Tượng đài người thanh niên Nguyễn Tất Thành ngày ra đi tìm đường cứu nước tại Bến Nhà Rồng (T.P Hồ Chí Minh).

Đất nước đẹp vô cùng.

Nhưng Bác phải ra đi.

(Chế Lan Viên)

Sau khi hoàn thành cuộc xâm lược đất nước ta, thực dân Pháp ra sức khai thác thuộc địa và đàn áp nhân dân ta và những người yêu nước một cách dã man, hòng xâm chiếm, nô dịch lâu dài đất nước ta. Đã có nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân, của các văn thân sĩ phu yêu nước chống thực dân Pháp, nhưng đều thất bại.

Vấn đề lịch sử đặt ra lúc này là phải có những người con ưu tú của dân tộc tìm được con đường cứu nước đúng đắn.

Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã nhận lấy trách nhiệm ấy trước lịch sử, xuất dương, tìm một con đường mới để cứu nước, cứu dân. Không bước trên lối mòn cũ, không sang Nhật Bản, Trung Quốc… như một số nhà yêu nước trước đây; với sự mẫn cảm đặc biệt, nhãn quan chính trị sắc bén, mạnh dạn tìm lối đi mới, Nguyễn Tất Thành đã sang phương Tây, đi vào trong lòng chủ nghĩa tư bản, đi vào nơi có “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” để tìm hiểu, tìm con đường để trở về giúp đồng bào thoát vòng nô lệ.

Trưa ngày 5-6-191, từ Bến Nhà Rồng, T.P Sài Gòn - Gia Định (nay là T.P  Hồ Chí Minh) lấy tên là Văn Ba, Nguyễn Tất Thành trong công việc là người phụ bếp lên đường sang Pháp trên chiếc tàu buôn Đô đốc Latouche Tréville để tìm "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi". Trong chuyến hành trình đó, Tàu Đô đốc Latouche Tréville đã đi qua các nước như Singapore, Colombo thuộc SriLanka, Djibouti, Port Said…

Đến ngày 15-7-1911, tàu cập cảng Le Havre, ở miền Bắc nước Pháp và đây là lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành đặt chân lên nước Pháp.

Đi nhiều nơi, lăn lộn trong cuộc sống lao động và đấu tranh của quần chúng lao khổ ở các thuộc địa và các nước tư bản, ở đâu, Người cũng thấy hai cảnh trái ngược nhau: Thiên đường của những kẻ giàu sang; địa ngục của hàng triệu người cần lao đủ các màu da sống lầm than, đói rách. Người cho rằng cách mạng tư sản Anh và cách mạng tư sản Pháp là những cuộc cánh mạng “chưa đến nơi”.

Tháng 7-1920, qua báo Nhân đạo (L'Humanité - Pháp), Nguyễn Ái Quốc đọc được tác phẩm “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I Lê-nin. Với Người, Cách mạng Tháng Mười Nga mới thỏa mãn được hai mục tiêu: Dân tộc độc lập, nhân dân tự do, hạnh phúc.

Tại T.P Tua (Tour), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp, tiến hành từ ngày 25 đến 30-12-1920, Nguyễn Ái Quốc - đại biểu duy nhất xuất thân từ nước thuộc địa tại Đại hội cùng những đại biểu Cánh tả với đa số áp đảo bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế thứ III. Với sự kiện lịch sử đó, Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên và là người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ chủ nghĩa yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa cộng sản.

Sau hành trình từ châu Âu, sang châu Phi, châu Mỹ, Nguyễn Ái Quốc về Trung Quốc và tại Hương Cảng từ ngày 3 đến 7-2-1930, Người đã chủ trì cuộc họp Hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam lúc này thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ra đời là một mốc son chói lọi đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam, là kết quả tất yếu của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nước ta trong những nǎm 20 của thế kỷ XX. Đảng ra đời chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về vai trò lãnh đạo cách mạng, về con đường cứu nước cứu dân thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân phong kiến, thoát khỏi bần cùng, đói nghèo và lạc hậu.

Mùa xuân năm 1941, sau 30 năm bôn ba qua bốn châu lục và gần 30 nước trên thế giới, Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Sự kiện ngày 5-6-1911, hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tạo nên bước ngoặt lớn trong cách mạng Việt Nam, đã làm thay đổi hướng phát triển của lịch sử và thay đổi số phận của cả dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX và mãi về sau. Sự kiện ấy còn vẹn nguyên tính thời sự, khích lệ Đảng ta, nhân dân sáng tạo và đổi mới.

Năm 1945, với lực lượng vũ trang không nhiều nhưng đã biết chớp thời cơ, toàn dân triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, lật đổ sự thống trị của Pháp - Nhật sau ngót một thế kỷ cai trị, lật đổ chế độ quân chủ sau nghìn năm thống trị, dựng nên chế độ dân chủ cộng hòa. Năm 1954, với sự sáng tạo từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang đánh “đánh chắc, tiến chắc” Đảng ta, nhân dân ta làm nên kỳ tích “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” chiến thắng ở Điện Biên Phủ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. 21 năm sau, bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy với nhịp độ “thần tốc” một ngày bằng hai mươi năm, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH.

Vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách sau 30 năm kháng chiến, tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn, khắc phục hạn chế do kéo dài cơ chế tập trung, bao cấp tháng 12-1986, Đại hội VI của Đảng đã đề ra công cuộc đổi mới đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, trì trệ, nghèo nàn, lạc hậu. Từ một nước thiếu gạo triền miên, nhiều năm nay, nước ta trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Từ chỗ lạc hậu về công nghệ, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về công nghệ thông tin…

Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo trải qua 35 năm đã giành được nhiều thành tích đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Thành tựu đó đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

Với tinh thần sáng tạo và đổi mới, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những mục tiêu đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng), mục tiêu đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước) để Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao, một nước công nghiệp hiện đại, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và “Bước lên đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

Đào Hồng