Chùa Hòe Nhai (Hà Nội) có một bức tượng được sơn son thiếp vàng, tạc hình một vị vua mặc triều phục đang quỳ gập người, hai bàn tay cung kính mở rộng để trên mặt đất, trên lưng là một pho tượng Phật cao lớn, ngồi trên tòa sen. Sự ra đời của bức tượng này là cả một câu chuyện gắn với tên tuổi của một vị vua trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Vào khoảng năm 1670, lúc này Phật giáo đang trong thời kỳ suy sụp, các nhà sư đều điêu đứng vì bị cho rằng sự tồn tại của họ là không có lợi cho xã hội. Khi vua Lê Hy Tông lên nắm quyền năm 1675 đã ra sắc lệnh đuổi hết sư sãi ở các chùa lên rừng, ai ngoan cố không đi sẽ bị khép vào trọng tội đem ra xử trảm.
Một hôm bề tôi dâng lên Vua một hộp thiếp hồng gọi là “Hộp Ngọc”. Nhưng mở ra lại là một bản sớ do Thiền sư Tông Diễn viết nhằm giác ngộ vua Hy Tông hiểu đúng Đạo Phật. Đọc hết bức thư, Vua Hy Tông như bừng tỉnh, nhận ra việc làm sai sót của mình. Nhà vua lập tức cho triệu ngay Tông Diễn vào triều, cúi mình tạ lỗi trước nhà sư, sau đó thu hồi sắc lệnh cấm Phật giáo và hứa sẽ sửa mình với Tông Diễn.
Để thể hiện lòng thành, vua cho người tạc bức tượng lớn mà trong đó có hình nhà vua lấy theo mẫu vua Hy Tông đang phủ phục dưới đất cõng trên lưng tượng đức phật Thích Ca Mâu Ni đang ngồi thiền trên đài sen và đặt tên đó là bức tượng “Vua sám hối”.
Bức tượng do vua Hy Tông sai tạc, ngoài việc để sám hối với đức Phật vì hành động “phá đạo” của mình, ông còn muốn tất cả mọi người hãy tự biết tu thân sửa mình để sống tốt hơn, nhất là những quan lại nắm chức, cầm quyền trong tay cũng phải xem lại chính mình.
Bức tượng “Vua sám hối” trở thành độc nhất vô nhị không chỉ ở trong nước mà trên toàn thế giới.
Hoàng Nguyễn