Đó là một quyết định đúng. Đúng như 1+1=2 .
Tuy nhiên, phía sau của “1+1=2” đó còn “lộ” ra nhiều chuyện cần bàn. Trước hết, phải thấy rằng nếu hai CCB được khen thì cũng đồng nghĩa với việc phải có những hình thức ngược lại ít nhất là phê bình với những cấp, những ngành ở tỉnh Bắc Ninh hơn 2 năm qua “một mực” đòi kỷ luật việc làm của hai ông CCB kể trên.
Đồng thời cũng thiết nghĩ, ngoài Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu tiếp hai vấn đề sau đây:
Một là: Theo các phương tiện thông tin đại chúng, trong quá trình đấu tranh, hai CCB tuổi 80 này, đã phải sống trong cảnh cơ cực, khó khăn. Vì đấu tranh chống tiêu cực ngay trên chính quê hương, liên quan đến hàng nghìn người, trong đó có nhiều mối quan hệ anh em, họ hàng, làng xóm… nên họ bị cô lập, cuộc sống luôn căng thẳng, bị chửi bới, đe dọa, ném phế thải vào nhà; kinh tế thiệt hại bởi tài sản, cây cối, hoa màu nhiều lần bị chặt phá. Song, với bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, hai CCB đã dũng cảm, mưu trí, bền bỉ phanh phui 2.745 bộ hồ sơ thương binh giả, truy thu về cho Nhà nước 150 tỷ đồng, giảm chi mỗi năm 20 tỷ đồng, khiến 29 đối tượng bị xử lý hình sự.
Thành tích này, ngoài Bằng khen của Bộ LĐTBXH đã trao tặng, xứng đáng với các hình thức khen thưởng cao hơn.
Hai là: Theo Dự thảo mới của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ, nếu người được khen thưởng giúp thu hồi được cho Nhà nước tiền, tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở thì có thể áp dụng mức động viên, khuyến khích bằng vật chất tối đa không vượt quá 10% giá trị tiền, tài sản đã thu hồi được. Với việc phanh phui ra 2.745 bộ hồ sơ thương binh giả, truy thu về cho Nhà nước 150 tỷ đồng, giảm chi mỗi năm 20 tỷ đồng, hai ông phải được động viên bằng lợi ích vật chất xứng đáng.
Cái khó nhất là cơ quan, đơn vị nào làm thủ tục đề nghị việc này cho hai ông. Vì là người dân sống ở địa phương, mọi vấn đề do địa phương đề xuất. Mà việc làm của hai ông đợi địa phương đề xuất chắc không phải là chuyện dễ. Ngay như việc Bộ LĐTBXH đề nghị cho ý kiến về tình hình chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước của hai ông từ năm 2015, mà mãi đến ngày 23-5-2017 tỉnh Bắc Ninh mới miễn cưỡng chính thức có văn bản “hiệp y”. Vậy nay làm các thủ tục để khen thưởng hai CCB trên bằng cả vật chất thì nhỡ ra “tỉnh vẫn như xưa” thì khó đấy, vì phải đúng quy trình.
Tỉnh không vào cuộc đồng nghĩa với “chưa đúng quy trình”. Mong các cơ quan Trung ương, phối hợp với tỉnh Bắc Ninh tiếp tục xem xét khen và thưởng xứng đáng cho hai CCB Nguyễn Tiến Lãng và Nguyễn Công Uẩn, để động viên những người có dũng khí tiếp tục lao vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Còn nhiều việc phải làm, vì đấu tranh phòng chống tham nhũng là cuộc đấu tranh gian khổ và phải kiên trì".
Từ chuyện “1+1=2” ở Bắc Ninh mới thấy cuộc chiến “chống giặc nội xâm” khó khăn nhường nào. Để cuộc chiến mang lại hiệu quả, thiết nghĩ Đảng ta hãy nhìn chính diện vào tệ tham nhũng của đất nước để có quyết tâm khắc phục. Cũng giống như cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, để giành non sông về một mối Đảng phải mất trọn 30 năm - tính từ Quốc khánh 2-9. Đó là chưa kể hàng triệu người đã ngã xuống. Cuộc chiến “chống giặc nội xâm” tôi nghĩ còn gian nan hơn cả chống giặc ngoại xâm, vì đây là cuộc đấu tranh nội bộ. Đấu tranh giữa quyền lợi tập thể với quyền lợi cá nhân.
Đương thời Bác Hồ đã phải dành rất nhiều công sức, trí tuệ để chỉ ra hậu quả của Đảng nếu để chủ nghĩa cá nhân thắng chủ nghĩa tập thể.
Xin lấy giãi bày của người trong cuộc để kết thúc bài viết này: “Sau bao nhiêu năm đấu tranh với không ít vất vả, giờ chúng tôi đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, thật vui mừng. Vui mừng không chỉ vì được nhìn nhận đúng, mà còn vì nhờ cơ quan chức năng khen thưởng, vinh danh, để làm gương cho con cháu đứng lên chống tiêu cực” - Ông Lãng nói trong buổi nhận Bằng khen.
Đỗ Công Huynh