Chẳng biết có phải đất lành chinh đậu không, mà bộ đội xuất ngũ và về hưu tụ về đông lắm, nhập hội với nhau rồi, mới hay nhiều anh em nghề nghiệp khá đa dạng. Chính bởi phát hiện ra điều này, lại thấy rõ sự ưu việt của địa hình “nửa phố, nửa rừng” ở đây, mà Chủ tịch Hội CCB thị xã Hồ Mạnh Tài và Chủ tịch Hội CCB phường Nguyễn Xuân Thanh, cùng các anh Đinh Xuân Hải, Đào Ngọc Cát bảo tôi: “Ta sẽ xóa nghèo và làm giàu chính đáng từ thế mạnh này; sẽ lập một hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp của CCB! Cậu giỏi về mộc, thử đứng ra chủ trì xem!”...

Tôi chưa giỏi như các anh nói đâu, nhưng tôi cũng ở trong Ban chấp hành Hội CCB phường, nên coi đây là một nhiệm vụ, phải thực hiện nghiêm túc. Tôi đầu tư suy nghĩ, lập kế hoạch từng bước, và báo cáo với các anh chưa gọi là HTX vội, phải chọn ngành nghề, nhân sự và lập từng tổ một…

Rồi tháng 2-2006, tôi cho ra đời tổ đầu tiên, gọi là tổ hợp sản xuất kinh doanh đồ mộc dân dụng. Tiếp đến năm 2007, tôi lập tiếp tổ nghiền đá và tổ sắt thép xây dựng. Tới năm 2008, 3 tổ hợp nữa ra đời, đó là tổ kinh doanh xăng dầu, tổ may mặc và tổ bọc tuốt dây cáp điện các loại. Bấy giờ, cái tên “HTX tiểu thủ công nghiệp CCB phường Nam Sơn” mới chính thức thành thương hiệu, và tôi được bầu làm chủ nhiệm.

Các tổ hợp của HTX chúng tôi thu hút lao động rất nhanh. Đến nay, tổ mộc đã có tới 40 người; tổ xăng dầu có 12; tổ nghiền đá có 45; tổ sắt thép có 23; tổ bọc tuốt dây cáp điện đông nhất: gần 50 người. Cộng tất cả tới gần 200 lao động, đều là hội viên CCB và con em gia đình chính sách thuộc phường, với mức lương bình quân 2,3 triệu đồng/tháng/người. Tất nhiên, nhiều anh em vào làm đã sẵn tay nghề, song để nâng cao hơn nhân lực dồi dào hơn, chúng tôi đã mở khá nhiều lớp dạy nghề tại chỗ, như năm 2007, mở 2 lớp cho 62 người; năm 2008, mở 3 lớp cho 110 người, do đó trình độ và kiến thức sản xuất kinh doanh của xã viên được nâng cao. Không chỉ vậy, HTX còn tổ chức đi tham quan các cơ sở làm kinh tế giỏi, mở rộng quan hệ với các làng nghề nổi tiếng ở các tỉnh lân cận như Đồng Kỵ (Bắc Ninh), La Xuyên (Nam Định) để học hỏi kinh nghiệm về áp dụng vào HTX mình. Nhờ vậy, hàng hóa của chúng tôi luôn đạt chất lượng cao, khách hàng tin cậy, hiệu quả kinh tế tốt, doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể: năm 2007, thu 2,8 tỷ đồng; năm 2008, thu 3,9 tỷ đồng; năm 2009, thu 4,6 tỷ đồng. Là cơ sở của những anh bộ đội Cụ Hồ, nên HTX chúng tôi chấp hành nghiêm các quy định của Pháp luật, đóng thuế đầy đủ, và luôn tạo nguồn vốn quỹ phúc lợi hàng năm khoảng 20 triệu đồng để phục vụ các hoạt động nghĩa tình…

Với sự cố gắng như thế, nên năm 2009, HTX chúng tôi được Hội CCB tỉnh Ninh Bình đánh giá là đơn vị sản xuất kinh doanh giỏi, được đi báo cáo điển hình tại hội nghị do T.Ư Hội CCB Việt Nam và Liên minh HTX Việt Nam tổ chức tại Thái Nguyên. Cùng năm, HTX cũng được tặng 2 bằng khen, một của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, và một của UBND tỉnh Ninh Bình.

Phấn khởi trước thành tích ấy, chúng tôi càng băn khoăn về những khó khăn của mình: Vốn quá ít, các tổ hợp thì “anh” ở ngoài mặt đường, “anh” ở trong núi đá, đều nằm trên đất thuê mướn, trong khi đó trụ sở chung của HTX chưa có!... Những khó khăn ấy, nếu được các cấp chính quyền cũng như Hội CCB nghiên cứu, giúp đỡ, thì HTX chúng tôi sung sướng vô cùng!...

Phạm Ngọc Năng (Ninh Hòa ghi)