Châu có bộ “Từ điển Văn học” thế là thầy đạp xe hơn 25km mua cho kỳ được 3 tập, hết gần nửa tháng lương. Vợ thầy cũng là một cựu TNXP chuyển ngành, từng gần gũi, chia sẻ gian khó, cô hiểu và thông cảm với chồng.

Xứ Nghệ là nơi có mật độ điển cố văn hóa lịch sử, truyền thống yêu nước, cách mạng dày dặn. Là vùng đất có nhiều tư liệu quý cho người yêu lịch sử - văn hóa. Tuy nhiên nếu không nghiêm túc tìm tòi, khai thác thì những tư liệu quý ấy sớm thất lạc hoặc bị sử dụng một cách vô ý thức. Cùng với đồng nghiệp Phan Hàm - một giáo viên dạy văn nghỉ hưu, hai thầy đã tiếp cận tư liệu, và biên soạn thành công một số sách viết về địa danh văn hóa như: làng Liên Trì, Yên Nhân, Phú Ninh, Quỳnh Khôi, Trường Sơn … nơi hội tụ những vẻ đẹp lịch sử, truyền thống, phong tục, văn nghệ dân gian của xứ Nghệ, nhưng lại có nhiều nét đẹp riêng của mình. Trải nhiều trên các trang báo và tạp chí “Xưa và nay”, “Lịch sử quân sự Việt Nam”, báo QĐND, “Giáo dục và thời đại”… đến các tờ báo, tạp chí của Nghệ An, đều có nhiều bài viết về các nhân vật lịch sử, là mảng đề tài thầy đặc biệt có sở trường. Hình ảnh về nhà nho, quan lại yêu nước như: Trạng nguyên Bạch Liêu, Trạng nguyên Hồ Tông Thốc, Thám hoa Phan Thúc Trực, Tiến sĩ Lê Kính, Lê Doãn Nhạ, Trần Đình Phong… - những bậc danh sĩ đức cao đạo trọng của quê hương, đến nhà kỹ nghệ tài năng, những người cộng sản kiên trung bất khuất như Nguyễn Bá Du, Nguyễn Hiên, Phan Vinh, Phan Văn Khước, Trần Thị Lục, đến người mẹ chiến sĩ tận trung với cách mạng ... đã được thầy để công nghiên cứu. Bài “Lãnh Ngợi với khởi nghĩa Đồng Thông” đăng trên Tạp chí Lịch sử Quân sự Việt Nam (số 253 tháng 1-2013), là chân dung một tướng lĩnh tài ba trong phong trào Cần Vương chống Pháp, do cụ nghè Nguyễn Xuân Ôn lãnh đạo. Hậu khởi nghĩa, Tác lãnh binh Nguyễn Văn Ngợi, vẫn duy trì cuộc kháng chiến thêm 10 năm. Bị sa bẫy giặc, ông không hề run sợ và chúng đã thủ tiêu ông một cách hèn hạ. Quan trọng của bài viết là đã cung cấp tư liệu để làm thủ tục cấp bằng “Di tích Lịch sử” cho mộ phần của ông Lãnh binh ở làng Chua Me xã Lý Thành (Yên Thành). Bài “Truông Dong một thời khói lửa” kể về cuộc chiến đấu của đội 63 TNXP thuộc Tổng đội TNXP Nghệ An; về gương phục vụ chiến đấu, hy sinh của các chiến sĩ TNXP trong chiến tranh. Lịch sử sẽ bị che khuất bởi ý thức của con người, nhưng nó cũng là những nhân tố tư tưởng, ý thức… để con người sống đẹp hơn, thầy nghĩ vậy và quyết làm theo.

Tháng 11-2020, NXB Đại học Vinh xuất bản cuốn sách “280 giai thoại về con người và vùng đất Yên Thành” của hai tác giả Nguyễn Tâm Cẩn và Phan Hàm, hai ông giáo có những đóng góp không nhỏ trong việc làm sáng lên hình ảnh một vùng quê xứ Nghệ qua góc nhìn lịch sử - văn hóa. Có thể thấy rằng, rất nhiều giai thoại đã trở thành lịch sử và “không ít nhân vật và giai thoại trong cuốn sách này liên quan đến nhiều sự kiện của đất nước” (như sách đã viết) là gạch nối quá khứ với hiện tại.

Dường như những công trình của thầy giáo Nguyễn Tâm Cẩm, CCB, cựu TNXP, hội viên Hội Văn hóa dân gian Việt Nam, mỗi ngày càng đạt đến độ chín. Ý thức, cách làm của một nhà giáo dục trong việc chọn hướng đi mới đã được cộng đồng thừa nhận. Điều mà không phải ai cũng dám làm và có thể làm được.

Hà Đông, ngày 12-3-2021

Đại tá, CCB Nguyễn Bá Quang