Một ngày đầu Xuân năm 1991, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Tùng, khi ấy đang là thư ký của Bộ trưởng Bộ Y tế, Giáo sư Phạm Song, đang chuẩn bị cho một ngày làm việc thì bất chợt xuất hiện trước mặt ông người lính già mang quân hàm Đại tá Quân y có khuôn mặt rất nhân từ. Đó là bác sĩ Nguyễn Viết Châu - Trưởng Khoa A11, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. Bác sĩ Châu có công việc gấp cần gặp Giáo sư Bộ trưởng để giải quyết.
- Thầy Châu, thầy có nhớ em không ạ?
Ngỡ ngàng, vị bác sĩ già mái tóc đã hoa râm, nguyên Viện trưởng Viện Quân y 1 của Quân y Tây Nguyên dường như đang lục tìm trong trí nhớ thì CCB Phạm Văn Tùng tiếp lời:
- Cách đây 18 năm, em chính là người thương binh tưởng đã chết, được thầy và các y, bác sĩ ở Quân y Viện l Tây Nguyên cứu sống năm 1972 đây thầy...
- À, tôi nhớ ra rồi, cậu là cậu Tùng có phải không?
Cảm động đến nghẹn ngào, hai người lính đều đã từng trải qua những năm tháng khốc liệt ở mặt trận Tây Nguyên, lặng lẽ ôm nhau. Với CCB Pham Văn Tùng, những ký ức chiến trường thuở trước ùa về như vừa mới ngày hôm qua.
…
Sau nhiều trận đánh khốc liệt giữa ta và địch, trận cuối ở nghĩa địa đồi tròn thuộc thị xã Kon Tum giữa tháng 5-1972, cán bộ, chiến sĩ Trung đội 3, Đại đội 3, Tiểu đoàn 16, Sư đoàn 320A của Phạm Văn Tùng hầu hết đã anh dũng hy sinh trong khi chiến đấu cản đường tiến của địch, cho đại quân an toàn rút lui. Chiến sĩ Phạm Văn Tùng bị thương nặng. Khi tỉnh dậy, thấy chỉ còn một mình giữa rừng già Tây Nguyên, trong ánh lửa hỏa châu của trận đánh đang tiếp diễn, anh xác định phải tìm đường về lại đơn vị chiến đấu. Trong tình cảnh ấy, cơ hội sống thật quá mong manh.
Một mình bị thương và sốt rét rừng, anh lần tìm đơn vị giữa rừng rậm hoang vu trong mùa mưa Tây Nguyên. Muỗi, vắt rừng nhiều vô kể bâu vào hút máu, chẳng còn sức để gỡ. Đói, anh cầm cự bằng lá cây, măng rừng, môn thục và các thứ quả rừng mọc ven suối; có khi ăn cả dế, nhện rừng bắt được. Những lúc lên cơn sốt rét rừng, phải lần tìm hốc cây trú tạm. Cho đến khoảng ngày thứ 9, thứ 10 gì đó không nhớ rõ, khi đến một triền rừng già, anh thấy ớn lạnh từ trong xương tủy và lên cơn sốt rét và nóng dữ dội, người lả đi lúc tỉnh, lúc mê. Biết mình sức đã cạn, không còn sống được bao lâu nữa, anh dừng lại, ngước nhìn xung quanh tìm vị trí thích hợp làm nơi yên nghỉ. Rừng mưa tĩnh lặng. Tiếng bom đạn ì âm xa xa. Thấy bên cạnh là một thác nước tung bọt trắng xóa, bên trong dòng nước dội từ trên cao xuống là một gộp đá lõm vào trong tạo thành một hốc to, anh cố lết đến đó nằm trên đệm rêu xốp, mềm, chờ chết.
Đang chập chờn giữa hai bờ hư thực, chiến sĩ Phạm Văn Tùng chợt giật mình khi nhìn thấy 4 cẳng chân đầy bùn đất đi lần xuống. Nếu là tàn quân của ngụy thì chắc anh sẽ chết. May mắn thay, đó là hai chiến sĩ vệ binh Sư đoàn 320A cũng đang bị lạc đường. Còn gần 1 bò gạo, cả ba bỏ vào mũ sắt nấu cháo. Nhờ có chút hơi hồ, ai cũng dần tỉnh.
Ba chiến sĩ dìu nhau đi tìm đơn vị. Họ đi rất chậm, vì đói lả, sốt rét liên miên. Cứ nghe nơi nào có tiếng bom đạn là lần đến. Cho tới một ngày, khi tìm được vệt đường của bộ đội vừa đi qua; đang đi, đột nhiên, Phạm Văn Tùng lại cảm thấy người ớn lạnh. Một luồng khí lạnh chạy dọc xương sống từ cuối mỏm cụt lên đến đỉnh đầu. Toàn thân rã rời, vật vã, lúc tỉnh lúc mê. Nghĩ rằng, nếu cứ đi tiếp thế này thì cả ba anh em sẽ suy kiệt mà chết với nhau, anh quyết định sẽ chết một mình để không ảnh hưởng tới hai người đồng đội. Anh dừng lại, với lý do đã tìm thấy đường, đề nghị tách làm hai đoàn đi ngược chiều nhau để tìm đồng đội và hẹn rằng nếu gặp được bộ đội mình thì báo rằng ở đầu kia có người cần cứu giúp. Thấy anh yếu quá, hai chiến sĩ đi cùng là Thái và Lược ngần ngừ. Phạm Văn Tùng cương quyết: Tôi đã quyết định rồi. Tuy bịn rịn nhưng hai đồng đội đành chấp thuận chia tay. Còn lại một củ mài nhỏ, Phạm Văn Tùng chia ba phần. Anh lấy phần nhỏ nhất vì biết rằng đằng nào mình ăn cũng vô ích, nên để dành phần hơn cho đồng đội lấy sức mà đi. Chiến sĩ Lược nhìn thấy, nhất định không chịu, bắt anh Tùng nhận phần to nhất. Dùng dằng một lúc, họ ngược nhau theo hai hướng.
Đã quá mệt vì lên cơn sốt rét, ngồi trên ba lô lép kẹp, Phạm Văn Tùng chỉ mong đồng đội của mình đi khuất là rẽ vào rừng mắc võng để yên nghỉ cho thanh thản. Quả nhiên, ngay sau đó, mắt anh mờ dần rồi đột nhiên không biết gì nữa.
Bị hôn mê vài ngày, khi tỉnh dậy, anh thấy mình nằm trên giường bệnh bằng tre trong nhà bán hầm, toàn thân bất động. Sau mới biết, đây là Ban Nội 3 của Viện 1, đứng chân ở núi Hổ, ven suối Tà Bộp, Tà Dạt, sát biên giới Campuchia, do bác sĩ Nguyễn Viết Châu làm Trưởng ban…
Bác sĩ Tùng vẫn nhớ, năm ấy, khi nghe ông kể lại chuyện xưa, bác sĩ Nguyễn Viết Châu nhìn về xa xăm, giọng ông chùng xuống:
- Tôi còn nhớ, hôm đó cậu bị hôn mê, nằm trên đường mòn và được đồng đội tìm thấy. Cũng may, cậu nằm ngay rìa đường, nếu cậu chỉ bò sâu vào rừng 10m nữa thôi thì giữa rừng rậm Tây Nguyên, chúng tôi làm sao tìm thấy được. Hôm đó, đưa cậu về Quân y viện 1 Tây Nguyên, tưởng cậu đã chết nên anh em đã đào huyệt, ghi lại số hiệu lính của cậu để chuẩn bị chôn cất; nhưng một y sĩ tình cờ đưa sợi bông vào trước mũi cậu và cảm thấy vẫn còn hơi bay nhè nhẹ nên các bác sĩ quyết định đưa lại buồng hồi sức tích cực của Viện. Hồng cầu của cậu lúc đó chỉ còn 83 vạn. May thay, mỗi người tiếp thêm cho một ít máu nên cậu đã qua được. Nghe anh em nói lại, sau đó cậu đã chống gậy lên thăm cái huyệt đào sẵn nằm trên hẻm rừng già bên cạnh đường lên Viện bộ phải không? Nơi đó lẽ ra của cậu. Nhưng khi cậu ngồi dậy được thì cậu Mai - người Thanh Hóa lại nằm xuống. Cái huyệt đó đã trở thành nơi an nghỉ của cậu Mai…
Hồng Linh