Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Chiều 26-8, tại Nhà Quốc hội, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 (Ban chỉ đạo), chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo.

Dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh; các đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội và các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị là xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Để thực hiện nhiệm vụ này, cần nghiên cứu, ban hành chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Trong đó có xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực.

Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 có 3 cấu phần. Cấu phần thứ nhất là xây dựng hệ thống pháp luật. Yêu cầu đặt ra là có hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, của doanh nghiệp làm trọng tâm; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Cấu phần thứ hai là xây dựng nền hành chính nhà nước. Yêu cầu là xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai và minh bạch.

Cấu phần thứ ba là xây dựng nền tư pháp. Yêu cầu là bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân.

Dự kiến, tháng 10-2022, Bộ Chính trị sẽ trình Trung ương xem xét, ban hành nghị quyết về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045. Đảng đoàn Quốc hội được phân công chủ trì xây dựng 4 đề án và có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc 1 đề án.

Bốn chuyên đề mà Đảng đoàn Quốc hội được giao là Chiến lược lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hội đồng tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN; đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN; hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Chuyên đề thứ năm mà Đảng đoàn Quốc hội được phân công theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc là tiếp tục hoàn thiện, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, do tính chất phức tạp, khó, quan trọng và khẩn trương như vậy, nên ngay sau khi nhận được yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội đã kịp thời ban hành Kế hoạch 106-KH/ĐĐQH15 ngày 10-8-2021 để triển khai thực hiện nhiệm vụ về xây dựng các chuyên đề được phân công.

Tại phiên họp, các thành viên đã nghe công bố Nghị quyết số 141-NQ/ĐĐQH15 của Đảng đoàn Quốc hội về thành lập Ban chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công; nghe và thảo luận về dự thảo quy chế làm việc của Ban chỉ đạo.

Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG