Với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực ở hai cấp trình độ sơ cấp nghề và trung cấp nghề thuộc 10 ngành nghề cần thiết nhất đáp ứng nhu cầu xã hội là Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính; Quản trị mạng máy tính; Tin học văn phòng; Kế toán doanh nghiệp; Điện dân dụng; Điện công nghiệp; Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; Sửa chữa điện thoại di động; Kỹ thuật xây dựng; Đào tạo ngoại ngữ, hơn 5 năm qua, Trường trung cấp nghề Hội CCB Việt Nam đã đào tạo, dạy nghề cho hơn 1.500 học sinh ra trường, các học sinh ra trường cơ bản có việc làm ổn định. nhiều học sinh có thu nhập khá. Đầu tháng 6-2014, trường đã làm Lễ tốt nghiệp cho 26 bộ đội xuất ngũ học lớp nghề điện, điện lạnh; ngay sau khi tốt nghiệp, các học viên đã được các công ty ở Hà Nội và các tỉnh lân cận tiếp nhận vào làm việc. Hiện nay, trường đang tiếp tục củng cố tổ chức, biên chế và đang tích cực chuẩn bị để tuyển sinh đào tạo, dạy nghề năm 2014-2015.
5 năm qua là một chặng đường phấn đấu của các cán bộ nhân viên Trường trung cấp nghề Hội CCB Việt Nam, những bài học kinh nghiệm hơn 5 năm qua đang là cơ sở để trường hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bài và ảnh: Quốc Huy

Vốn đầu tư nước ngoài vào
Việt Nam tiếp tục tăng cao
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới hiện nay, Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư quốc tế tin tưởng, đánh giá cao và tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), những tháng đầu năm 2014, tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam chiếm tỷ lệ thấp so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, cũng trong 5 tháng đầu năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam với số vốn đầu tư hơn 5,5 tỷ USD; bằng 65,7% so với cùng kỳ năm 2013; mở ra nhiều triển vọng thu hút đầu tư vốn FDI từ nay đến cuối năm. Trong 5 tháng đầu năm, đã có 500 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép. Lượng vốn FDI được giải ngân tăng với 4,6 tỷ USD, xu hướng mở rộng sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam diễn ra rất tích cực. Đây là những tín hiệu hết sức tích cực trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn. Bên cạnh những đối tác truyền thống của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… nhiều nhà đầu tư từ các quốc gia phát triển, đặc biệt là Mỹ và châu Âu đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Hiểu rõ vấn đề và tin tưởng vào cách xử lý tình hình của Nhà nước ta, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và các đoàn thể với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ khi xảy ra sự cố một số đối tượng quá khích đập phá máy móc, nhà xưởng và lấy trộm tài sản của một số doanh nghiệp nước ngoài tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh sau sự kiện Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đại diện nhiều Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam, đánh giá Việt Nam và các nước khu vực ASEAN vẫn là khu vực tốt nhất để đầu tư và sẽ tiếp tục đầu tư trong thời gian tới.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2014 được tổ chức mới đây tại Hà Nội, các doanh nghiệp nước ngoài đều đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giữ vững ổn định sản xuất cho các doanh nghiệp. Bà Liu Mei The, Tổng hội trưởng Hiệp hội thương mại Đài Loan tại Việt Nam phát biểu: “Chúng tôi nhận thấy môi trường đầu tư của Việt Nam đang được cải thiện theo xu hướng hợp tác tốt hơn và chúng tôi hoàn toàn yên tâm đầu tư vào Việt Nam… Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là rất quan trọng, Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư”. Môi trường tiếp nhận đầu tư tại các địa phương trong nước cũng có những chuyển biến mạnh mẽ với công tác tuyên truyền quảng bá rộng rãi, sự chuẩn bị tích cực về cơ sở hạ tầng như quỹ đất sạch với cơ sở hạ tầng đồng bộ, thực hiện cải cách hành chính với cơ chế một cửa, liên thông tạo mọi điều kiện thuận lợi, nhanh chóng cho các nhà đầu tư trong quá trình làm thủ tục cũng như trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Đáng chú ý là nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam như các tỉnh Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai… có số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh. Tại tỉnh Bình Dương, tính đến cuối tháng 5 đầu tư trực tiếp nước ngoài đã lến đến 978,4 triệu USD, đạt 97,8% kế hoạch năm 2014, tăng 14,9% so với cùng kỳ với 65 dự án đầu tư mới và 56 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư; tại TP Hồ Chí Minh, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 793 triệu USD, tăng 119% so với cùng kỳ năm 2013. Dự án xây dựng nhà máy sản xuất điện tử trị giá 1 tỷ USD của Tập đoàn Sam Sung (Hàn Quốc) đã được chấp thuận tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh và rất nhiều dự án lớn nữa tại các địa phương khác đang được đàm phán để có thể được cấp chứng nhận đầu tư, nhanh chóng đi vào xây dựng và triển khai hoạt động trong những tháng cuối năm 2014 này.
Dự báo, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2014 sẽ không giảm so với năm 2013 và có những triển vọng sáng sủa trong thời gian tới.
Bài và ảnh: Thanh Huyền