Chương trình này có mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng loại vật liệu thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20-25% vào năm 2015 và 30-40% vào năm 2020.
Việc phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung có tác dụng tiết kiệm đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.
Chương trình cũng đặt ra mục tiêu là hàng năm sử dụng khoảng 15-20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao...) để sản xuất vật liệu xây dựng không nung, tiết kiệm được khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải.
Theo Chương trình, sẽ có 3 chủng loại vật liệu xây dựng không nung được phát triển sản xuất và sử dụng. Đó là gạch xi măng-cốt liệu, gạch nhẹ và các loại gạch khác. Trong đó, tỷ lệ gạch xi măng-cốt liệu trên tổng số vật liệu xây không nung khoảng 74% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020.
Gạch nhẹ (có 2 loại là gạch từ bê tông khí chưng áp và gạch từ bê tông bọt) chiếm tỷ lệ vào khoảng 21% vào năm 2015 và 25% vào năm 2020 trên tổng số vật liệu xây không nung.
Gạch khác (đá chẻ, gạch đá ong, vật liệu xây không nung từ đất đồi và phế thải xây dựng, gạch silicát...) đạt tỷ lệ khoảng 5% từ năm 2015 trên tổng số vật liệu xây không nung
Để Chương trình được thực hiện đúng kế hoạch, Chính phủ quy định, các dự án chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung nhẹ và sản xuất gạch xi măng - cốt liệu công suất từ 7 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm trở lên ngoài các chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi và hỗ trợ khác theo quy định hiện hành còn được được hưởng ưu đãi như đối với các dự án thuộc chương trình cơ khí trọng điểm.
Từ năm 2011, các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây dựng không nung loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1000 kg/m3) trong tổng số vật liệu xây.
(Nguồn: Quyết định 567/QĐ-TTg)
Cao Thúy