Đại tá Nguyễn Văn Hùng (thứ hai trái sang) – Chủ tịch Hội CCB huyện Hoằng Hóa cùng các đồng chí CCB trong huyện thăm mô hình nuôi tôm của CCB Lương Xuân Hội, xã Hoằng Thành.

CCB Nguyễn Thế Hường, thôn 2, xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa là một trong những tấm gương điển hình vươn lên phát triển kinh tế. Nhiều năm nay, từ sản xuất vật liệu xây dựng, nuôi gà, vịt sinh sản đến nuôi bồ câu Pháp và làm đại lý cấp 1 cung cấp thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm, gia đình ông đã thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bản chất người lính Cụ Hồ được thể hiện ở đức tính cần cù, chịu thương chịu khó. Ông Hường cho biết: “Trước kia, gia đình tôi chỉ chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Những năm gần đây, nhận thấy nuôi chim bồ câu Pháp là “chim mới”, vừa nhàn, phù hợp với sức khỏe, thu nhập cao cộng thêm sự động viên, giúp đỡ của Hội CCB, các thành viên Hội doanh nhân CCB huyện nên tôi quyết tâm đầu tư vào mô hình chăn nuôi này”.

Hiện gia đình CCB Nguyễn Thế Hường là hộ nuôi chim lớn nhất của huyện. Ông trang bị 1 máy ấp trứng chim công nghiệp, công suất khoảng 10.000 đôi chim/tháng; 5 máy ấp trứng gia cầm, công suất 1.200 quả trứng/tháng. Trung bình mỗi tháng ông xuất ra thị trường khoảng 10.000 đôi chim con. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay do dịch Covid-19, sản lượng chim của gia đình ông xuất ra giảm khoảng 70%.

Mặc dù bị ảnh hưởng lớn như vậy, nhưng ông Hường vẫn lạc quan, tin tưởng vào sự lựa chọn của mình: “Chúng tôi là những người lính, xưa kia giặc đến còn quyết tâm xông pha đánh giặc. Hiện nay, chống dịch cũng như chống giặc, sản lượng sụt giảm cũng như “bước lùi tạm thời” để tôi có sự chuẩn bị cho những bước tiếp theo vững chắc hơn”.

Với CCB Đặng Văn Tình - Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và Dịch vụ thương mại Hồng Phúc, thôn Phượng Mao, xã Hoằng Phượng không chỉ làm kinh tế giỏi, mà còn tích cực tham gia công tác từ thiện, an sinh xã hội. Sau khi xuất ngũ, ông Tình cùng một số anh em đồng đội hợp lại thành đội chuyên nhận thi công các công trình xây dựng, được sự tín nhiệm của anh em, ông làm đội trưởng. Đến năm 2017, ông đứng ra thành lập công ty chuyên sửa chữa nhà trọn gói, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, trong đó khoảng 30 lao động là CCB và con em CCB, thu nhập gần 300 ngàn đồng/ngày.

Song song với làm kinh tế, Công ty còn chú trọng công tác an sinh xã hội tại địa phương như ủng hộ người nghèo; tôn tạo các công trình di tích lịch sử của thôn, giếng làng, khu tâm linh, ủng hộ bà con lũ lụt, xây dựng nông thôn mới… Đặc biệt, năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thay đổi sách giáo khoa mới lớp 1, Công ty đã tài trợ toàn bộ sách giáo khoa cho tất cả con em gia đình hộ nghèo, cận nghèo trong xã.

Trao đổi với chúng tôi, CCB Đặng Văn Tình cho biết: “Nhờ sự quan tâm của CCB các cấp động viên thành lập công ty, chúng tôi đã tạo được nhiều việc làm và thu nhập cho lao động là con em CCB. Những CCB luôn lấy chữ “Tín” đặt lên hàng đầu, do vậy tuy ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng công việc có giảm nhưng Công ty vẫn duy trì hoạt động. Thời gian tới, Công ty có kế hoạch thuê đất mở rộng kinh doanh khu vui chơi, giải trí”.

Hội CCB huyện Hoằng Hóa thăm mô hình sản xuất kinh doanh của CCB Lê Văn Ngọc, xã Hoằng Phong.

Trên đây chỉ là hai điển hình trong phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” huyện Hoằng Hóa giai đoạn 2016-2021. Nhờ phát huy thế mạnh của địa phương, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh do hội viên CCB làm chủ được hình thành. Điển hình như: Tổng công ty Delta do CCB Nguyễn Trọng Thấu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc đã phát triển thêm 2 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động mỗi năm hỗ trợ làm 2 nhà tình nghĩa cho CCB; Công ty TNHH Xây dựng Huy Hoàng do CCB Nguyễn Huy Hồng làm Giám đốc; Công ty TNHH Phúc Thắng của CCB Lê Đồng Đức; Công ty TNHH Bảo Phong của CCB Nguyễn Thế Phượng; CCB Lê Văn Ngọc xã Hoằng Phong; CCB Lê Danh Trường, Cao Thị Lan ở thị trấn Bút Sơn…

Để phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” hoạt động hiệu quả, thiết thực, BCH huyện Hội đã có nhiều chủ trương, ban hành 4 kế hoạch, 6 hướng dẫn, 3 mô hình, tổ chức tập huấn, tham quan mô hình tiêu biểu. Đặc biệt là phát động nâng cao quỹ hội, thực hiện các mô hình lao động tập thể, bò sinh sản, đôi gà góp quỹ, tổ chức CLB “CCB giúp nhau phát triển kinh tế”… Nguồn vốn của CCB đóng góp đến nay là hơn 17,2 tỷ đồng, giúp đỡ 1.490 hộ gia đình hội viên CCB vay lãi suất thấp đầu tư sản xuất. Đặc biệt với 30 doanh nghiệp, 19 HTX ngành nghề truyền thống, 73 trang trại, 387 gia trại, 8 tổ hợp sản xuất kinh doanh do CCB làm chủ, tạo việc làm cho gần 6 nghìn lao động có thu nhập, góp phần ổn định nâng cao đời sống, 319 hộ CCB thoát nghèo.

Đại tá Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội CCB huyện Hoằng Hóa cho biết: “Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã góp phần tăng cường đoàn kết, gắn bó tình đồng chí, đồng đội, thúc đẩy các hoạt động nghĩa tình, tương thân, tương ái. Đồng thời, góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, Hội tiếp tục nhân rộng những mô hình hiệu quả, thiết thực và triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

Vũ Minh