“Ăn cơm dân, mặc áo Đảng” là thành ngữ có nhiều cách hiểu. Theo nghĩa tích cực, đó là những con người làm việc trong bộ máy công quyền của nước ta, những người “vừa hồng, vừa chuyên”, được quần chúng yêu quý, tín nhiệm; được tổ chức Đảng tin tưởng, giao nhiệm vụ làm lãnh đạo, quản lý. Theo nghĩa tiêu cực thì là những người làm việc trong hệ thống chính trị nhưng không vì dân, không được lòng dân...

Những ngày gần đây, thành ngữ “ăn cơm dân, mặc áo Đảng” xuất hiện nhiều hơn trong đời thường và mạng xã hội. Ấy là khi người dân bàn về việc chọn ứng cử viên cho kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Nhiều người cho rằng, đại biểu Quốc hội cần tăng tỷ lệ những người “ăn cơm dân, mặc áo dân” thì mới nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội được?

Thực tế những nhiệm kỳ qua, chất lượng và hiệu quả hoạt động, nhất là trong nhiệm vụ giám sát quyền lực của Quốc hội đã có những bước tiến rõ nét. Và trong số các đại biểu Quốc hội nổi bật trên nghị trường như Nguyễn Quốc Thước, Ksor H’Bơ Khăp, Lê Thanh Vân... thì đều là đảng viên. Do đó, tỷ lệ người ngoài Đảng tham gia Quốc hội là bao nhiêu không quan trọng, mà quan trọng hơn cả là chất lượng đại biểu và cơ chế để đại biểu Quốc hội phát huy vai trò trách nhiệm của mình trước quốc dân, đồng bào.

Đảng ta là đảng cầm quyền, lấy nguyên tắc tập trung dân chủ làm nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động; lấy tự phê bình và phê bình làm quy luật tồn tại và phát triển. Cho nên, đảng viên làm đại biểu Quốc hội, nếu có đủ năng lực, trình độ thì sẽ thực hiện hoàn hảo cơ chế “Đảng cử, dân bầu”. Tất nhiên, không phải người tài đức nào cũng muốn vào Đảng, chủ trương khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân của Đảng đã và đang tạo điều kiện cho không ít người tài đức yên tâm phát triển kinh tế thuần túy. Vì lẽ đó, việc phấn đấu tỷ lệ đại biểu Quốc hội Khóa XV có từ 5-10% là người ngoài Đảng là một tỷ lệ hợp lý.

Vấn đề đáng bàn hơn là làm thế nào để chọn được những đảng viên có đủ trình độ, năng lực và uy tín để làm ứng cử viên đại biểu Quốc hội Khóa XV. Vừa qua, trả lời phỏng vấn báo chí, nữ đại biểu Quốc hội Khóa XIV Ksor H’Bơ Khăp cho biết: Bà không ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV vì tự thấy chưa đủ trình độ, năng lực để làm đại biểu chuyên trách, bà muốn được chuyên tâm vào nghề Công an mà bà đã chọn. Đó cũng là quyền chính đáng của đại biểu, nhưng cũng đặt ra một vấn đề, đó là Đảng phải xây dựng một đội ngũ đảng viên có đủ năng lực và đạo đức để làm đại biểu Quốc hội chuyên trách, rộng hơn đại biểu dân cử chuyên trách.

Trong một Đảng cầm quyền, đảng viên thường có xu hướng muốn nắm giữ các chức vụ trong bộ máy hành pháp vì ở đó có quyền lực thực tế cho cá nhân người nắm giữ. Đó là quy luật phổ biến cho mọi chế độ chính trị ở các quốc gia trên thế giới. Ở nước ta cũng vậy, những người có tài đức phần đông muốn được giữ trọng trách trong Chính phủ và chính quyền địa phương. Thực tế này cho thấy, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ làm đại biểu dân cử chuyên trách là một vấn đề rất lớn đối với Đảng ta hiện nay.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận xét rằng: Trong vài nhiệm kỳ gần đây, Quốc hội của nước ta đã quyền lực hơn, khó tính hơn rất nhiều. Tuy nhiên, hoạt động giám sát của Quốc hội hiện nay vẫn phụ thuộc vào nguồn chứng cứ và số liệu do các cơ quan hành chính Nhà nước cung cấp. Trong khi để Quốc hội thực sự phát huy vai trò giám sát của mình thì nguồn chứng cứ và số liệu độc lập là một vấn đề có ý nghĩa quyết định. Do đó, cùng với việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm đại biểu dân cử, Đảng phải xác lập cơ chế và chế độ kỷ luật nghiêm ngặt trong việc cung cấp thông tin cho Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Hơn nữa, cần nhận thức rõ ràng rằng, Quốc hội mạnh tức là Đảng mạnh. Hoạt động giám sát, phản biện của Quốc hội chính là hoạt động tự phê bình và phê bình Đảng.

Có như thế, thành ngữ “ăn cơm dân, mặc áo Đảng” sẽ luôn được người dân hiểu theo nghĩa tích cực và các đảng viên làm đại biểu dân cử càng thêm tự hào về trọng trách “hai vai” của mình.

Hồng Chuyên